09/01/2018 - 08:54

Trồng hoa trong nhà màng cho hiệu quả cao 

Từ tháng 9-2016, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ chủ trì triển khai Dự án Xây dựng mô hình sản xuất hoa chậu quanh năm tại Làng hoa Phó Thọ-Bà Bộ, quận Bình Thủy. Dự án xây dựng điểm trình diễn về trồng hoa trong nhà màng với nhiều giống hoa mới có khả năng sản xuất quanh năm nhằm giúp người trồng hoa đa dạng sản phẩm, tăng sản lượng và tăng thu nhập.

Sản xuất hoa trong nhà màng tại Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, quận Bình Thủy. Ảnh: MINH HUYỀN

Sản xuất hoa trong nhà màng tại Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, quận Bình Thủy. Ảnh: MINH HUYỀN

Dự án Xây dựng mô hình sản xuất hoa chậu quanh năm tại Làng hoa Phó Thọ-Bà Bộ, quận Bình Thủy triển khai từ tháng 9-2016 đến tháng 9-2018, kinh phí thực hiện trên 390 triệu đồng. Dự án hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trồng hoa trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động với diện tích 120m2. Đồng thời, cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các nông hộ tham gia dự án. Các loại cây giống đưa vào sản xuất thử gồm: 6 giống dạ yên thảo kép phục vụ hoa chậu để bàn, 4 giống dạ yên thảo rũ chậu treo; một số giống kiểng lá màu để bàn và một một số giống cúc phù hợp sản xuất quanh năm. Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều, Phó Trưởng Ban Thông tin phổ biến kiến thức và Hội viên thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Qua hội thảo đánh giá giữa kỳ vào cuối tháng 12-2017 cho thấy, các giống hoa đưa vào sản xuất thử đều phát triển tốt, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng. Một số hộ trồng hoa dù không trực tiếp tham gia Dự án cũng liên hệ với Ban Chủ nhiệm để tiếp cận các giống hoa mới này nhằm đa đạng sản phẩm cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán 2018.  

Điểm trình diễn trồng hoa trong nhà màn được triển khai tại hộ ông Huỳnh Văn Bằng thuộc khu vực Bình Phó B, phường Long Tuyền với diện tích 120m2 vốn đầu tư 120 triệu đồng. Ông Bằng, cho biết: Nhờ được đầu tư nhà màng nên hoa kiểng sinh trưởng, phát triển tốt, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi như mưa và sương muối, hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm phân thuốc. Ban đầu khi xây dựng nhà màng, nhiều bà con trong khu vực còn bỡ ngỡ nhưng khi đưa vào ứng dụng kỹ thuật đạt kết quả cao nên nhiều người cũng đang có dự định đầu tư xây dựng nhà màn với sự hỗ trợ, tư vấn từ Ban Chủ nhiệm dự án.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ cung ứng 1.800 cây giống hoa và kiểng các loại để phục vụ nghiên cứu quy trình sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng của bà con trong làng nghề nên Ban Chủ nhiệm đã đầu tư trên 3.000 cây giống hoa, kiểng các loại cho các nông hộ. Dù không thuộc Dự án nhưng anh Nguyễn Văn Dũng, hộ dân trồng hoa ở khu vực Bình An, phường Long Hòa đã tự đầu tư nhà màng và tiếp cận các giống hoa mới từ dự án để sản xuất thử. Anh Dũng cho biết: “Năm qua, tôi đã đầu tư khoảng 17 triệu đồng làm nhà màng với diện tích khoảng 70m2 để trồng hoa cúc đồng tiền. Đồng thời, trồng thêm các loại hoa mới như các giống cúc bi, dạ yên thảo, cát tường, sao băng… Tuy nhiên, do đây chỉ là nhà màng tự chế nên trong năm 2018 tôi sẽ tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn của Ban Chủ nhiệm dự án để đầu tư thêm khoảng 150m2 nhà màng theo đúng tiêu chuẩn để trồng hoa chuông cùng hoa đồng tiền bán quanh năm”.

Dự án còn chuyển giao cho nông hộ một số giống kiểng lá màu mini để bàn. Các giống kiểng này có thời gian từ trồng đến xuất bán ngắn, có thể tận dụng được không gian, diện tích trồng trong nhà màng bên cạnh các giống hoa khác. Ban Chủ nhiệm cũng khuyến cáo người trồng nên sử dụng cây kiểng lá cấy mô để sản xuất cây kiểng mini để bàn vì dáng cây đẹp, thời gian sử dụng chậu kiểng lâu. Ông Lâm Quang Hồng, hộ dân trồng hoa ở Làng hoa Bà Bộ - Phó Thọ, cho biết: “Nhờ có nhà màng nên tôi trồng hoa, kiểng để bán quanh năm thay vì chỉ tập trung dịp Rằm và Tết Nguyên đán. Các giống hoa cũng đa đạng hơn trước với các loại như cúc đồng tiền, cát tường, lan, dạ yên thảo, hoa dừa rũ cùng một số loại kiểng lá màu. Hiện kiểng lá màu chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng tiêu thụ của gia đình. Tuy nhiên, tôi cũng thường xuyên nghiên cứu tìm tòi trồng thêm một số giống mới để đa dạng sản phẩm dành phục vụ khách hàng văn phòng”.

Theo Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều, các giống hoa, kiểng chuyển giao cho nông dân là các giống mới do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam chuyển giao. Từ nay đến khi kết thúc Dự án, Ban Chủ nhiệm sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất các giống hoa, kiểng này về điều kiện chăm sóc, phân bón, giá thể, kích thước chậu phù hợp để treo hoặc để bàn. Đồng thời, tập trung chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã hoa kiểng, người dân trồng hoa tại làng nghề. Dự án cùng khuyến cáo người dân trồng hoa theo mô hình nông nghiệp đô thị nên đầu tư nhà màng, nhà có mái che để có thể sản xuất quanh năm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định thu nhập.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết