04/08/2019 - 08:32

Trống đồng của người Việt 

Trống đồng trong đời sống văn hóa của Việt Nam không chỉ là một trong những loại nhạc cụ, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh. Thanh âm của trống đồng được xem như hồn thiêng sông núi, trào dâng niềm tự hào dân tộc trong những trận đánh lui ngoại xâm...

Trống đồng Ngọc Lũ - lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. ảnh: baotanglichsu.vn

Âm nhạc cổ điển, khởi đầu, người ta dùng 8 loại vật liệu để từ đó làm cho phát ra 8 loại tiếng khác nhau là: Bào: Trái bí thuộc loại bầu eo; Thổ: Đất sét nung chín; Cách: Da thuộc căng thẳng; Mộc: Gỗ; Thạch: Đá; Kim: Kim khí; Ty: Loại tơ kén; Trúc: Tre đặc biệt. Những âm thanh ấy gọi chung là "bát âm". Sau, được "tiêu chuẩn hóa" là 8 thứ nhạc khí, mỗi loại nhạc khí phát ra thứ tiếng đặc trưng. Đó là: tiếng sênh (hay sanh) làm bằng vỏ trái bầu, có gắn 13 ống sáo để thổi (bào); tiếng trống đất còn gọi là tiếng huyền, làm bằng đất, to bằng con ngỗng, trên nhọn, dưới to, có 6 lỗ để thổi (thổ); tiếng trống da (cách); tiếng mõ gõ còn gọi là tiếng chúc ngữ, làm bằng gỗ, có một cái thùng vuông không nắp ở giữa, đáy có gắn một cây trụ dùng để đánh qua đánh lại vào cái thùng vuông (mộc); tiếng đá còn gọi là tiếng khánh (thạch); tiếng chuông đồng (kim); tiếng dây đàn (ty), và tiếng sáo tre còn gọi là trì, một loại nhạc khí bằng ống trúc dài 1 thước 4 tấc (thước xưa), tròn 3 phân, có 7 lỗ đều nhau và có một lỗ tách lên cao, cộng chung là 8 lỗ, dùng thổi ngang, không thổi dọc (trúc).

Như vậy, trống là một trong "bát âm nhã nhạc". Trống truyền thống của người Việt làm bằng hợp kim (đồng, chì và thiếc), hay da thuộc (phổ biến là da các loại thú vật có sừng). Tiếng trống thuộc về nhạc gõ nên cây dùng đánh lên mặt trống cho phát lên tiếng kêu gọi là dùi. Trống da, khi đánh trong những trường hợp đặc biệt biểu thị mệnh lệnh mang tính thiêng liêng, như đánh trống chầu chẳng hạn, thay vì gọi dùi, người ta gọi là roi, nói đủ là roi trống. Với cách biểu diễn cùng âm thanh đồng vọng đặc thù của loại nhạc khí này, không chỉ đã mặc nhiên nói lên tính quan trọng cần thiết mà còn xác định rõ ràng tiếng trống chính là âm thanh chủ đạo. Ở đó trống đồng là một thứ tín hiệu bao quát hơn, có tác dụng tập hợp hoặc thông tin cho cả khu vực (nhiều họ, nhiều làng, cả trong chiến trận và trước hết nó được dùng trong lễ hội, tế thần hoặc đảo vũ), nên được xem là thiêng nhất.

Trống đồng được chế tác bằng hợp kim (đồng, chì và thiếc) nhờ đồng có độ dai bền vô cùng, có thể dát mỏng làm mặt trống mà tha hồ đánh không thủng. Trống đồng có nhiều kiểu thức khác nhau, hình dáng đại thể giống như cái nồi đồng, có chạm trổ hoa văn, họa tiết cực kỳ tinh xảo trên những vòng tròn đồng tâm, phản ánh sinh hoạt văn hóa đời sống con người thời đại cổ xưa. Điểm nhấn là nền văn minh lúa nước, tận từ thời mà cư dân Việt còn giã gạo bằng chày đứng, chứng tỏ nghề đúc đồng với kỹ thuật chế tác hợp kim của người Việt cổ đã đạt đến đỉnh cao, khiến các nhà khảo cổ trên thế giới phải nghiêng mình thán phục và thừa nhận đây là những chế phẩm văn hóa phi vật thể xuất hiện chí ít cũng vào cuối thời các vua Hùng. Tuy đã trải hàng ngàn năm và thăng trầm lịch sử, cho đến nay, các hoa văn họa tiết trên ấy vẫn hiển hiện những thông điệp cho thấy tư duy của một dân tộc nghìn năm văn hiến.

Trống đồng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: tienphong.vn

Chủ nhân những chiếc trống đồng ấy không ai khác hơn là người Việt cổ. Công dụng trước hết của trống đồng là một nhạc khí để phục vụ trong những ngày lễ hội, đúng như những hoa văn trang trí trên mặt trống, và sau đó đồng thời là vật tùy táng, đồ đựng, trưng bày… Hay nói một cách khác, tự thân của trống đồng chuyên chở rất nhiều điều, ở đó, âm thanh của nó chính là hồn thiêng sông núi, là một vũ khí vô cùng sắc bén, từng bao phen gây kinh hoàng bọn giặc ngoại xâm.

Ngày xưa, hầu như bất kỳ đạo quân xâm lược nào kéo đến nước ta, mỗi khi nghe tiếng trống đồng vang vọng thì dù binh hùng tướng mạnh đến đâu cũng chùn chân nhụt chí. Sử chép, đời Trần Nhân Tông, năm 1291, lửa chiến tranh khốc liệt giữa quân ta và quân Mông Cổ mới vừa dịu, với những âm vang lẫy lừng của các trận Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng… thanh thế quân ta vẫn hãy còn là nỗi ám ảnh triền miên của Nguyên triều. Tuy hiếu hòa nhưng không khuất phục, Vua ta nhất quyết không sang chầu triều Nguyên theo yêu cầu. Hốt Tất Liệt sai sứ là Trần Cương Trung sang giục. Vừa đặt chân lên đất Nam Châu (Việt Nam) chứng kiến cảnh vật u buồn vắng lặng, tối lại nghe tiếng trống đồng điểm canh, y giật mình khiếp đảm, nhớ lại cảnh tháo chạy tán loạn và phơi thây đến "năm, sáu phần" của gần 70 vạn quân hùng tướng mạnh trong hai lần "chinh phạt" vừa qua mà không khỏi nơm nớp lo âu. Chờ khi bốn bề yên tĩnh, Trần Cương Trung mới thật sự hoàn hồn. Lúc về nước, nhớ lại, y có làm bài thơ "Cảm sự" (chép trong cuốn "Giao Châu tập", theo bản dịch của cụ Lê Quý Đôn trong "Kiến văn tiểu lục"):

Ngẫu nhiên xin được quảng dây neo,

Lệnh xuống Giao Châu một cánh vèo.

Muôn dặm Thượng Lâm không nhạn tới,

Ba canh Hàm Cố có gà kêu.

Lòng son cảm thấy thanh gươm loáng,

Tóc bạc hoà theo tiếng trống reo.

May được khi về thân vẫn mạnh,

Giật mình còn tưởng chướng hồn trêu.

Nào chỉ một lần. Năm trăm năm sau đó, tiếng trống Tây Sơn cũng đã từng gây kinh hoàng 20 vạn quân Thanh, khiến tàn quân phải chạy về xứ, từ bỏ mộng xâm lăng đất Việt. Tiếng trống võ Tây Sơn thời ấy góp phần vào chiến thắng. Giặc có lẽ khó nghe được bài "Khai trường" (mở đầu các cuộc luyện quân ở võ trường nơi rừng vắng), nhưng chắc chắn họ đã nhụt chí khi nghe các bài "Xuất quân" (làm hăng lòng chiến sĩ lúc khởi binh), rồi "Thúc quân" (nung nấu lòng chiến sĩ, tiến lên) và cuối cùng là "Khải hoàn" (reo mừng khi chiến thắng). Truyền rằng, một người đánh cùng lúc tối thiểu cũng 12 cái trống da lớn, nhỏ khác nhau, thậm chí 17 cái (thêm 5 cái sau lưng) nhanh mạnh như giông bão, nghe như trời gầm, đất sụp, chính vì người đánh trống không chỉ sử dụng dùi gõ đơn thuần mà còn sử dụng bàn tay, nắm tay, đến cả đầu, hai gót và cả cùi chỏ!

Giữa đêm hôm vắng lặng, chỉ nghe đơn lẻ "tiếng trống reo", quân giặc đã nhụt chí sờn lòng, huống hồ mỗi đạo quân đều được hỗ trợ ít nhất một bộ trống (mỗi bộ 12 cái, hoặc hơn), nếu có 5, 7 đạo quân thì đã có đến cả trăm tiếng trống, với những cung bậc khác nhau vang lên cùng lúc, thì địch quân không thể không hiểu rằng lực lượng bao vây của Tây Sơn đêm ấy không phải chỉ có một vài, mà ít nhất cũng đã có đến hàng trăm cánh quân đang cùng hàng trăm tiếng trống hò reo tràn ngập quanh thành. Cái tâm trạng đó làm sao binh tướng nhà Thanh giữ được bình tĩnh lúc cận chiến?

Tổng số trống đồng tìm được ở Việt Nam cho đến năm 1980 là 960 chiếc, trong đó có 540 chiếc thuộc loại trống đồng Ðông Sơn và 420 chiếc thuộc trống đồng Ngọc Lũ. Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã lưu giữ một bộ sưu tập trống đồng lớn nhất thế giới.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trống đồng