Trong hai lần trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, về đội ngũ giáo viên của địa phương, lần nào tôi cũng được nghe giới thiệu về cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hướng Dương, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên. Ông Bình nhận xét: “Cô Mai rất tâm huyết với giáo dục mầm non, cô cũng là một trong những Nhà giáo Ưu tú đầu tiên của tỉnh”...
Trường Mẫu giáo Hướng Dương nằm ngay trung tâm TP Long Xuyên rợp bóng mát với những hàng cây xanh trong sân trường. Bước vào trường, ấn tượng đầu tiên là sự sạch sẽ, từ quang cảnh chung cho đến từng góc nhỏ của lớp học, những vườn hoa xinh xắn tạo cảm giác tươi trẻ, đầy sức sống. Khi nhắc đến diện mạo của Trường Mẫu giáo Hướng Dương, nhiều cán bộ, giáo viên, phụ huynh ở phường Mỹ Bình đều nhấn mạnh vai trò của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai trong quá trình phát triển trường. Tiếp xúc với cô Mai, người đối diện dễ có cảm giác thân thiết như gặp người quen bởi cách gần gũi, nhẹ nhàng và gương mặt phúc hậu với nụ cười chân thành của cô.
 |
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai. |
30 năm gắn bó với ngôi trường mẫu giáo ở trung tâm thành phố Long Xuyên đã vun bón thêm trong lòng cô tình yêu nghề và tình cảm sâu nặng với mảnh đất mà cô chọn làm quê hương thứ hai. Quê cô Mai ở thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình cô vốn có truyền thống buôn bán, chẳng có ai theo nghề giáo nhưng ngay từ nhỏ, cô Mai đã rất thích được trở thành cô giáo. Những năm tháng tiểu học, trung học, được học với những thầy cô tâm huyết, ước mơ này trong cô càng lớn thêm. Năm 1973, lần đầu tiên Trường Sư Phạm Vĩnh Long mở lớp mầm non, cô đăng ký theo học ngay. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp, cô được phân công về dạy tại Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Những năm đầu công tác, cô Mai gặp không ít khó khăn vì nhiều người có quan niệm chưa đúng về vai trò của bậc học mầm non. Cô Mai nhớ lại: “Nhiều phụ huynh cứ nghĩ mấy cháu còn quá nhỏ, học được gì mà cần đến trường. Giáo viên phải đến từng nhà vận động. Có học sinh rồi thì lại không có phòng học. Thế là, chúng tôi lại tiếp tục đi vận động phụ huynh đóng góp cây, lá, ngày công để xây dựng phòng học cho các cháu”. Dù rất vất vả nhưng chỉ trong 5 năm ở Trà Ôn, cô Mai đã cùng một ít đồng nghiệp dựng lớp, vận động được hàng chục cháu ra học. Cô Mai hào hứng kể: “Lúc ấy, cứ nghe nơi nào có trẻ là chúng tôi đến vận động. Nhiều khi gia đình không kịp cho các cháu ăn no bụng để đi học thì giáo viên thay cha mẹ các cháu chăm lo phần này”.
Năm 1980 cô Mai theo chồng về TP Long Xuyên và chuyển công tác đến Trường Mẫu giáo Mỹ Bình (nay là Trường Mẫu giáo Hướng Dương). 30 năm trước, nơi đây chỉ có vài phòng học ọp ẹp, sình lầy. Chuyển về Mỹ Bình, cô Mai được phân công đứng lớp và chỉ 3 năm sau, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Đến năm 1985, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mỹ Bình. Bước thăng tiến trong sự nghiệp của cô Tuyết Mai tưởng như đơn giản, đầy thuận lợi nhưng thực tế ẩn sâu bên trong là những nỗi niềm riêng tư, là cuộc đấu tranh giữa tình yêu nghề sâu đậm và những khó khăn chồng chất của đời sống thực tế.
Những năm 1980, cuộc sống khó khăn, đồng lương giáo viên eo hẹp, chồng cô Mai cũng là công nhân viên nhà nước. Với một gia đình 4 người, trong đó, có 2 con nhỏ, mà chỉ trông chờ vào đồng lương công chức thì đời sống không hề dễ dàng. Cảnh nhà thiếu thốn, người thân khuyên cô nghỉ dạy, ra làm kinh tế cho “dễ thở” hơn. Mỗi lần đắn đo suy nghĩ, cân nhắc là trong tâm trí cô lại hiện lên những ánh mắt trẻ thơ trong sáng, những tiếng gọi “cô ơi” thân thương của trẻ khi cô vừa vào đến cổng trường. Cô chợt nghĩ một ngày nào đó mà mỗi sáng mình không còn đến trường, không còn gặp những ánh mắt, nghe những tiếng gọi của trẻ thơ... và cô cảm thấy lòng buồn vô hạn. Sau nhiều đêm trăn trở suy tính, hai vợ chồng cô cùng ngồi lại với nhau bàn bạc. Cô tâm sự với chồng tất cả suy nghĩ của mình, về tình yêu nghề, yêu trẻ... Hiểu và thông cảm với vợ, chồng cô ủng hộ cô trụ lại với nghề và hai vợ chồng cùng tranh thủ thời gian chăn nuôi thêm để cải thiện kinh tế gia đình... Nhắc chuyện nhà, cô Mai cười, nói: “Có lẽ nhờ kinh nghiệm của cô nuôi dạy trẻ mà mình dễ gần gũi dạy bảo các con ngay từ nhỏ. Đó cũng là món quà quí của nghề nghiệp”. Hai con của cô Mai đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh và Long Xuyên.
35 năm gắn bó với nghề, hành trang quí báu nhất của cô chính là sự tin tưởng của đồng nghiệp. Giáo viên trong trường xem cô là chỗ dựa tinh thần để cùng chia sẻ những khó khăn trong công việc và cả những chuyện buồn vui riêng tư. Cô Trịnh Thị Mai Trinh, giáo viên của Trường Mẫu giáo Hướng Dương, nói: “Chị Mai làm việc nghiêm túc nhưng không bao giờ khắt khe với ai mà luôn xử lý công việc có tình, có lý. Chị luôn hết mình vì tập thể nên tập thể rất quí trọng chị”. Những giáo viên Trường Mẫu giáo Hướng Dương thường kể về trường hợp một cô giáo đang học chuẩn hóa được 1 năm thì gia đình gặp khó khăn đột xuất, không thể học tiếp, thậm chí có khả năng bỏ việc. Tìm hiểu sự việc, cô Mai đã tự hỗ trợ và vận động công đoàn trường hỗ trợ kinh phí, cử giáo viên choàng gánh công việc ở cơ quan và thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần để giúp đồng nghiệp này vượt qua khó khăn. Thế nhưng, cô Mai thì lại cho rằng chính tình cảm của tập thể giáo viên Trường Mẫu giáo Hướng Dương là động lực để cô sống trọn nghĩa vẹn tình với mọi người. Cô kể: “Năm 1986, tôi bị bệnh, phải nằm bệnh viện gần cả tháng, gia đình hết sức đơn chiếc, hai con còn quá nhỏ. Lúc ấy, các đồng nghiệp thường xuyên đến giúp đỡ, động viên tôi vượt qua bệnh tật. Nghĩa cử ấy, tôi nhớ mãi”.
*****
Nói về nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Mai, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang nhận xét: “Cô Mai không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một nhà giáo đối với trường, với lớp mà là một nhà giáo tâm huyết, tạo được niềm tin trong phụ huynh”. Năm nay, cô Mai sắp về hưu. Nhìn cô chuẩn bị sắp xếp công việc trường lớp sao cho thuận lợi nhất cho người kế nhiệm, tôi càng hiểu thêm lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo đã gắn bó với nghề 35 năm...
Bài, ảnh: HÀ THANH