Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Quyết định số 749/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định ngành y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số (CÐS). Thực hiện CÐS, các địa phương cả nước đã xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch để triển khai Quyết định số 749/QÐ-TTg. Ðơn cử như TP Cần Thơ đã có Ðề án xây dựng y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 (Ðề án 08) nhằm mục tiêu tìm kiếm, ứng dụng các giải pháp công nghệ thúc đẩy tiến trình CÐS toàn diện, hướng đến một nền y tế hiện đại, vì lợi ích chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ðại biểu dự hội thảo chuyên đề CÐS ngành y tế.
Xây dựng nền tảng
Ðề án 08 của Thành ủy Cần Thơ ban hành ngày 28-12-2021 về Xây dựng y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xây dựng phát triển y tế thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với vai trò trung tâm vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ có điều kiện phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Mạng lưới y tế của thành phố phát triển rộng khắp, với 13 bệnh viện (BV) đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, 5 BV thuộc bộ ngành quản lý, 6 BV ngoài công lập. Tuyến y tế cơ sở, có 7 BV và trung tâm y tế đa chức năng, 80 trạm y tế xã và hơn 1.200 cơ sở y tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và khu vực ÐBSCL.
Thời gian qua, ngành y tế thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cả lĩnh vực dự phòng và khám chữa bệnh. Cụ thể, ngành đưa vào sử dụng hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm, hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, hệ thống giám sát HIV/AIDS. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình gắn với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Hệ thống thông tin quản lý trạm y tế đáp ứng tốt chức năng quản lý khám chữa bệnh, kết nối liên thông với cổng giám định trực tuyến thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai báo cáo số liệu thống kê y tế qua hệ thống của Bộ Y tế từ năm 2019, dữ liệu được cập nhật định kỳ giúp ngành kịp thời đề ra các kế hoạch, tham mưu xây dựng chính sách phù hợp với thực tế của thành phố. Một số cơ sở y tế triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, hướng đến triển khai bệnh án điện tử. Hiện 100% BV và trung tâm y tế có giường bệnh đã triển khai ít nhất một phương án thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện đặt lịch khám hẹn chữa bệnh. Qua trang thông tin điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, ngành y tế thuận tiện phục vụ giải quyết các vấn đề của tổ chức doanh nghiệp và người dân, với hơn 60% thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Sở Y tế đạt mức độ 3, 4.
Ðặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, nhiều ứng dụng như PC COVID-19, NCOV, Bluezone, cùng với hệ thống quản lý dân cư trên nền tảng điện toán đám mây được ứng dụng rộng rãi đã hỗ trợ tích cực cho công tác phát hiện sớm và truy vết COVID-19. Ths Lâm Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) cho biết, giai đoạn COVID-19 bùng phát năm 2021, CDC Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ thông tin, đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Ðồng thời vận hành các hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm, tổng hợp số liệu F0, quản lý xét nghiệm và bản đồ COVID-19 để đánh giá cấp độ dịch, kịp thời có những giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Cần trợ lực cho ngành y tế
Trên thực tế, cả hệ thống y tế thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong CÐS. Ða số nhân viên y tế đặc biệt là tuyến cơ sở chỉ sử dụng được các ứng dụng tin học văn phòng cơ bản. Cơ sở vật chất phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng lạc hậu. Mỗi trạm y tế chỉ có 2, 3 máy tính đều đã cũ. Sự chồng chéo của nhiều hệ thống phần mềm quản lý phát triển từ năm 2000 đến nay, cũng khó cho việc liên thông chia sẻ dữ liệu, gây lãng phí về nhân lực, khó khăn cho công tác quản lý. Phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tuy đã thí điểm thực hiện lập hồ sơ khoảng 82% dân số nhưng chủ yếu là thông tin hành chính, chưa đầy đủ dữ liệu theo quy định của Bộ Y tế.
Thực hiện kế hoạch CÐS theo Ðề án 08, ngành y tế TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030 hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, trọng tâm là y tế cộng đồng. Ngành y tế cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, đó là phấn đấu trên 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử, 100% trạm y tế triển khai phần mềm quản lý đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế, 80% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa...
BS CKII Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, để đạt những mục tiêu trên, đòi hỏi nỗ lực của từng đơn vị, trên cơ sở rà soát, đánh giá lại thực trạng, năng lực hiện có; đồng thời, cần sự trợ giúp của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo CÐS của ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo thành phố thực hiện các giải pháp CÐS. Trước hết, nhiệm vụ đầu tiên các đơn vị có thể thực hiện khả thi, đó là triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
TS.BS Võ Văn Kha, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP Cần Thơ, cũng cho biết: Trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, BV cũng tích cực triển khai, tuyên truyền hướng dẫn người bệnh, nhưng cũng gặp khó, do thói quen và khả năng tài chính của người bệnh. Vì vậy, trong việc CÐS, cần có giải pháp chung của toàn ngành, được thực hiện đồng bộ.
Mới đây, tại hội thảo chuyên đề CÐS ngành y tế thành phố, nhiều công ty công nghệ đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ ngành. Trong đó, FPT đưa ra lý do để lựa chọn sản phẩm của đơn vị, đó là tính năng khác biệt, hệ thống có khả năng vận hành tại nhiều BV, triển khai linh hoạt nhiều giai đoạn phù hợp với khả năng đầu tư. Viettel giới thiệu về hệ thống sức khỏe điện tử từ năm 2016 đã triển khai cho 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Công ty DH đã cung cấp phần mềm khám chữa bệnh cho trên 80% các BV công lập và trạm y tế xã của TP Cần Thơ...
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Ðể đạt các mục tiêu đã đề ra trong tiến trình CÐS của ngành y tế, đòi hỏi sự chung sức của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ công của ngành y tế. Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thành phố vẫn thúc đẩy công tác CÐS. Do vậy, ngành y tế cần tích cực hơn, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, quán triệt, triển khai đồng bộ, nâng cao nhận thức của đội ngũ nhân viên y tế. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và có lộ trình thực hiện, đánh giá hiệu quả, mức độ đạt được các mục tiêu đề ra theo từng giai đoạn cụ thể.