30/07/2011 - 20:05

Trở lại quê hương "Người mẹ cầm súng"

Tháng 7-2011, chúng tôi có dịp về Tam Ngãi (Cầu Kè, Trà Vinh). Đây là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út – thường gọi là chị Út Tịch. Ba mươi sáu năm qua, vùng quê này đã thay da đổi thịt như bao nhiêu địa phương khác. Dấu cũ không còn, nhiều người xưa không còn, nhưng nơi đây tràn ngập sự phấn khởi và niềm tin…

Con đường lót đan xi măng dài khoảng 5km xuyên qua giữa hai hàng cây râm mát từ thị trấn Cầu Kè đưa chúng tôi đến UBND xã Tam Ngãi. Xã có 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 2), thờ cúng 152 liệt sĩ, 479 gia đình có công cách mạng. Đến nay, ở địa phương không còn gia đình thương binh liệt sĩ nào gặp khó khăn về nhà ở. Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, số tiền vận động cộng với kinh phí, xã đã tổ chức thăm viếng từng gia đình thương binh liệt sĩ, mời họp mặt ôn lại truyền thống, dùng bữa cơm thân mật và trao quà...

Xã Tam Ngãi có 3 Anh hùng (AH) là Nguyễn Hòa Luông (Chín Luông), Nguyễn Thị Út và Nguyễn Thành Thiền. Chín Luông (Anh hùng liệt sĩ) và AH Nguyễn Thành Thiền được xã hết lòng chăm lo. Có lẽ đặc biệt nhất là gia đình Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út - quen gọi Út Tịch - là nhân vật trong tiểu thuyết “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Chị Út Tịch được bà con cả nước biết với câu nói biểu hiện khí phách người con gái Tam Ngãi: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Anh Ngô Minh Đức, Phó bí thư Đảng ủy xã, cử một cán bộ đưa chúng tôi đến nhà con trai út của chị Út Tịch là Lâm Thanh Hùng. Cách UBND xã khoảng 500m, nhà Thanh Hùng tọa lạc trên diện tích khoảng 2.000m2, trong một vườn cây xanh mát. Anh Thanh Hùng, 49 tuổi, cho biết nhà được xã xây tường mở rộng 12mx5,2m trên căn nhà cũ hai mái lá vào năm 1996. Nhà vẫn còn tốt, nhưng năm nay xã lại cấp 30 triệu đồng để tôn tạo nơi thờ phụng vợ chồng người nữ anh hùng này thêm khang trang.

Căn nhà chính chị Út Tịch ở hồi những năm kháng chiến chống Mỹ nay thuộc ấp Ngọc Hồ. Nhớ lại lúc gặp ở huyện, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Huyện ủy Cầu Kè, cho biết huyện Cầu Kè, với sự nhất trí của tỉnh Trà Vinh đã tiến hành khảo sát, quy hoạch tại Giồng Nổi (Ngọc Hồ) một Khu lưu niệm (KLN)Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út và các Anh hùng liệt sĩ xã Tam Ngãi. KLN rộng 14.300m2 do Kiến trúc sư Lê Minh Nguyện thiết kế với kinh phí ước khoảng 19 tỉ đồng, gồm: 2 cổng chính; bãi xe; vườn hoa, sân lễ hội; nhà dừng chân; nhà trưng bày; nhà tưởng niệm; tượng Người mẹ cầm súng; phòng hội thảo, chiếu phim; dịch vụ, quà lưu niệm; hồ bán nguyệt... Trước khi đến Tam Ngãi chúng tôi được Bí thư Huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Thành Tâm cho biết KLN cách nhà cũ chị Út vài trăm thước. Tỉnh, huyện và xã xây cất KLN với hoài bão là nơi giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn giữ nước của các anh hùng và noi theo tấm gương đó mà cố gắng học tập, ra đời dựng xây đất nước ngày một tốt đẹp hơn... Cũng trên con đường nhựa rộng hơn 4m này, sau khi tham quan KLN khách đến bến đò qua cù lao Tân Quy (An Phú Tân, Cầu Kè), nơi được mệnh danh là “vương quốc trái cây”. Trong tương lai bến đò này sẽ xóa sổ, nhường chỗ cho một cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu. Tân Quy khi đó là khu du lịch sinh thái nhiều hấp dẫn, khách sẽ được thưởng thức đặc sản cù lao nổi tiếng như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, sa-pô... cùng tôm cá ê hề trong lòng sông Hậu rộng bao la...

Cam “đóng thùng” chờ xuất khẩu.
 

Tam Ngãi là mảnh đất đau thương, “bom gào đạn thét” trong hai cuộc chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nay đã chuyển mình thành mảnh đất xanh mướt cây trái suốt bốn mùa. Phó bí thư Đảng ủy xã, anh Nguyễn Minh Đức cho biết xã có 2.998 hộ với 13.100 nhân khẩu sống chính bằng kinh tế vườn. Trước kia, dân xã làm ruộng và trồng một số cây ăn trái, nổi bật là cam, măng cụt, sa-pô, sầu riêng. Sầu riêng Tam Ngãi ngọt béo và có mùi thơm đặc trưng. Măng cụt thì hột nhỏ, dầy cơm, ngọt như đường phèn. Còn sa-pô ở đây được nhiều người tự hào gọi là “sa-pô trứng ngỗng”, vì trái bự bằng nắm tay người lớn, nhiều cát, ngọt lừ. Tuy nhiên ngày nay, sầu riêng và sa-pô chỉ là hai loại trái cây dành để “ăn chơi” chớ cam sành mới là cây “ăn thiệt”. Khoảng 2/3 hộ ở địa phương trồng cam sành. Tam Ngãi đã làm một cú đột phá ngoạn mục về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người 13,5 triệu đồng (trước năm 2007 chỉ có 8 triệu đồng/người). Hiện nay, xã có nhiều hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/năm/ha. Đáng chú ý là xã có trên 10 hộ thu nhập trên 1 tỉ đồng/ha/năm - cũng nhờ cam sành.

Ông Huỳnh Văn Sang, 49 tuổi, là một “tỉ phú cam sành” ở ấp Bưng Lớn B, tiếp chúng tôi tại căn nhà nằm ngay ngã ba sông, nơi có bến đò qua xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long). Đây cũng là địa điểm tập kết cam sành của địa phương chuyển lên TP Hồ Chí Minh bằng xe tải hoặc ghe máy. Ông Sang hối vợ con đem măng cụt và khui sầu riêng đãi khách, rồi nói: mười năm trước ông làm ruộng nhưng khi nhận ra ưu điểm của đất này là cam sành ông chuyển 9 công đất sang trồng cam. Băn khoăn việc “được mùa mất giá”, nên ông Sang đã tìm tòi học hỏi cho cam ra trái nghịch mùa. Với 9 công đất, ông đã thu hoạch 50-60 tấn trái một năm, lái tới tận chỗ mua với giá 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg (trong khi mùa cam thuận chỉ bán được 4.000 đồng, 5.000 đồng/kg). Số cam non lặt hái xong đâu có bỏ, bán cho thương lái chở lên TP Hồ Chí Minh làm hương liệu cho bột giặt, thuốc xịt muỗi...

Sau ba năm trồng cam, ông Sang mua thêm 21 công đất. Năm 2010 vừa qua, ông thu hoạch từ cam trên 1,7 tỉ đồng. Ông Sang còn trồng thêm một số măng cụt, sầu riêng, “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Sang quyết định cuối năm sẽ cất nhà tường “hoành tráng”.

Trên đường về xã, anh cán bộ xã kể cho chúng tôi nhiều chuyện nghe qua giật mình: Năm ngoái, khi hay tin con đậu vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh, ông Lẫm - một người trong xã - mua ngay một căn biệt thự ở trên đó cho con ở “sôi kinh nấu sử”! Nhưng khi hỏi kỹ mới biết ông Lẫm là em ông Sang. Ông Sang đã trao truyền bí quyết trồng cam cho hai người em ruột là Huỳnh Văn Giàu và Huỳnh Văn Lẫm. Ông Giàu vì bận việc xã, ít đất canh tác, nên chỉ bình thường. Còn ông Lẫm mới trở thành tỉ phú hơn cả ông Sang vì đất ông trồng cam nhiều hơn.

Có thể nói rằng, kinh tế Tam Ngãi vực dậy từ năm 2007 nhờ Hương lộ 32 đã được tráng nhựa, xe lớn lưu thông thuận tiện, chuyên chở nông sản đi khắp nơi. Xã có 70 – 80% đường đan nối các ấp, xe 2 bánh lưu thông tốt; có 1 trường trung học phổ thông, 1 trường trung học cơ sở, 3 trường tiểu học 1 trường mầm non. Chăm sóc sức khỏe người dân thì có Trạm quân dân y kết hợp đạt chuẩn quốc gia. Trên 90% hộ ở Tam Ngãi có điện và nước sạch sử dụng. Phục vụ nhu cầu giải trí cho nhân dân đã có 2 sân bóng đá ở Ngọc Hồ và Bà Mi thu hút thanh niên địa phương đến thư giãn, rèn luyện thể chất. Xã còn mở lớp Tin học trình độ A và B dành cho người bận rộn chỉ học vào ngày thứ bảy, chủ nhật và lớp Anh ngữ.

Trên con đường đan rợp bóng cây xanh xạc xào, Tam Ngãi thật đẹp. “Đẹp” nhất là trên đường chúng tôi thấy rải rác trong sân nhà những đống cam đang chờ đóng thùng. Trên đường lũ lượt những chuyến xe gắn máy chở những bao cam đầy trên sườn hoặc hai cần xé cam oằn yên. Nếu như khá nhiều nơi khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, thanh niên thiếu nữ có xu hướng ly hương thì những người trẻ Tam Ngãi vẫn “trụ” lại quê nhà - vì nơi đây có công ăn việc làm giúp họ sống khấm khá và có cơ hội học tập để vươn lên theo nhịp sống đang ngày một thăng hoa của địa phương.

Bài, ảnh: CÁT LỘC

Chia sẻ bài viết