26/10/2012 - 21:40

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Trình 4 dự án luật và Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 26-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình 4 dự án Luật gồm: Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Thủ đô; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Tờ trình dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) (KH&CN) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trình bày trước Quốc hội nhấn mạnh vị trí của Luật KH&CN là đạo luật cơ bản về lĩnh vực KH&CN, cần tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật sửa đổi phải tạo được nền tảng pháp lý, giải quyết triệt để những bất cập, vướng mắc đang cản trở sự phát triển của KH&CN, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN; tăng cường đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN, trước hết là đầu tư vào hạ tầng khoa học và công nghệ; xây dựng chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ.

Tờ trình cũng đã nêu các vấn đề lớn cần ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, gồm: việc quy định mức đầu tư tối thiểu từ ngân sách nhà nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí của Nhà nước dành cho KH&CN; việc áp dụng chế độ khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) nhất trí với những căn cứ khẳng định về sự cần thiết sửa đổi Luật KH&CN (năm 2000) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị tinh thần, nội dung của dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) cần thể hiện rõ hơn vị trí của người làm KH&CN, coi họ là trung tâm của các hoạt động KH&CN và các doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; cơ chế quản lý khoa học cần bảo đảm môi trường học thuật tự do và dân chủ gắn với trách nhiệm xã hội, nhất là trong hoạt động khoa học xã hội và nhân văn…

Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do Bộ trường Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày nhấn mạnh bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế, một số quy định trong Luật thuế TNCN đã bộc lộ tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn, cần được sửa đổi. Đó là về mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp; phạm vi, đối tượng tính thuế chưa bao quát hết hoặc đã lạc hậu do phát sinh những nội dung mới theo quy định của pháp luật liên quan; một số quy định về kỳ tính thuế, thủ tục kê khai, quyết toán thuế chưa phù hợp với thực tiễn, còn phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế cũng như hiện đại hóa quản lý thuế.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập so với thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có tính ổn định; bảo đảm đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế… Nội dung sửa đổi, bổ sung dự án Luật tập trung vào sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh phạm vi, đối tượng chịu thuế; kỳ tính thuế và quyết toán thuế.

Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính nhân sách (TCNS), cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Luật, đề nghị việc sửa đổi Luật thuế TNCN lần này chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc, không phù hợp với thực tiễn và một số vấn đề mới nảy sinh cần phải điều chỉnh. Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ là chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung 6 điều liên quan đến 3 vấn đề quan trọng là mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), phạm vi đối tượng chịu thuế, kỳ tính thuế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật Thủ đô, nêu rõ: Dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội khóa XII đã được bắt đầu chuẩn bị từ năm 2009 theo đúng trình tự, thủ tục và yêu cầu của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, đã được Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, dự án Luật đã không được Quốc hội khóa XII thông qua. Sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình chính thức năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội soạn thảo dự án Luật Thủ đô. Bộ Tư pháp đã thành lập lại Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đã tổ chức việc soạn thảo dự án Luật theo trình tự, thủ tục soạn thảo một dự án luật mới.

Dự thảo Luật Thủ đô quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định chính sách, cơ chế cụ thể trong một số lĩnh vực cho Thủ đô.

Tờ trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nêu rõ, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã tạo lập khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi theo hướng củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhất là việc đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các biện pháp nâng cao trách nhiệm giải trình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 chương và 108 điều. Tiếp tục kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề lớn về những quy định chung; phòng ngừa tham nhũng; ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của Chính phủ và trách nhiệm quản lý công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp đánh giá Luật Phòng, chống tham nhũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác này. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Một trong những nguyên nhân là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Ủy ban Tư pháp thể hiện sự tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong 6 năm qua.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan liên quan xây dựng Đề án "Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh". Đề án được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu tiếp thu các yếu tố hợp lý của chế định Thừa phát lại đã từng tồn tại ở Việt Nam thời kỳ trước năm 1950 và tiếp tục ở miền Nam cho đến năm 1975; đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính hiện nay ở nước ta.

Đề án cũng xác định việc thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện trước tiên tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu "xác định sự cần thiết và tính hiệu quả của Thừa phát lại trong hoạt động tư pháp nói chung và Thi hành án dân sự nói riêng, xác định khả năng áp dụng mô hình này trong toàn quốc, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa một số hoạt động hành chính, tư pháp".

Từ kết quả tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Chính phủ thấy rằng, trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế để tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm và mở rộng quy mô thí điểm chế định này, nhằm mục tiêu xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng, đảm bảo việc thực hiện Thừa phát lại có hiệu quả, phục vụ người dân và hỗ trợ các cơ quan nhà nước tốt hơn. Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo hướng kéo dài thời gian thí điểm thêm 03 năm (đến hết ngày 31-12-2015) và mở rộng việc thí điểm ở các địa phương trong cả nước để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về mô hình Thừa phát lại như một thiết chế độc lập.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Thứ bảy, ngày 27-10-2012, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi); buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Thủ đô; việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Chia sẻ bài viết