|
Người tiêu dùng mua rau an toàn Hòa An tại chợ Tân An. |
Những bó rau muống, rau cải, mồng tơi, khổ qua, dưa leo... tươi xanh, ngon mắt được bó gọn trong những bao lưới, phía trên có gắn mảnh giấy nhỏ ghi rõ “Rau an toàn Hòa An”cùng địa chỉ sản xuất, số điện thoại, số fax... đã thu hút người tiêu dùng. Chỉ qua 2 tháng có mặt trên thị trường TP Cần Thơ, rau an toàn Hòa An đã được tiêu thụ trên 2 tấn, mở ra cơ hội phát triển mới.
Để có mặt tại thị trường Cần Thơ, rau an toàn Hòa An đã trải qua một quá trình dài. Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu- Thực nghiệm- Đa dạng sinh học Hòa An (gọi tắt là Trung tâm Nghiên cứu Hòa An), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT), tổ chức chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn 6 hộ dân ở các xã Hòa An, Tân Bình, Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trồng rau theo qui trình an toàn. Đây là một phần trong dự án “Kết hợp cải cách giáo dục với phát triển cộng đồng”, do Trường ĐHCT hợp tác với Đại học Michigan State (Hoa Kỳ) thực hiện.
Thời gian đầu, rau sản xuất ra chỉ tiêu thụ tại các chợ ở địa phương. Do tâm lý người dân chưa chú ý nhiều đến lợi ích của rau an toàn cùng với việc rau chưa có thương hiệu, chưa tạo được sự khác biệt so với rau thường, nên vấn đề mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu Hòa An nhân rộng số hộ trồng rau ở xã Hòa An lên 10 hộ, đồng thời, tạo dựng chất lượng và thương hiệu cho rau an toàn Hòa An. Tháng 10-2007, sau khi Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang thẩm định qui trình sản xuất, chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã cấp giấy chứng nhận rau an toàn Hòa An đạt tiêu chuẩn rau an toàn.
Ông Trần Duy Phát, Tổ trưởng Tổ Phát triển nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu Hòa An, bộc bạch: “Chúng tôi gặp khó về hóa đơn tài chính và thỏa thuận giá cả trong việc đưa rau vào siêu thị, nên phải tìm kênh tiêu thụ khác. Đối tượng đầu tiên chúng tôi nhắm đến là cán bộ và sinh viên Trường ĐHCT. Sau đó mới dần tìm đối tác để phân phối rau. Hiện trung tâm đang sản xuất 26 loại rau ăn lá, rau ăn trái, trong đó, có 20 loại có thể cung cấp cho thị trường với số lượng lớn”. Tháng 4-2008, rau an toàn Hòa An được bày bán tại căng tin Trường ĐHCT vào các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Để tạo sự khác biệt và tin tưởng cho người tiêu dùng, rau được đóng gói bằng bao lưới, có ghi rõ xuất xứ hàng hóa, ngày sản xuất.
Một tháng sau, Trung tâm Nghiên cứu Hòa An đã ký được hợp đồng cung cấp rau an toàn cho Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp TP Cần Thơ (CTC). Cuối tháng 5-2008, Công ty CTC khai trương gian hàng bán rau sạch tại chợ Tân An, quận Ninh Kiều, với lượng tiêu thụ là 20 kg mỗi ngày. Chị Lê Thị Thảo ở phường An Phú, quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi thường mua rau an toàn ở chợ Tân An và ở siêu thị. Tuy có mắc hơn so với rau thường nhưng tôi yên tâm, không lo bị ngộ độc vì thuốc trừ sâu trên rau”.
Khó khăn cơ bản của việc tiêu thụ rau an toàn là giá bán luôn cao hơn so với rau thường. Theo ông Trần Duy Phát, để phòng trừ sâu hại trong quá trình sản xuất, nông dân sử dụng màng phủ nông nghiệp, che lưới cho rau, bao trái (khổ qua, dưa leo) bằng bao ni-lông, bắt sâu bằng tay... nên chi phí sản xuất tăng lên. Mặt khác, do sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay cho phân hóa học nên rau không bóng mượt và năng suất thường thấp hơn so với rau thường. Bù lại, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh góp phần bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, do hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học nên đảm bảo sức khỏe cho người trồng rau và cho cả người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Quý, Tổng Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Cần Thơ, nhận xét: “Rau an toàn Hòa An mắc hơn giá thị trường khoảng 10%, nhưng tính ra người tiêu dùng vẫn lợi hơn khi dùng rau an toàn vì không phải xử lý thuốc tím, nước muối hay bỏ gốc rễ, rau hư... Nếu Trung tâm Nghiên cứu Hòa An cung ứng tốt, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các nhà hàng khác”. Khách sạn Sài Gòn Cần Thơ là đơn vị mới đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Hòa An cung ứng rau an toàn cho khách sạn.
Theo ông Trần Duy Phát, tính đến cuối tháng 5-2008, đã có trên 2 tấn rau an toàn Hòa An được tiêu thụ tại TP Cần Thơ. Đây là thị trường tiềm năng để Trung tâm Nghiên cứu Hòa An có cơ hội phát triển và mở rộng mạng lưới tiêu thụ rau an toàn Hòa An.
Bài, ảnh: LỆ THU