05/05/2022 - 09:30

Triển vọng học ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng 

NG.NGÂN

Logistics và quản lý chuỗi cung ứng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia. Tại Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT), sinh viên ngành học này không chỉ được đào tạo vững vàng chuyên môn, mà còn có nhiều cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp tại doanh nghiệp.

Sinh viên CTUT thực tập tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ, CTUT có trách nhiệm góp phần cùng thành phố phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 TP Cần Thơ là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị. Trong đó, có các nhóm ngành nghề cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, sử dụng năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và là trung tâm logistics hạng 2 của vùng theo cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ mà Quốc hội vừa thông qua.

Hiện nay, trường đang đào tạo 22 ngành trình độ đại học và 1 ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ (Công nghệ thực phẩm). Trong năm nay, nhà trường tập trung nguồn lực để nâng chỉ tiêu đào tạo các ngành TP Cần Thơ đang có nhu cầu lớn như: Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Công nghệ sinh học... Các ngành đào tạo của trường hiện nay thuộc top 10 nhóm nghề nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và được ASEAN cho phép tự do di chuyển trong các nước thành viên.

Riêng ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khi xây dựng chương trình đào tạo, CTUT đã tham khảo các chương trình giảng dạy ngành logistics tiên tiến trên thế giới; tiến hành khảo sát ý kiến với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp để đảm bảo tính chuyên môn vững, đồng thời tiếp cận gần nhất với nhu cầu thực tế của xã hội. Trường tập trung bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên hoặc ký kết thỏa ước hợp tác, liên kết với các trường có uy tín của nước ngoài và các công ty logistics ở các nước phát triển để cử giảng viên, sinh viên đến học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức; từ đó có những điều chỉnh, cải tiến phù hợp trong tương lai. Vì thế, trong thời gian học khoảng 3,5 đến 4,5 năm, ngoài kiến thức khoa học cơ bản, sinh viên học ngành này còn được trang bị kiến thức kỹ thuật chuyên môn toàn diện, năng lực thực hành nghề nghiệp, ngoại ngữ và công nghệ thông tin phục vụ lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng.  

Sau tốt nghiệp, người học có thể làm nhân viên điều hành hoặc quản lý tại các phòng ban của những doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp có nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa; các sở ban ngành liên quan; nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu chuyên ngành hoặc ngành gần…

Theo Ban Giám hiệu CTUT, là trường đầu tiên ở ÐBSCL đào tạo chuyên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, việc chuẩn bị nguồn lực phục vụ ngành này chu đáo. Trước tiên, chỉ đạo tập thể Khoa Quản lý công nghiệp căn cứ vào thực tế để thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm chức vụ, xét tuyển viên chức và xây dựng lộ trình đưa cán bộ học sau đại học; đẩy mạnh liên kết các trường, viện, doanh nghiệp thuộc chuyên môn ngành nghề trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, học thuật; đưa giảng viên tham gia các khóa chuyên môn nghiệp vụ, tham dự các hội nghị và nghiên cứu khoa học… nhằm phát triển đội ngũ chuyên môn cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Bí thư Ðảng ủy, Hiệu trưởng CTUT, tập thể nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng, góp phần làm nền tảng vững chắc, tạo thế và lực để trường xứng tầm là trường đại học kỹ thuật - công nghệ của vùng.

Hơn 9 năm hoạt động, với sự quan tâm của thành phố, lãnh đạo CTUT đã tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành… đáp ứng yêu cầu hoạt động của một trường đại học chuyên ngành. Năm 2022, CTUT tuyển 1.560 sinh viên cho 22 ngành đào tạo trình độ đại học. Trường hiện có trên 95% cán bộ giảng dạy đạt trình độ sau đại học; cung cấp hơn 1.500 kỹ sư, cử nhân cho TP Cần Thơ, vùng ÐBSCL và cả nước; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 92%. Trên cơ sở đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục năm 2021; định hướng từ nay đến năm 2025 tập thể CTUT tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế.

Chia sẻ bài viết