03/01/2011 - 21:28

Triển vọng cá tra Việt Nam trong năm 2011

Năm 2010, xuất khẩu cá tra đem về ngoại tệ cho đất nước khoảng 1,39 tỉ USD, so với kế hoạch là 1,5 tỉ USD. Đằng sau sự sụt giảm này là những khó khăn, thách thức ngành thủy sản cần phải vượt qua để tiếp tục phát triển nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra trong năm 2011.

* Cá tra nguyên liệu: cung sẽ khan hiếm?

Sau nhiều biến động lên, xuống, đến khoảng tháng 5-2010, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL còn ở mức 15.300 - 15.800 đồng/kg. Tuy nhiên, chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản... trong 1kg tăng trọng của cá tra thời điểm này đã ở mức 15.000 đồng/kg.

 Chế biến cá tra xuất khẩu ở TP Cần Thơ.

Sang tháng 6, do thiếu nguyên liệu cho chế biến, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mức giá thu mua cá tra nguyên liệu lên trên 16.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ tháng 9, cá tra nguyên liệu liên tục tăng giá. Đến cuối tháng 12-2010, cá tra nguyên liệu các loại đã ở mức từ 21.800 - 23.000 đồng/kg - đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Có thể nói, với mức giá này, người nuôi cá tra mới thật sự có lãi. Tuy nhiên, giá cá tăng, nhưng sản lượng cung nhiều tháng qua luôn trong tình trạng “khan hiếm” trầm trọng. Bởi lẽ, theo lý giải của nhiều hộ dân, do thời gian dài sản xuất dưới điểm hòa vốn, thị trường bấp bênh, tình trạng lỗ lã trầm trọng kéo dài khiến nhiều hộ nuôi không còn khả năng tái đầu tư. Nhiều ngân hàng đã không còn “mặn mà” cho vay để nuôi cá tra. Ngoài ra, nguồn giống cá tra đang khan hiếm. Bởi thời điểm hiện tại không phải là chu kỳ sinh sản của con cá tra. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nguyên liệu cá tra sẽ bị thiếu trầm trọng và mức độ khan hiếm này có thể sẽ kéo dài cho đến vụ thu hoạch tới vào khoảng tháng 6-2011 và giá cá tra có khả năng sẽ đạt mức 24.000-25.000 đồng/kg.

Giải quyết bài toán nguyên liệu một cách căn cơ, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho rằng: Nhà nước cần có những chính sách để bảo vệ những nền tảng cơ bản của ngành cá. Trong đó, ưu tiên bảo vệ vùng nuôi, người nuôi cá. Bởi lẽ, nếu không có vùng nuôi, người nuôi không am hiểu kỹ thuật không thể có sản phẩm cá tra nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu.

* Nên điều hành bằng cô-ta?

Theo tổng hợp của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu tính từ năm 2000 đến nay, giá trung bình xuất khẩu cá tra trên đà sụt giảm. Nếu như năm 2000, 1 kg cá tra xuất khẩu giá khoảng 3,76 USD thì chỉ còn 2,33 USD vào năm 2005. Tính đến hết tháng 11-2010, giá xuất khẩu cá tra trung bình của Việt Nam khoảng 2,14 USD/kg, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2009.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP, một trong những nguyên nhân của tình trạng nêu trên là sản lượng nuôi thời gian qua tăng quá nhanh, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách hạ giá xuất khẩu. Đặc biệt, trong việc giảm giá xuất khẩu, “đau đầu” nhất là tình trạng giảm chất lượng sản phẩm, gây tổn hại đến thương hiệu của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này, theo ông Ngô Phước Hậu: đối với con cá tra, phải điều hành bằng cô- ta cho vùng sản xuất, sản lượng nuôi, sản lượng xuất khẩu. Điều hành tiêu chuẩn chất lượng gắn liền với thương hiệu, gắn với địa chỉ hẳn hoi để doanh nghiệp có trách nhiệm. Đồng thời, sự điều hành này cần phải được thể chế hóa bằng các chế tài, áp dụng “kỷ luật sắt” đối với những trường hợp vi phạm. “Có như vậy mới có thể loại được những “con sâu làm sầu nồi canh” như thời gian qua”- ông Hậu nói.

* Giá xuất sẽ như thế nào?

Đến nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo VASEP dự báo, nhu cầu thế giới về tiêu thụ cá tra trong năm 2011 sẽ lớn hơn nguồn cung cấp và giá cá nguyên liệu sẽ đứng ở mức 19.500 - 20.500 đồng/kg. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc hình thành mặt bằng giá xuất khẩu mới ở các thị trường nhập khẩu.

Vào ngày 10-12, hội nghị của VASEP với 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã thống nhất cao trong xây dựng giá sàn xuất khẩu cá tra tối thiểu cho tất cả các thị trường trong tháng 1-2011. Theo đó, giá 3USD/kg đối với cá fillet trimmed, net weight 100%, FOB any port in Việt Nam và mức giá 2,05USD/kg đối với cá fillet untrimmed, net weight 100%, FOB any port in Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp đang chào hàng với giá xuất khẩu mới. Giá xuất khẩu ở thời điểm hiện tại khoảng 2,8-3 USD/kg, tăng so với cùng kỳ năm 2009. Giá xuất khẩu tăng do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng chính là giá cá nguyên liệu trong nước đã tăng mạnh. Tuy nhiên, theo VASEP, mức giá hiện nay các doanh nghiệp đưa ra chưa được nhiều nhà nhập khẩu chấp nhận. Thời gian tới, nếu thị trường phản ứng tích cực với mức giá chào hàng mới sẽ là cơ hội tốt để duy trì mặt bằng giá trị xuất khẩu mới cho cá tra Việt Nam. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ duy trì mua nguyên liệu với giá cao, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi.

* Sẽ còn nhiều rào cản

Theo VASEP, năm 2010, cá tra Việt Nam tiếp tục gặp nhiều rào cản từ các thị trường nhập khẩu. Điển hình như: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ xem xét hành chính lần thứ 6 thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, nếu được thông qua, cá tra Việt nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 130%... Ucraina cảnh báo cá nhập khẩu từ một vài nước, trong đó có Việt Nam do phát hiện một số lô hàng có chất độc hại. Braxin tuyên bố sẽ có biện pháp kiểm soát an toàn và dự kiến sẽ áp mức thuế 35% đối với cá tra Việt Nam. Nghị sĩ châu Âu chỉ trích cá tra Việt Nam hồi đầu tháng 11 -2010...

Ngoài ra, đứng về quan điểm nhà nghiên cứu thị trường, theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, với mức tăng trưởng “vũ bão” như thời gian qua, cá tra Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều “sóng gió” vì những rào cản thuế quan, kỹ thuật... từ thị trường nhập khẩu trong thời gian tới.

* * *

Để vực dậy ngành cá tra trong nước cũng như chấn chỉnh thị trường xuất khẩu cho năm 2011,VASEP đã thống nhất 4 giải pháp: Tăng giá xuất khẩu trung bình thông qua quản lý giá sản xuất khẩu; ổn định thị trường nguyên liệu, bảo đảm cung - cầu; tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết