07/12/2008 - 20:06

Triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (kỳ 26)

Câu hỏi 123: Gia đình tôi có sáu người, gồm cha mẹ và bốn anh em. Cha mẹ tôi 50 tuổi, làm ruộng. Anh tôi là công nhân lương khoảng 1,5 triệu/tháng, lương tôi khoảng 5 triệu/tháng. Tôi có một đứa em đang học trung học chuyên nghiệp và một đứa học lớp 10. Vậy tôi có thể tính em tôi là người phụ thuộc của tôi để được giảm trừ không?

Trả lời:

Trường hợp này, không thể tính hai em đang đi học là người phụ thuộc của mình. Tuy nhiên, cha mẹ bạn làm ruộng nếu có thu nhập thấp hơn mức qui định của Chính phủ thì sẽ được tính là người phụ thuộc của con cái. Vì vậy, khả năng có thể tính cả hai cha mẹ, hoặc ít nhất một người là người phụ thuộc của bạn. Thu nhập của bạn là 5 triệu/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho chính bản thân bạn là 4 triệu đồng, nếu được tính thêm ít nhất một người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng thì bạn không còn thu nhập để tính thuế TNCN.

Câu hỏi 124: Lương của tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng, vợ tôi khoảng 2 triệu đồng. Chúng tôi có con nhỏ và đang ở chung nhà với cha mẹ vợ. Cha mẹ vợ tôi không có thu nhập, hai vợ chồng tôi đang chu cấp cho họ. Như vậy cha mẹ vợ tôi có được tính là người phụ thuộc của tôi không? Thủ tục để xác định người phụ thuộc như thế nào?

Trả lời:

Hiện Luật thuế TNCN chỉ quy định cha hoặc mẹ hết tuổi lao động và không có thu nhập, hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định của Chính phủ, được tính là người phụ thuộc của đối tượng nộp thuế. Luật chưa có quy định cụ thể cha, mẹ chỉ được hiểu là cha, mẹ ruột hay cả cha mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng) của người nộp thuế. Tuy nhiên, theo định nghĩa người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, và với truyền thống của người Việt là chồng (vợ) có trách nhiệm phụng dưỡng cả cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng), vì vậy họ có thể được tính là người phụ thuộc, đây là một trong những điểm cần có quy định cụ thể bởi các văn bản hướng dẫn Luật thuế TNCN thời gian tới.

Nếu cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng được tính là người phụ thuộc của đối tượng nộp thuế, lưu ý là đã kê khai là người phụ thuộc của người này thì không được kê khai cho người nộp thuế khác. Việc kê khai thực hiện theo nguyên tắc người nộp thuế tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai, các cơ quan thuế sẽ kiểm tra, giám sát, trường hợp phát hiện vi phạm sẽ truy thu thuế và phạt vi phạm.

Câu hỏi 125: Xin cho biết cách tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng của cha mẹ cho con cái hay ngược lại?

Trả lời:

Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế được quy định như sau: Đối với thu nhập từ thừa kế là thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thừa kế; đối với thu nhập từ quà tặng là thời điểm tổ chức, cá nhân cho tặng đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập (Điều 18 Luật Thuế TNCN). Số thuế phải nộp được tính trên biểu thuế toàn phần với thuế suất 10%. Ví dụ, cha mẹ cho con cổ phiếu trị giá 30 triệu đồng thì 10 triệu đồng không phải nộp thuế, còn phần vượt là hai mươi triệu đồng phải nộp thuế TNCN (20 triệu x 10% = 2 triệu đồng).

Câu hỏi 126: Ba mẹ tôi có một căn nhà cho thuê và có đăng ký kinh doanh, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác. Mẹ tôi bị bệnh mãn tính, hằng tháng phải tốn một số tiền lớn để chữa trị, có hóa đơn của bệnh viện xác nhận. Vậy số tiền mẹ tôi chữa bệnh có được miễn đóng thuế không?

Trả lời:

Thu nhập từ việc cho thuê nhà của ba mẹ bạn là thu nhập từ kinh doanh, được xác định bằng doanh thu (tiền cho thuê nhà) trừ đi các khoản chi phí hợp lý của việc cho thuê, là thu nhập chịu thuế. Nếu ba mẹ bạn cùng đăng ký kinh doanh cho thuê nhà, thu nhập này sẽ được chia đôi cho hai người để tính thuế. Ba và mẹ bạn mỗi người được giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 4 triệu đồng/người, vì vậy thu nhập cho thuê nhà sau khi trừ đi khoản giảm trừ gia cảnh, nếu vẫn còn sẽ phải đóng thuế TNCN. Việc mẹ bạn phải tốn một số tiền lớn hằng tháng để chữa bệnh mãn tính, nếu đó là bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế, thì sẽ được xét giảm thuế tương ứng mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

(Còn tiếp)

Nguồn: “Luật Thuế thu nhập cá nhân và giải đáp các tình huống” - Bộ Tài chính

Chia sẻ bài viết