08/10/2009 - 09:10

Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Hàng năm trên thế giới có hơn 10 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4 triệu trẻ em sơ sinh bị tử vong do các bệnh có thể phòng và điều trị được như: tử vong sơ sinh, viêm phổi, tiêu chảy, tai nạn thương tích, sởi... Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm tuy nhiên tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao chiếm tới 70% tử vong trẻ dưới 1 tuổi và trên 50% tử vong trẻ dưới 5 tuổi và chưa có xu hướng giảm. Tỷ lệ tử vong trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hẻo lánh, nông thôn hay trong các gia đình nghèo cao gấp 3- 4 lần so với vùng đồng bằng và các gia đình khá giả. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến Kế hoạch hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em” do Bộ Y tế tổ chức ngày 7-10.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm khẳng định: Bộ Y tế đã phê duyệt Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015 với mục tiêu “Củng cố và mở rộng diện bao phủ các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn của trẻ em; cải thiện sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở tất cả các vùng, miền trong cả nước”. Thực hiện Kế hoạch hành động này cũng đồng thời hưởng ứng Chiến lược vì sự sống còn của trẻ em của WHO/UNICEF khu vực và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em đạt Mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 2/3 tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990 - 2015.

“Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015” được triển khai với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 18 phần nghìn; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi xuống dưới 15 phần nghìn; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 10 phần nghìn; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cân nặng theo tuổi dưới 15% và suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi xuống dưới 25%.

THU PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết