10/05/2022 - 08:44

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TP Cần Thơ:

Triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt 

UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND, ngày 15-4-2022 triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QÐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ. Ðể ngành Ngân hàng tham gia thực hiện tốt, hiệu quả kế hoạch TTKDTM, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết:

NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cùng các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn xác định TTKDTM là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2021-2025. Việc phát triển TTKDTM nhằm thay đổi cơ bản tập quán sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Cần Thơ; đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn. Có thể thấy, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế tiếp xúc, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ thanh toán trực tiếp sang thanh toán trực tuyến. Ðặc biệt TTKDTM ở nhóm khách hàng cá nhân có sự tăng trưởng đột biến. Nguyên nhân là các phương tiện phục vụ TTKDTM ngày càng đa dạng, tiện lợi, nhanh chóng, thậm chí là khách hàng không phải mất phí dịch vụ. Trước đây, hoạt động TTKDTM trên địa bàn thành phố tập trung vào các giao dịch thông qua máy POS, nay TTKDTM qua Internet banking, ví điện tử, mã QR code… ngày càng phổ biến hơn. Các TCTD cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cũng không ngừng nâng chất lượng dịch vụ miễn, giảm các loại phí khi khách hàng thực hiện thanh toán, liên kết với các DN cung cấp sản phẩm dịch vụ để có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá, chiết khấu cho các giao dịch TTKDTM.

Nhân viên Nam A Bank giới thiệu hệ sinh thái số Onebank tích hợp nhiều dịch vụ hỗ trợ nhu cầu giao dịch ngân hàng cũng như TTKDTM của khách hàng.

 ► Theo ông, đâu là những khu vực cần tập trung đẩy mạnh triển khai TTKDTM tại TP Cần Thơ?

- Hiện nay, hoạt động TTKDTM phát triển mạnh mẽ ở các quận trung tâm thành phố nhưng ở địa bàn nông thôn vẫn còn hạn chế. Vì thế các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần quan tâm phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn. Cụ thể là tập trung triển khai các giải pháp phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM. Ðẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số...) nhằm thúc đẩy TTKDTM ở những khu vực nông thôn và những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các TCTD, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác; Tận dụng hạ tầng, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh TTKDTM trên thiết bị di động ở khu vực nông thôn gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công cũng được thành phố quan tâm và chỉ đạo các đơn vị trong ngành tài chính, các sở ngành hữu quan triển khai thực hiện với sự tham gia của ngành Ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán. Vấn đề là để triển khai hiệu quả cần tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia, hệ thống bù trừ điện tử với hạ tầng của các cơ quan như Cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; tăng cường triển khai chi ngân sách nhà nước bằng phương thức TTKDTM. Các đơn vị cung ứng dịch vụ công (bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục...) xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ TTKDTM; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện,... bằng phương thức TTKDTM. Ðồng thời, triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp thông qua các phương tiện thanh toán điện tử. đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, hiệu quả.

 ► NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ cùng các TCTD sẽ làm gì để đồng hành cùng thành phố triển khai kế hoạch thực hiện Ðề án phát triển TTKDTM, thưa ông?

- NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ sẽ bám sát Kế hoạch của NHNN và của UBND TP Cần Thơ về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QÐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ. Căn cứ vào các mục tiêu cụ thể này, NHNN Chi nhánh cũng triển khai đến các TCTD trên địa bàn chủ động tham gia thực hiện Ðề án TTKDTM như thực hiện chính sách phù hợp về phí dịch vụ TTKDTM để khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức, cá nhân tiếp cận các dịch vụ  TTKDTM. Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Ðẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử. Khuyến khích đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán (thẻ ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả.  Tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chíp, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác. Ðối với phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử cần hoàn thiện, tăng cường kết nối, tích hợp giữa hạ tầng thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với hạ tầng của các đơn vị chấp nhận thanh toán, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến. Tập trung triển khai các chính sách thúc đẩy khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan sử dụng dịch vụ TTKDTM trong hoạt động thương mại điện tử; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động. Ðồng thời, xây dựng hệ thống giải quyết phản ánh khiếu nại tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên tham gia trong giao dịch.

 ►Xin cảm ơn ông!

Theo Kế hoạch số 86/KH-UBND, TP Cần Thơ đặt mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị TTKDTM gấp 25 lần GRDP; TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20-25%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề ra mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công thuộc lĩnh lực y tế, giáo dục, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp…

MINH HUYỀN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết