Tiên khởi, có thể nói ở Nam Kỳ lục tỉnh chỉ tỉnh An Giang mới có loại tre tầm vông. Sau, theo bước chân khai phá của những đoàn lưu dân, tre tầm vông dần thiên di. Nay, hầu khắp Nam bộ nơi nào cũng có ít nhiều loại tre đặc ruột này.
Dựa vào bộ “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam viết trong sách “Lược sử vùng đất Nam bộ Việt Nam”: Năm 1757, đất Tầm Phong Long… được chúa Nguyễn thu nạp, đồng thời 5 phủ Hương Úc, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh được cho lệ vào quản hạt Hà Tiên. Bấy giờ, Mạc Thiên Tứ xin đặt Giá Khê làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại, chiêu cư dân, lập thôn ấp làm địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng. Như vậy, đến năm 1757, những phần đất còn lại của miền Tây Nam bộ mà trên thực tế đã thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn từ trước đó, chính thức thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những khu vườn tầm vông bạt ngàn và người dân đang uốn tầm vông. Ảnh: DUY TÂN
Về diện địa, trên Tập san Sử Địa số 19-20, số chuyên đề về cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Văn Hầu trong nghiên cứu “Sự thôn thuộc và khai thác đất Tầm Phong Long” viết: “…Tầm Phong Long choáng cả một vùng lớn bề dài từ biên giới Việt Miên (đường biên thùy ngày nay) chạy dọc theo sông Tiền và sông Hậu xuống tới Trà Vang (Trà Vinh) và Ba Thắc (Sóc Trăng và Bạc Liêu). Bề ngang từ cương vực Hà Tiên sang tận Tầm Bôn (Tân An) và từ Ba Thắc đến đất Long Hồ. Những vùng khác như Tầm Bào (thuộc Vĩnh Long), Trấn Giang (thuộc Cần Thơ) đều nằm cạnh đất Tầm Phong Long, nhưng ở vào tả và hữu biên”.
Theo “Đại Nam thực lục”, Tầm Phong Long nay thuộc tỉnh An Giang. Phải chăng ngày xưa trước khi xuất hiện các địa danh Châu Đốc, An Giang, vùng đất này đã theo tên một loại cây thổ đặc sản của địa phương mà có tên gọi là Tầm Phong Long? Hay từ tên đất Tầm Phong ấy, loại tre này có tên trại ra là “tầm vông”?
Sách “Đại Nam nhất thống chí” phần thổ sản ở tỉnh An Giang ghi có loại “trúc đặc ruột”, trong khi các tỉnh khác thì chỉ có “tre đặc ruột” (dân gian gọi “tre đực”, thân bằng cườm tay nhưng không thẳng và giao lóng như tre tầm vông). Đặc biệt, ở miền núi, nhất là tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, chen trong kẹt đá núi người ta cũng thấy có những bụi tầm vông nhỏ, hình tướng rất chi là đèo đẹt, gọi “tầm vông đá”, về chất lượng thì đúng là… cứng như đá. Thi thoảng cũng thấy có loại “nhỏ mà có võ” dân gian gọi “tầm vông đá bị đày”. Tầm vông là loại tre nhỏ cây, thân chỉ bằng bắp tay mà dài, giao lóng, đặc ruột và mau lớn, lại không kén đất, rất dễ trồng, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nên như đã nói, ở nông thôn An Giang nơi nào cũng có nhiều loại cây này. Nếu trồng trên vùng đất khô, chúng phát triển rất tốt. Rõ ràng là tự ngàn xưa người dân đã biết khai thác nó như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ suôn thẳng nên ngoài công dụng làm nhà cửa, sào chống xuồng ghe, dân gian còn làm bàn ghế, giường chõng…
Nhưng không chỉ có vậy. Sử chép, năm Minh Mạng thứ 15, xét thấy các vùng Phiên quốc như Phủ Lật, Bồng Xuy, Khai Biên, Quảng Biên, Sơn Phủ... đều là những vùng đất quan yếu, Trương Minh Giảng xin phép được đặt đồn ải ở địa đầu. Sông Xà Năng là thủy lộ “tất do” (có nghĩa: không thể không đi qua theo con sông ấy), cũng xin đặt các trạm canh gác trên bờ, và cứ theo dân số nhiều ít để tuyển lính phòng bị, đồng thời lựa chọn những phần tử mẫn cán trong đám phiêu lưu, cho nhận lãnh các chức vụ. Lại phải chiêu tập người bản địa xây dựng thành hai cơ Yên Man để phòng khi hữu sự. Mặt khác phải trưng tập và phát hành những của cải tích trữ, hoặc công, hoặc tư. Phải phân công và phát khiển các Phiên liêu đôn đốc việc cày cấy hầu có đủ thực phẩm. Phải sai chặt tre để chế luyện các loại gươm giáo dài, chặt cây đóng thuyền, nấu luyện diêm tiêu, chế các thứ dầu mỡ hầu cung cấp đầy đủ các thứ cần dùng. Lời khải tâu của Trương Minh Giảng đệ trình lên, nhà vua khen rằng: “Kế hoạch dự trù của khanh thật là rõ ràng minh bạch và đủ mọi điều”. Có thể hiểu “chặt tre để chế luyện các loại gươm giáo dài”, chính là tre tầm vông vì loại này nhỏ cây, ngay ngắn và đặc ruột, rất cứng chắc, nên được xem là tre đặc dụng trong đánh dẹp - không những dùng làm cán thương, cán giáo mà chỉ một khúc tầm vông vạt nhọn chừng vài mét thôi, công dụng của nó cũng không khác thanh gươm. Nó còn là một thứ gậy (côn) lợi hại trong cận chiến.
Tre tầm vông là loài cây đặc trưng của vùng Bảy Núi An Giang. Nghề buôn tầm vông cũng rất thịnh hành. Trong ảnh: Ghe chở tầm vông. Ảnh: DUY TÂN
Cây tầm vông vẫn là vũ khí vô cùng lợi hại dưới thời thực dân Pháp mới đem quân xâm lược nước ta. Rồi sau đó, khi Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-1945, một phong trào mệnh danh là “Thanh niên Tiền phong” nổi lên ở miền Nam, dồn sức chuẩn bị tranh đấu giành lại nền độc lập, khắp các thôn làng trai tráng đua nhau luyện tập võ nghệ để “ra sức anh tài”, các lò rèn không rèn kịp những loại vũ khí truyền thống như gươm đao, mã tấu… nên chỉ rèn lưỡi thương, lưỡi giáo, dao dâu, rồi tra cán tầm vông vào là đã có trong tay thứ vũ khí cực kỳ lợi hại. Sau đó, với lời nguyền “đồng lòng điểm tô non sông, nề chi chông gai”, hàng vạn thanh niên học sinh từ thành thị đến nông thôn, rầm rập “cùng nhau xông pha lên đàng”, các lò rèn không cung ứng kịp vũ khí bén nhọn, nên tuyệt đại đa số chiến sĩ phải dùng “tầm vông vạt nhọn”.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu ghi nhận tính chiến đấu tích cực và vô cùng anh dũng của “cây tầm vông vạt nhọn” trong công cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược trong “Vong hồn dân mộ nghĩa”: “Ngoài cật có một ngọn tầm vông, Nào đợi mang bao tấu bầu ngòi / Trong tay cầm một ngọn tầm vông, Chi nài sắm dao tu nón gõ”. Hay “Theo lời Bác toàn dân kháng chiến/ Nam bộ anh hùng nổ phát súng đầu tiên/ Tiếng hô vang lẫn tiếng súng rền/ Giáo mác, tầm vông cùng xông lên giết giặc…” (Thơ Trọng Chu).
Phải đâu chỉ “tầm vông vạt nhọn” mới giết được quân thù! Những “cây chông tre” cũng thành tích không kém. Thượng tướng Trần Văn Trà, trong “Miền Nam thành đồng đi trước về sau” đã ghi lại: Một phát kiến có giá trị làm vẻ vang cho nền quân giới nhân dân Việt Nam nghe nói là được bắt nguồn từ trận chống càn bất hủ này, chẳng biết mức độ chính xác tới đâu cũng xin mạnh dạn nêu ra đây để các nhà sử học, bạn đọc đối chiếu mà xác định. Đồng bào An Phú Đông kể: “Sau trận càn, thấy hai chiếc cầu khỉ gãy gọn. Một chiếc dính máu. Bà con với du kích xúm lại bàn: Máu này là máu của quân ăn no to xác chúng nó chứ dân mình nhẹ, nhanh như sóc (...) ước gì có vài cây nọc cắm đó thử coi”. Từ đó chông tre được dùng chống càn cả xã An Phú Đông, cả Hóc Môn, Củ Chi, cả khắp Nam bộ.
Sau ngày đồng khởi, nhạc sĩ Nguyễn Trí Thanh sáng tác tiết mục tấu hài mà Đoàn Văn công Giải phóng đã biểu diễn đón tiếp khách nước ngoài. Sau khi được xem, nhà văn lại là nữ ký giả Madeleine Riffaud (người Pháp) đã viết thành một chương phóng sự có cái tựa rất là độc đáo “Le pal de bambou” (Cây chông tre), khởi sự bằng mấy câu vừa chân phương vừa duyên dáng và rất Nam Bộ là: “Cây chông là cây chông tre, / Rõ ràng đây nè máu giặc còn loang…”.
Cây tầm vông của Việt Nam chính là một loại thổ đặc sản “tịnh vi nông, động vi binh” vô cùng hiệu quả vậy.
Nguyễn Hữu Hiệp