21/07/2019 - 07:32

Tre! 

Không ai còn lạ gì cây tre cây trúc, cùng những ích dụng trong đời sống, từ việc lớn như dùng làm vật liệu dựng cất, cho đến việc nhỏ như làm đũa, vót nan, bện các loại ngư cụ, đươn đát (thúng, rổ, sàng, nia, xịa)... Ðâu chỉ có thế, những chuyện kể về Thánh Gióng - Phù Ðổng Thiên Vương diệt giặc Ân, hay không gian “làng tôi có lũy tre xanh”… cho thấy tre còn có vai trò bảo vệ an ninh xóm làng và chống giặc giữ nước.

Tre tô điểm cho nét đẹp làng quê. Ảnh: DUY KHÔI

Tự ngàn xưa, tộc họ của tre phải đâu chỉ một vài giống, loại. Căn cứ vào ghi chép của cụ Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ” thì tre có đến 67 loại. Chỉ trên vùng đất Nam bộ thôi, nào là: tre mỡ hay tre bắp (màu vàng, không có gai, dày cơm mà nhẹ mình, được chuộng dùng trong nghề đươn đát, lạt cột), tre tàu, tre mạnh tông, tre điền trúc (lá to, đều nhỏ cây, giao lóng, mỏng cơm), tre bông (cũng gọi tre hoa vì thân có bông lấm tấm như vẽ, xưa dùng làm vạt giường, làm nón cho lính địa phương, làm các bức hoành có khắc hoa văn…), tre vàng (hay tre ngà thân màu vàng óng, nhỏ cây, cũng thuộc tre kiểng), tre đỏ (đỏ da, dày cơm mà dẻo dai), tre gân hay tre sọc (dùng để trang trí), tre lông (to, suôn và giao lóng), tre dây (như tre gai, mọc lan như dây, ít có cây đứng, trồng làm rào), tre giang (rất dài lóng, mỏng cơm, được dùng làm “ống điếu” kiểu hút thuốc lào), tre mỏ gãy hoặc mỏ xãy (nhỏ cây, thân khúc khuỷu), tre trúc (thân chỉ bằng ngón chân cái, rất giao lóng, mỏng cơm, dùng làm gậy chống, ống sáo, ống thổi bếp lò, cần câu…), tre mía (dễ chẻ, dễ vót), tre tầm vông hay tầm phong (dày cơm, đặc ruột, dùng làm cán thương, cán giáo…, là loại tre đặc sản của vùng đất Tầm Phong Long, An Giang). Chiếm tỷ lệ áp đảo là tre đài (cũng gọi tre pheo) và tre gai (cũng gọi tre vườn), là những thứ tre có gai nhọn dày đặc từ những nhánh nhỏ ở phần gốc, mọc chỉa ra ràng rịt như váng nhện, được chuộng dùng làm các vật dụng gia đình, nông ngư cụ, giao thông, xây dựng, đồ đựng, kể cả đựng chất lỏng…

Thu hoạch măng tre ở Cồn Sơn, Bình Thủy, Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Muốn đốn loại tre gai trước hết phải dùng cây câu liêm để ruồng “váng nhện” cho sạch gai, tất nhiên chỉ đốn được những cây phía ngoài vì chúng mọc chen khít nhau như “đũa vắt trong ống” và khi đốn phải chừa gốc cho cao, chí ít cũng ngang ngực để bụi tre không bị mất sức. Sách “Hoa phả” nói: “Giống tre cứ đủ 60 năm thì một lần đổi gốc, tất kết quả rồi khô chết, quả rụng xuống đất lại mọc cây, 6 năm lại thành bụi”. Cây tre gai rất cứng, chắc nên măng nó cũng khá cứng và đắng, không ngon bằng măng tre tàu, hay măng tre điền trúc (là loại tre được trồng chủ yếu ăn măng, khá kinh tế), nhưng ngon tuyệt phải nói là măng tre mạnh tông, đặc sản vùng núi Cấm, Thất Sơn. Tre không chỉ được dùng làm các loại đồ gia dụng mà còn là phương tiện đi lại trên sông nước (bè), hoặc “kiền” hai bên để ghe không bị lắc; cũng dùng độn nhà bè để không bị chìm… Ta nghe lại câu hát sau đây mà không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho cuộc sống vô cùng thiếu thốn lưu dân lớp trước:

“Trồng tre chẳng dám ăn măng,

Trông cho măng lớn kết bè đưa dâu.

 Có đưa thì đưa bằng ghe,

Đừng đưa bằng bè ướt áo cô dâu!”

Ngày trước, tuyệt đại bộ phận cư dân ở nông thôn đều cất nhà tre lá, có nghĩa ngoài phần lá (tàu lá dừa nước chẻ hai, hoặc đã róc ra rồi chầm thành lá tấm để lợp hoặc dừng vách), toàn bộ sườn nhà bao gồm cột, kèo, đòn dông, đòn tay, rui, nẹp… đều dùng tre, mà đắc dụng nhất là tre gai (còn lạt cột thì dùng tre mỡ). Đươn đát các loại đồ gia dụng cũng dùng loại tre này vì rất bền chắc, dẻo dai. Tre mới đốn đem dùng liền thì tuổi thọ chỉ khoảng 5-7 năm. Nếu đem ngâm dưới ao hầm bùn sình 3-5 tháng, ngay lúc còn tươi, độ bền sẽ được nhân lên gấp đôi ba lần. Chính vì thế nên có thể nói khi làm đồ dân dụng, các cụ đều có cách xử lý tre rất bài bản:

“Chẻ tre lựa lóng đương sàng,

Chờ ba năm nữa cho nàng lớn khôn”

Theo những người giàu kinh nghiệm, những vật làm bằng tre được dùng trong trường hợp không phải gánh chịu nặng và nhất là được bảo vệ kỹ trước sự xâm hại của mưa nắng, sẽ có độ bền đến năm bảy mươi năm, thậm chí cả trăm năm, hoặc hơn. Chính vì lẽ đó ta không ngạc nhiên khi được biết ở đâu đó có cây đòn dông nhà làm bằng tre tuy tuổi xấp xỉ trăm năm mà vẫn còn y nguyên, không thấy có hiện tượng mối mọt. Đặc biệt, một khi tre được xử lý đúng cách và không bị tác động của không khí, nó bền chẳng khác gì cây căm xe. Ông Vương Hồng Sển tận mắt chứng kiến những nan quạt giấy làm bằng que tre đã tròm trèm 150 năm mà vẫn còn nguyên vẹn! Xin ghi lại:

“Hôm ấy nhằm mười sáu tháng mười một năm 1953. Nhơn danh đại diện quản thủ Pháp Viện Bảo tàng Sài Gòn, tôi đến làng Hòa Hưng, vào trong một ngõ hẻm chi nhánh đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám) coi cho người ta bốc một ngôi mả vôi vô thừa nhận, để đất trống cho tân nghiệp chủ tiện xây cất nhà cửa. Mộ này đã bị phá từ những ngày trước, chỉ chừa lại cái hòm chưa cạy nắp, những chi tiết quan trọng, mộ bia, liễn đối đều không còn, nên không làm sao rõ được chức phận, phẩm tước của người quá cố. Duy thấy chiếc quan tài bằng cây huỳnh đàn mà đoán địa vị người ấy khi xưa ắt cũng lớn lắm, giàu lắm. Gỗ trai, huỳnh đàn, người mình thích đóng hòm cũng phải. Cứ bằng chứng nơi chiếc quạt tre phất giấy dầu trong tay người chết, quạt còn xòe được như mới, chữ còn sắc sảo vì được viết bằng một chất phấn kim khí sáng láng như chì rõ ràng đề “Gia Khánh đệ… niên” thì đoán hòm chôn đã được tròm trèm một trăm năm mươi năm rồi. (...) Quên nói, hôm ấy có một ông bác sĩ và một phó cảnh sát trưởng đến chứng kiến với tôi vụ cải táng này. Và trong ý anh cò lai, vì chưa thấy chiếc quạt “Gia Khánh” nên đinh ninh nằm đó chắc là người mới chết gần đây vì nạn xe đụng, ô tô húc mà thôi! Mà lạ thật! Những cái gì ta cho trường cửu, thì trở nên tro bụi: vàng xi, nút áo bạc, mấy nút bằng pha ly biến thành chai (vere). Trái lại, những vật ta cho rằng mau mục, mau tan rã lại còn ràng ràng như mới: vỏ cau ăn trầu, chiếc chiếu lót, thậm chí giấy tiền vàng bạc còn phân biệt để nguyên xấp, bên vàng bên bạc rành rạnh, không hư; trong tay, như đã nói, cầm chiếc quạt “Gia Khánh” gói trong vuông khăn nhiễu điều, cây quạt này xòe được lúc trong hòm lấy ra, đến cái chốt xỏ nan quạt cũng chẳng hề hấn gì (duy sau này cất để đến nay, giấy quạt khô trở nên giòn khướu không mở ra được nữa)…”(“Sài Gòn năm xưa”).

Bên cạnh những chuyện xưa, người dân quê cũng có nhiều kinh nghiệm quý về tre như: Muốn trồng tre mau xài thì nên bứng gốc và phải trồng xiên xiên chứ không để thẳng đứng như các loại cây khác; tre để già đúng 3 năm thì nên đốn dùng, rất tốt, nếu dưới 3 năm thì còn non, mà trên 3 năm thì giòn, dễ gãy. Để dùng tre được bền thì nên đốn những ngày không trăng sẽ khỏi bị mối, mọt ăn. Như đã có nói ở trên, nếu dùng tre trong điều kiện được cố định tại một vị trí nhất định, sức chịu lực không đáng kể và tránh được mưa, nắng chẳng hạn như làm đòn dông nhà… tuổi thọ của tre có thể đến cả trăm năm.

Xưa người ta dùng tre để làm mõ (gõ báo động), làm gối nằm (nhưng phải chú ý là ống tre thật liền lạc, nhất là tại mắt tre không có lỗ thủng, tuy nhỏ xíu nhưng rất độc hại, vì đó là lỗ do “sâu tre” đục khoét và trú ẩn bên trong, khi nằm chúng chui ra cắn, mà nếu không chẻ gối tre ra thì vô phương phát hiện thủ phạm). Rễ tre ngoài công dụng là một vị thuốc Nam, còn được các nghệ sĩ tạo hình dùng trong lĩnh vực điêu khắc, rất mỹ thuật.

Và, nếu bà con vùng cao dùng một lóng tre tươi làm “nồi” nấu cơm bằng cách cho gạo và nước vào theo một tỷ lệ nhất định, rồi chất củi đốt, cơm ăn rất ngon, gọi “cơm lam”, thì trên mâm cơm truyền thống gia đình tộc người Việt không thể thiếu đôi đũa tre, bởi đó là một nét văn hóa ẩm thực đã được hình thành tự nghìn xưa. Đôi đũa tre quê mùa với những ưu điểm rẻ và an toàn cho người sử dụng vẫn rất được người mình ưa chuộng.

Nguyễn Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết