03/09/2022 - 19:57

Trang phục Nam Bộ xưa 

Cùng với ăn và ở, mặc là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Mặc không chỉ giúp con người thích ứng với thời tiết, khí hậu mà còn là nhu cầu làm đẹp, nên thường dễ đổi thay so với ăn và ở. Trong đó, những biến động về lịch sử, xã hội có những tác động không nhỏ đến trang phục. Điều này thể hiện rõ qua chuyện trang phục Nam Bộ xưa.

Trang phục của các bô lão trong lễ cúng Kỳ yên đình làng. Ảnh: DUY KHÔI

Trang phục của các bô lão trong lễ cúng Kỳ yên đình làng. Ảnh: DUY KHÔI

Năm 1558, vì sự bức bách của họ Trịnh ở Thăng Long, chúa Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ vùng Thuận - Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam). Tại đây, ông cũng như các chúa Nguyễn về sau đã dần dần mở mang bờ cõi về phương Nam và lập ra vương triều nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ, trang phục của cư dân vùng Thuận - Quảng vẫn không có sự khác biệt nhiều so với trang phục của cư dân Đàng Ngoài. Nhưng dần dần càng tiến về phương Nam thì trang phục của cư dân Đàng Trong càng có những đặc điểm khác biệt so với Đàng Ngoài. Nhất là trang phục của người dân vùng này còn chịu ảnh hưởng ít nhiều từ trang phục của các dân tộc cùng cộng cư như người Hoa, người Chăm. Chính những ảnh hưởng đó mà trang phục của người Đàng Trong ngày càng có khoảng cách lớn so với trang phục của cư dân Đàng Ngoài. Nhưng sự khác biệt rõ nhất có lẽ là do công cuộc cải cách trang phục của Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng đế.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát công khai từ bỏ danh nghĩa phù Lê, cắt đứt mọi ràng buộc thể chế với triều đình nhà Lê, thành lập vương quốc mới thì sự khác biệt về trang phục bắt đầu hình thành. "Một trong những động thái đầu tiên mà Võ Vương tiến hành là định quy chế triều nghi nhằm mang lại cho vương quốc mới ra đời của mình một diện mạo thật sự mới mẻ. Sau đấy, Võ Vương bèn sửa đổi cả phong tục ăn mặc, ban hành lệnh cải cách y phục trong toàn cõi. Bản chất của việc cải đổi y phục này mang đậm màu sắc chính trị tạo khác biệt với phong tục Đàng Ngoài dưới thời Lê - Trịnh"(1).

Tiếp theo, năm Gia Long thứ 5 (1806), triều đình đã ban bố "quy định cho các hạng thứ dân dùng phong cân (một loại khăn chít đầu) màu đen, không được trang sức gì; áo cổ chéo màu đen, hài, tất đều màu đen"(2). Sau đó, vị vua thứ hai của nhà Nguyễn là vua Minh Mạng vì muốn cho thống nhất y phục trong cả nước mà tiếp tục chính sách về y phục của chúa Nguyễn Phúc Khoát và áp đặt lên toàn vùng lãnh thổ Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra, buộc thứ dân Đàng Ngoài phải từ bỏ những lối y phục cũ để theo lối y phục Đàng Trong. "Kể từ Minh Mạng năm thứ 8 (1827) cho đến Minh Mạng năm thứ 18 (1837), trong vòng 10 năm, vua Minh Mạng đã 4 lần ra chỉ dụ nhân dân miền Bắc phải thay đổi trang phục theo kiểu của nhân dân từ Quảng Bình trở vào Nam, với lý do "nhà nước ta, cõi đất hợp làm một, văn hóa cùng nhau" nên phải thống nhất ăn mặc để nêu ý nghĩa "vâng theo văn hóa", "vâng theo phép vua". Lời dụ lúc thì cứng rắn "Nếu không chịu thay đổi, khi phát giác ra sẽ khép vào tội trái quy chế", lúc thì ôn hòa "thiết tha xuống lời dụ này", lúc thì rất thông cảm với tình trạng "dân gian nghèo giàu không đều... tất nên rộng hạn cho ngày tháng", lúc thì kích động "Người miền Bắc con trai đóng khố, đàn bà thì trên mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy (so với miền Nam áo quần chỉnh tề) đẹp xấu chẳng rõ rệt thấy ư?"... Nhưng sau 10 năm, kết quả vẫn không đạt được như mong muốn, nhà vua quyết định "sang năm mới (1838), nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng". Đối phó lại, miền Bắc có câu ca dao châm biếm:

"Tháng Tám có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì biết lột quần chồng sao đang

Có quần dọn quán bán hàng

Không quần ra đứng đầu làng trông quan"(3).

Sau những lần ra lệnh cải đổi trang phục từ triều đình, rõ ràng, y phục của Đàng Trong đã có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn, "với y phục thường dân, nếu như trước đó, áo giao lĩnh đóng vai trò như bộ quốc phục đồng nhất trên toàn quốc cùng với váy, yếm, xiêm, thường quây khố thì sau đó, nó bị thay thế hoàn toàn bằng bộ quần áo mới - áo năm vạt cài khuy và quần hai ống, hay thường được biết tới với tên gọi quần chân áo chít"(4).

Áo có thân "gồm năm vạt được may ráp lại theo chiều dọc. Hai vạt trước và hai vạt sau đều được may ráp lại theo đường sống áo ở chính giữa thân (tương tự áo bốn vạt). Riêng phía trước, phần bên phải là vạt kép có thêm vạt con lót bên trong mà vẫn được gọi là thân thứ năm(5). Trong giai đoạn này, áo dài năm thân trở thành trang phục phổ biến của nhân dân lao động. Người ta mặc áo dài gần như mọi lúc, mọi nơi, kể cả làm đồng, đi chợ, dệt vải... "Có thể nói, chiếc áo dài được phụ nữ dùng hằng ngày từ tầng lớp buôn gánh bán bưng, lao động nhọc nhằn cho đến những người thuộc tầng lớp trên"(6).

Khi chiếc áo dài dần dần biến mất trong đời sống thường nhật thì chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn là trang phục hết sức phổ biến của cư dân xứ này. Người nông dân ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba còn có nhiều tiện dụng khác. Ví dụ như áo được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo lại có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, ống quẹt, tiền bạc... Chính vì tính tiện dụng và sự thoải mái này mà chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ mặc ngay cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi... Có điều khi đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn, như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền hơn, như vải the, lụa... 

Đầu thế kỷ XX, trước phong trào Âu hóa, trang phục của người Nam Bộ bắt đầu có những tiếp thu từ văn minh phương Tây, thay đổi kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải... từ đó dẫn đến sự ra đời của chiếc áo dài tân thời. Tuy nhiên, áo dài Nam Bộ phát triển theo một đường hướng khác, gần như rất ít có ảnh hưởng từ áo dài Le Mur của Lê Phổ: "Áo dài của phụ nữ tỉnh thành Nam Bộ ngày càng sử dụng nhiều màu sắc tươi sáng, kỹ thuật cắt may ảnh hưởng thời trang châu Âu nên đẹp và gọn hơn, ngày càng trở nên thanh lịch, tươi mát hơn nhiều so với thời kỳ trước. Song áo dài của họ phát triển theo một phong cách riêng, chẳng ảnh hưởng gì mấy đến thời trang áo dài của Le Mur, Lê Phổ ở Hà Nội"(7)

Như vậy có thể thấy, ngay từ khi các chúa Nguyễn vào trấn thủ vùng Thuận - Quảng cho đến đầu thế kỷ XX, trang phục của cư dân Đàng Trong đã phát triển theo một xu hướng khác với trang phục của cư dân Đàng Ngoài. Là một vùng đất nóng ẩm quanh năm, mưa nhiều lại nằm ở nơi giao thương, cho nên văn hóa Nam Bộ nói chung, trang phục nói riêng sẽ phát triển theo chiều hướng chịu ảnh hưởng của môi trường tự nhiên cũng như sự giao lưu văn hóa với các dân tộc cùng cộng cư và các nền văn minh trên thế giới. Điều này đã làm cho trang phục ở Nam Bộ có được nét đặc trưng riêng.

Trần Kiều Quang

--------------------------

(1) Bùi Quang Thắng (2018), "Nét cũ duyên xưa", NXB Lao Động, tr.180.

(2) Đoàn Thị Tình (2006), "Trang phục Việt Nam", NXB Mỹ Thuật, tr..97.

(3) Đoàn Thị Tình, Sđd, tr.97.

(4) Bùi Quang Thắng, Sđd, tr.182.

(5) Bùi Quang Thắng, Sđd, tr.187.

(6) Ngô Đức Thịnh (2018), "Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam", NXB Tri Thức, tr.89.

(7) Phan Thị Yến Tuyết (1993), "Nhà ở - trang phục - ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long", NXB KHXH, Hà Nội, tr.61.

Chia sẻ bài viết