10/06/2019 - 07:17

Trăn trở điện ảnh Việt 

Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đầu tháng 6 này, phim ngắn “Một khu đất tốt” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đoạt Quán quân hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Vienna (Áo) - VIS. “Một khu đất tốt” cũng đủ điều kiện để tranh giải Oscar Phim ngắn vào năm 2020. Ở lĩnh vực phim truyền hình, ngày càng có nhiều bộ phim Việt Nam tạo được cơn sốt như “Quỳnh búp bê”, “Gạo nếp gạo tẻ”… và đang thu hút là phim “Về nhà đi con” phát trên sóng VTV1.

“Về nhà đi con”- phim truyền hình Việt Nam đang rất được khán giả yêu thích. Ảnh: 24h.com.vn

Thế nhưng, bao nhiêu đó là chưa đủ. Tình trạng phim nước ngoài vẫn lấn át thị trường điện ảnh Việt từ màn ảnh nhỏ đến màn ảnh rộng. Trào lưu phim Hàn Quốc rồi Đài Loan, Ấn Độ… “đi đâu cũng thấy”. Thực trạng này đã đi vào nghị trường Quốc hội khi trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào sáng 6-6. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, mỗi năm nước ta nhập khẩu đến 240 phim ngoại, trong khi phim nội chỉ có 40 phim. Do không được định hạn ngạch nhập khẩu theo quy định của WTO, nên nước ta đang sử dụng “hàng rào kỹ thuật” bằng cách kiểm duyệt phim: quy định phim Việt phải chiếu trên 20%.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Nhà nước cần có sự đầu tư để sản xuất phim, đặc biệt là phim lịch sử, thiếu nhi, bên cạnh các giải pháp khác như tháo gỡ cơ chế chính sách, đào tạo để có kịch bản, phim tốt; có cơ chế giám sát và hỗ trợ sản xuất, phát hành phim… Rõ ràng, đề xuất này là thực tế và là điều người làm điện ảnh trăn trở từ khá lâu. Đã lâu rồi, điện ảnh Việt thiếu những bộ phim xuất sắc dành cho tuổi thanh thiếu niên, hiếm hoi lắm mới có “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Ở lĩnh vực truyền hình, từ khoảng chục năm trước, những bộ phim “Kính vạn hoa”, “Điều ước sao biển”… đã kết thúc thời hoàng kim của phim truyền hình cho thiếu nhi.

Với đề tài phim lịch sử còn khó và hiếm hơn nữa. Gần đây, đề tài này rất ít được khai thác và cũng “đỏ mắt” tìm những bộ phim hay. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định rằng, yếu tố kinh tế thị trường chi phối không ít. Nhiều nhà sản xuất phim hiện chọn những đề tài và phong vị phim lạ, thời thượng để tìm doanh thu hơn là tìm những đề tài lịch sử để thể hiện. Vả lại, đội ngũ biên kịch cho dòng phim lịch sử hiện rất ít và chi phí đầu tư cho một bộ phim cũng rất cao mà triển vọng doanh thu thì không thể dự báo.

Ý nghĩa của dòng phim lịch sử và việc lấp đầy khoảng trống cho phim thiếu nhi là điều ai cũng thấy. Cái khó đã được người đứng đầu ngành văn hóa chỉ ra và đề xuất cách tháo gỡ. Kỳ vọng một nền điện ảnh Việt cân bằng, phục vụ tốt khán giả nước nhà.

Về công tác phổ biến phim đến vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thông tin: Cả nước có 276 đội chiếu phim lưu động, phục vụ hơn 9,5 triệu lượt người xem/năm. Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư việc phổ biến phim đến vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết