02/03/2021 - 09:49

Trải nghiệm “Paris 55 ngày cấm túc” cùng Giáng Hương 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Paris - kinh đô ánh sáng của thế giới - cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, buộc Chính phủ Pháp thực hiện cách ly toàn xã hội. “Paris 55 ngày cấm túc” (NXB Tổng hợp) là nhật ký viết từ tâm dịch của Tiến sĩ Giáng Hương, đang sinh sống và làm việc tại Pháp, khắc họa rõ nét những chuyển biến cuộc sống giữa khủng hoảng vì dịch bệnh.

Bắt đầu từ “Paris, thứ Sáu ngày 13 tháng Ba năm 2020” và kết thúc là “Paris, thứ Sáu ngày 8 tháng Năm năm 2020”, chỉ 55 ngày nhưng trôi chậm như một thế kỷ, cùng hàng loạt những sự kiện, thay đổi bất ngờ từ tình hình bệnh dịch, đến quyết sách của chính phủ, những câu chuyện nhói lòng khiến người đọc hồi hộp dõi theo đến trang sách cuối cùng. Từ những ngày đầu tiên mà người dân còn hoang mang không chấp nhận “bóng ma” của COVID-19, đêm hôm trước họ còn “đổ ra đường, bắt tay hôn má và ăn chơi nhảy múa như thường”, các công dân “áo vàng” vẫn diễu hành, ngày 8-3, cánh nữ quyền vẫn tuần hành với kèn trống và biểu ngữ. Phải đợi đến bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào 8 giờ tối thứ năm 12-3, người dân nơi này mới giật mình: “Hình như đúng thật là có cái đại dịch gọi là Coronavirus”. Khi Tổng thống tuyên bố chính thức cách ly xã hội, người ta mới hỏi nhau về việc làm thế nào để trông con khi không có trường học và chính thức bước vào một cuộc sống chưa từng có…

Cuộc sống, tâm lý, sự sợ hãi của những người dân ở đây thế nào? Những y bác sĩ tuyến đầu trong trận chiến này phải căng mình làm việc ra sao? Tổng thống và chính phủ liên tục có những giải pháp gì? Biểu đồ số người nhiễm và chết vì COVID-19 ở Pháp bao giờ mới hạ nhiệt?... Tất cả đều được khắc họa chân thật, tái hiện sự căng thẳng, ngột ngạt, đáng sợ khi mà: “Không ai được bước chân ra khỏi nhà, không được tiếp xúc xã hội, đến cả đi bộ một mình ngoài rừng, dạo chơi trên bãi biển cũng không được phép”, “Trung bình mỗi giờ đồng hồ lại có hơn 10 người chết”, “Giờ đây, chỉ cần hắt hơi sổ mũi người ta cũng chột dạ sợ phải nhập viện, sợ những cơn co thắt khiến người ta ngạt thở mà chết. Hơn cả căn bệnh thế kỷ, COVID-19 trở thành một nỗi ám ảnh”...

Với tác giả, những ngày cách ly đem lại cho cô khoảng lặng quý giá để chiêm nghiệm, học cách trân quý cuộc sống, cội nguồn và hạnh phúc. Lúc này, cô và mọi người dần học cách “sống chậm”, quan tâm, hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong đại dịch. Đôi khi chỉ một dòng tin nhắn hỏi han, động viên, người ta cũng thấy ấm lòng và như được truyền thêm sức mạnh. Hay chỉ khi thành phố nhộn nhịp trở nên vắng vẻ, mọi người ở yên trong nhà thì mới thấy trân quý những anh hùng thầm lặng, tiếp tục làm việc để duy trì sự sống, nhịp đập cho thành phố. Đó là những y bác sĩ, cảnh sát, nhân viên bán hàng, giao hàng, công nhân thu gom rác…

Những ngày này, Giáng Hương lại có dịp hướng về quê mẹ, với những ký ức đẹp đẽ ở đất nước hình chữ S và cả niềm tự hào khi đất nước nhỏ bé ấy lại là điển hình mà Pháp chú ý về những biện pháp chống dịch hiệu quả… Song song đó là câu chuyện phức tạp về khẩu trang ở Pháp. Để bài viết cuối cùng, tác giả hân hoan cùng bao người đi nhận khẩu trang của Chính phủ phát, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, thiếu thốn khẩu trang. Bên cạnh đó là niềm vui khi ngày dỡ bỏ lệnh cách ly đang tới gần…

Những ngày bất định của “Paris 55 ngày cấm túc” dần khép lại theo cuốn nhật ký, nhưng nó để lại những dấu ấn không thể nào quên không chỉ ở thủ đô nước Pháp mà còn của toàn thế giới.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết