Sau 9 tháng tạm dừng hoạt động, du lịch cồn Sơn vừa trở lại đón khách trong tháng 1 với các sản phẩm, dịch vụ được làm mới. Ðó là chương trình Ký ức Tết xưa mang đến cho du khách không gian Tết truyền thống ở miền quê Tây Nam Bộ.
Gói bánh tét ở nhà dì Tám.
Trong không khí se lạnh của những ngày tháng Chạp, chị Phan Thị Kim Hiện tất bật chuẩn bị cho công đoạn làm mứt Tết. Vừa nhóm lửa, sên mứt, chị Kim Hiện, nói: “Hồi xưa, mỗi khi Tết đến là các bà, cô dì, chị em... lại quây quần cùng nhau làm bánh mứt. Không khí đó vui và ấm cúng lắm. Thành thử mình nhớ mãi và cũng muốn tái hiện không khí đó để du khách trải nghiệm”. Ngày Tết ở quê thường đơn sơ, mộc mạc, những người phụ nữ trong gia đình hay tận dụng những thứ sẵn có trong vườn để làm những món ăn, bánh mứt thết đãi khách, làm quà cho trẻ nhỏ.
Chị Bùi Thúy Liễu, chủ vườn bưởi Phương My, vui vẻ nói: “Vườn bưởi năm nay rất sai trái, mấy trái bưởi đẹp thì bán cho khách tham quan, mua về chưng Tết. Còn mấy trái nhỏ với vỏ bưởi mình tận dụng làm mứt. Mứt bưởi ăn đỡ ngán lại tốt cho sức khỏe, lại tăng thêm trải nghiệm cho du khách”. Theo chị Thúy Liễu, giống bưởi ở vườn chị là bưởi thanh kiều, trái to, ngọt thanh. Bên cạnh bưởi Năm Roi, bưởi da xanh thì đây là giống bưởi ngon. Ðặc trưng của giống bưởi này là trồng 3-5 năm thì cho trái và trái thường rất to (3- 4kg/trái). Vỏ bưởi cũng không quá the nên chị Thúy Liễu thường tận dụng làm mứt. Mứt bưởi này làm theo công thức truyền thống nhưng có sự điều chỉnh để mứt tựa như được sấy dẻo, không quá khô giữ nguyên hương vị bưởi tự nhiên.
Trải nghiệm làm mứt Tết là một trong những hoạt động của chương trình tour Tết ở cồn Sơn. Theo đó, du khách sẽ làm các món mứt truyền thống: mứt dừa, mứt bưởi, kẹo chuối... cùng với người dân cồn Sơn, để qua đó trải nghiệm và gợi lại những ký ức không gian Tết quê truyền thống. Ký ức đó cũng trở nên sinh động hơn với trải nghiệm tát đìa ăn Tết. Ở các vùng quê Nam Bộ, tát đìa ăn Tết đã trở thành tập tục quen thuộc mỗi khi xuân về năm mới đến. Tuy nhiên, ngày nay ít nơi còn giữ sinh hoạt này bởi tác động từ nhịp sống hiện đại. Ở cồn Sơn, thông lệ này vẫn được gìn giữ và được tái hiện để du khách có thể trải nghiệm không khí tát đìa bắt cá. Sau khi trải nghiệm hoạt động này, chị Lê Thị Hồng Diễm (Bình Thủy), cho biết: “Lâu lắm rồi mới được nhìn thấy và trải nghiệm cảnh tát đìa ăn Tết. Hoạt động mang đến cho mình cảm giác rất là vui, nôn nao y như lúc nhỏ lắm lem, háo hức băng mình trong mương đìa tranh nhau tìm cá”. Thành phẩm thu được sẽ được chế biến thành các món ngon dân dã tại chỗ.
Bên cạnh đó, gói bánh tét là một hoạt động không thể thiếu của hành trình này. Mọi người cùng nhau quây quần gói bánh đón năm mới khi gặp gỡ gia đình của dì Bàn Thị Xiếu (còn gọi là dì Tám). Không chỉ là bánh tét gói theo vị truyền thống: nhưn chuối, đậu mỡ… mà dì Tám còn mang đến loại bánh đầy ý nghĩa, đó là bánh tét hoa mai nhưn sâm. Dì Tám chia sẻ: “Bánh này là một trong những món truyền thống lâu đời của gia đình dì. Hồi xưa cha dì được tặng mấy củ sâm, thấy quý và bổ dưỡng quá nên mới để nó vào trong bánh tét cúng ông bà. Ngoài đậu mỡ, dì có thêm thịt gà, hạt sen cho vị bánh mới mẻ hơn. Rồi giờ có màu vàng của hạt dành dành nên dì tạo hình hoa mai cho ý nghĩa ngày Tết sum vầy”. Câu chuyện về bánh tét hoa mai nhưn sâm và hành trình giữ nghề làm bánh của gia đình cũng sẽ được dì Tám chia sẻ với du khách trong quá trình gói bánh. Bánh sau khi gói sẽ được mang đi nấu và nếu du khách ở lại qua đêm sẽ cùng gia đình thức canh bánh để có thể trải nghiệm trọn vẹn không khí ấm cúng quây quần bên nồi bánh.
Làm mứt là một trong những trải nghiệm của chương trình Ký ức Tết xưa.
Chị Lê Thị Bé Bảy, tư vấn du lịch cồn Sơn, cho biết: “Hành trình trải nghiệm Tết quê này là sản phẩm mới khi cồn Sơn trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngưng vì dịch bệnh. Theo đó, chúng tôi có sản phẩm 1-2 ngày, tùy theo hành trình của du khách và các hoạt động sẽ được sắp xếp phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo có làm mứt, tát mương, thưởng thức bữa cơm Tết… Với sản phẩm này, chúng tôi cũng giới thiệu, kết nối với 4-5 đơn vị lữ hành. Dòng sản phẩm này được chúng tôi dành cho nhóm nhỏ 6-10 người, ưu tiên là các gia đình. Bởi chúng tôi muốn hướng tới những trải nghiệm sâu để mọi người có thể cảm nhận và sống dậy những ký ức về Tết quê ấm cúng”. Theo đó, bên cạnh các hoạt động trải nghiệm thì du khách còn thưởng thức mâm cơm Tết với những món ăn dân dã quen thuộc, như: cá nướng, bì cuốn, dưa chuối, thịt kho, cù lao…
Ký ức Tết xưa thoạt nhìn đơn giản chỉ là tái hiện là những hoạt động thường có mỗi khi Tết đến xuân về ở làng quê miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, những điều đơn giản đó dường như đã trở thành ký ức của nhiều người xa quê. Vậy nên trải nghiệm Tết quê không chỉ mang đến cho du khách sự trải nghiệm về văn hóa đặc trưng Nam Bộ mà còn là những phút giây lắng đọng cảm xúc, quây quần bên nhau ấm áp tình thân trong không khí Tết đang gần kề.
Bài, ảnh: ÁI LAM