09/10/2016 - 15:20

Trái cây rộng đường xuất khẩu

Ở miền Tây vừa qua mùa trái cây chín rộ, nhưng hiện nay một số địa phương nhà vườn giỏi chăm sóc cây cho trái nghịch vụ nên vẫn còn thu hoạch. Xoài cát Chu, Hòa Lộc… đang thu hoạch kéo dài đến tháng Chạp. Giữa mùa mưa trái ngon càng có giá cao, nhất là thị trường xuất khẩu hút hàng.

Thị trường mở 

Cuối mùa, sầu riêng Ri6 cho trái nghịch vụ thu hoạch, loại hàng lựa bán về Cần Thơ nhảy vọt giá từ 35.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg. Chôm chôm lúc vào mùa rộ chừng 10.000-11.000 đồng/kg, đến khi khan hàng hút hàng ở các chợ nội địa, nhà vườn bán trên 20.000 đồng/kg, nhưng không giữ được lâu do hàng cung không đều. Sau tháng 9, xoài Cao Lãnh ở Đồng Tháp cho trái chín, vào vụ thu hoạch dài đến tháng Chạp. Xoài bao trái (chống ruồi đục quả) vừa vào vụ thu hoạch giá cao, trên 35.000 đồng/kg. Nhiều vựa trái cây ở Đồng Tháp mở cửa thu mua trở lại.

Bà A Ra, một chủ vựa trái cây tại TP Cao Lãnh dự đoán: Từ nay đến Tết, trái cây sẽ còn hút hàng và tất nhiên giá cả cạnh tranh khó lường trước. Một mặt, do thị trường nội địa, hàng trái cây "chạy" về các tỉnh phía Bắc và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Mặt khác, cánh cửa xuất khẩu chính ngạch trái cây tươi, sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng đang được các nước Mỹ, Úc… đặt mua hàng. Do đó, hiện nay, theo quốc lộ 30 từ Đồng Tháp nối qua quốc lộ 1 về Tiền Giang xe tải vận chuyển hàng trái cây xuôi ngược liên tục. Tại Cao Lãnh có xoài cát Chu, Tiền Giang có xoài Hòa Lộc và có đợt thương nhân vùng biên Campuchia bán xoài về Cao Lãnh.

 Xoài Cao Lãnh Đồng Tháp.

Công ty Chế biến thực phẩm Việt Đức – nhà máy thu mua chế biến trái cây sấy dẻo (xoài, thanh long, đu đủ, khóm…) đặt tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đang tuyển thêm 100 công nhân đón thu mua xoài đang vào vụ thu hoạch. Công ty đã ký liên kết với nhà vườn trong vùng, chuẩn bị nguồn nguyên liệu xoài bao trái sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Võ Phát Triển, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm Việt Đức, cho biết: "Nhà vườn ở ĐBSCL đã biết cách chăm sóc cây cho trái ngon, ngọt và an toàn. Tôi đã gởi mẫu sản phẩm xoài sấy dẻo cho một số khách hàng kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu sang Đức, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc... Kết quả trái cây Việt đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường các nước này. Tôi không lo ngại chuyện cạnh tranh chất lượng sản phẩm cùng loại từ những nước  khác. Thị trường trái tươi-ngon-lành có dấu hiệu lạc quan".

Rộng đường nhưng phải đảm bảo an toàn

Những năm qua ngành hàng rau quả xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng liên tục. Ở các tỉnh phía Nam có nhiều giống trái cây ngon nổi tiếng, chủng loại đa dạng, sản lượng hàng hóa lớn. Những năm qua thanh long, chôm chôm, nhãn, vải… lần lượt xuất khẩu sang Mỹ. Thị trường xuất khẩu chính ngạch đã mở. Tuy vậy, hiện nay, số lượng hàng trái cây ngon xuất được vào thị trường cao cấp, khó tính vẫn chưa nhiều so với sản lượng trong vùng hơn 4,3 triệu tấn/năm.

Cty CBTP Việt Đức chế biến trái cây xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu ) ở Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhận định: Thị trường trái cây xuất khẩu đang tốt, mở ra nhiều cơ hội. Tiềm năng trái cây còn nhiều lắm, khi nước ta mở ngành hàng gì thì khách hàng ở các nước được thông tin và tự khắc sẽ tìm đến khảo sát, đo lường sản lượng trái cây trong vùng. Sản phẩm an toàn là tiêu chuẩn đầu tiên khi xuất khẩu. Tiêu chuẩn thị trường Mỹ hay EU và những nước khác đều cần sản xuất theo GlobalGAP hay VietGAP. Riêng thị trường Mỹ sẽ loại hẳn những loại trái cây sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm nằm ngoài danh sách cho phép sử dụng của Mỹ.

Sau thiên tai hạn và xâm nhập mặn, nhãn thất mùa nhưng lại bán được giá. Là 1 trong 4 doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Công ty Chánh Thu một tuần xuất nhãn đi Mỹ 50 tấn. Mùa này công ty làm hàng xoài và lần đầu tiên Chánh Thu xuất xoài đi Mỹ. Vừa qua một đoàn khách hàng từ thị trường Mỹ có đến tham quan tìm hiểu qui trình sản xuất trái vú sữa đạt tiêu chuẩn – một bước chuẩn bị cho mùa hàng năm tới.

"Tuy nhiên có thể rút ra rằng, cách làm hàng xuất khẩu của ta - một số doanh nghiệp, thương lái và nhà vườn chưa có sự liên kết tốt. Sau thanh long, chôm chôm, nhãn đã được Chánh Thu xuất qua Mỹ, kinh nghiệm cho thấy tự thân doanh nghiệp phải vận động để có nguồn hàng đạt tiêu chuẩn là phải cùng với nhà vườn chỉnh sửa lại qui trình sản xuất, chăm sóc để cây cho trái màu sắc tươi thắm, vị ngọt và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật", bà Nguyễn Thị Hồng Thu chia sẻ. Để tăng sản lượng trái ngon xuất khẩu, hiện nay Công ty Chánh Thu xây dựng vùng nguyên liệu mỗi loại trái cây an toàn trên 100ha. Trong đó, vườn chôm chôm (28ha) ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách – Bến Tre; vườn xoài ở Trà Vinh (32ha), vườn nhãn ở Mỹ Quý, huyện Cai Lậy và một điểm ở huyện Châu Thành - Tiền Giang. Các nhà vườn tham gia mô hình liên kết trồng trái cây sạch được tập huấn, kiểm tra, chứng nhận GlobalGAP. Khi tái chứng nhận lần đầu Công ty Chánh Thu lo 50% chi phí.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

TS Nguyễn Văn Hòa – Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

“Diện tích cây ăn quả nhiệt đới ở phía Nam có hơn 466.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Theo ước tính tổng dung lượng của thị trường rau quả thế giới hằng năm khoảng 240 triệu USD. Riêng 11 quốc gia thành viên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhập khẩu hàng rau củ quả hơn 50 tỉ USD/năm. Xuất khẩu rau quả Việt Nam (VN) còn quá khiêm tốn, chỉ chiếm 0,75% thị phần rau quả thế giới và 3,7% thị phần rau quả các quốc gia thành viên TPP. Năm 2015 rau quả VN đã xuất khẩu vào trên 50 thị trường và đã thâm nhập vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Tuy nhiên từ cuối năm 2015 khi hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN ngành rau quả VN đứng trước cạnh tranh rất mạnh từ các nước Thái Lan, Indonesia, Myanmar… vì các nước này có cùng chủng loại hàng với VN”.

Chia sẻ bài viết