27/11/2013 - 22:39

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B.Shear:

TPP hứa hẹn mang lại lợi ích kinh tế cho vùng ĐBSCL

Mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B.Shear đã đến thăm và có buổi nói chuyện về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) tại Trường Đại học Cần Thơ. Ngài Đại sứ David B.Shear cho biết về những lợi ích mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng khi TPP được ký kết:

- Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 quốc gia khác đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ với những chuẩn mực cao, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP vào cuối năm nay. TPP là một phần của mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mang đến cơ hội to lớn để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế giữa hai nước. TPP hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia thành viên, trong đó mang nhiều lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Tham gia TPP là nhất quán với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập.

Xuất khẩu thủy sản là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL cần phát huy trong thời gian tới. Ảnh: TUYẾT TRINH

Một khi TPP được ký kết, ngay lập tức sẽ gửi đi một tín hiệu tích cực đến cộng đồng đầu tư quốc tế và cải thiện độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Ngay bây giờ, trong giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán TPP, cảm nhận về thị trường kinh doanh tại Việt Nam của nhà đầu tư cũng tốt hơn. Mong chờ TPP trong tương lai gần, các nhà đầu tư khắp khu vực đang tích cực thăm dò những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Tháng 8-2013, hơn 30 lãnh đạo cao cấp của các Tập đoàn từ Hong Kong đã sang Việt Nam để tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu và khai thác những lợi thế TPP sẽ mang lại. Ngoài ra, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ việc mở rộng cửa vào thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác vì TPP sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của Việt Nam. Trong những năm đầu khi tham gia TPP, dự kiến sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 37%, GDP tăng 10-11%/năm. Dệt may, da giày Việt Nam hiện đang có lợi thế cạnh tranh, tương lai sẽ tăng xuất khẩu và thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. So với các vùng khác, ĐBSCL có diện tích rộng lớn và đóng góp to lớn vào kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là xuất khẩu nông – thủy sản. Thương mại song phương giữa Việt - Mỹ năm 2012 hơn 25 tỉ USD, trong đó, hơn 4 tỉ USD là nông sản, 1 tỉ USD là thủy sản. Mức độ mở cửa thị trường cho nông - thủy sản từ Việt Nam vào Mỹ phụ thuộc vào cánh cửa mở cho hàng của Mỹ vào Việt Nam. Vì vậy, sau khi ký kết TPP, khu vực ĐBSCL sẽ tiếp tục duy trì ưu thế xuất khẩu nông – thủy sản vào Hoa Kỳ cũng như các nước khác.

Về lợi ích dài hạn, Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong khu vực và trên toàn cầu. Các chính sách quốc gia làm nền tảng cho việc phát triển một "nền kinh tế tri thức" sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Phát minh sáng tạo sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng tốt hơn; đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để chuyển lên những giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn, trong nông nghiệp – một lĩnh vực quan trọng đối với kinh tế vùng ĐBSCL, TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại hơn. Vì vậy sẽ giúp hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, tăng tính hiệu quả và lợi nhuận. Qua đó góp phần củng cố và khẳng định vai trò đóng góp của Việt Nam bảo vệ an ninh lương thực trong khu vực. Song song đó, TPP sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm và phát triển sản xuất thực phẩm chế biến. Ngoài ra, các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng. Đồng thời, TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn. Đây chính là những điều kiện cần để Việt Nam tiếp tục tiến trình hiện đại hóa.

Để tăng ưu thế vốn có, ĐBSCL cần đầu tư nâng cao nguồn nhân lực. Cụ thể, các trường đại học trong khu vực tham gia liên minh giáo dục đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ là ví dụ điển hình khi đang tham gia Liên minh Giáo dục Đại học và Cao đẳng các ngành Kỹ thuật (HEEAP). Chương trình với mục đích cải tiến giáo dục kỹ thuật và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao tại Việt Nam. Một khi có nhiều chương trình liên minh sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư khi họ thấy rõ năng lực về lĩnh vực kỹ thuật. Đồng thời cần đầu tư thiết bị, công nghệ sinh học trong nông nghiệp canh tác tốt hơn; gia tăng xuất khẩu nông – thủy sản để tăng khả năng cạnh tranh…

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng các thị trường trong nước cần thêm thời gian để phát triển do e ngại sự cạnh tranh khi tự do thương mại. Song, qua thực tế lịch sử, khi Hoa Kỳ hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, trong thập niên đầu lượng hàng hóa nông nghiệp từ Mexico xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi. Tự do thương mại hóa sẽ mang lại những thay đổi không ngờ, nền kinh tế năng động hơn. Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công là khả năng thích nghi và phát minh sáng tạo của một quốc gia.

T.Trinh (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết