14/06/2010 - 21:13

TP Cần Thơ sản xuất lúa hàng hóa theo hướng nào ?

Giống lúa trồng khảo nghiệm tại Viện Lúa ĐBSCL, nhằm chọn ra các giống lúa mới có chất lượng tốt cung ứng cho các địa phương trong vùng.

Ngày 11-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất lúa năm 2010 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông năm 2010 (còn gọi là lúa vụ 3). Với định hướng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm theo hướng bền vững, cho thấy quá trình sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn thành phố ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, năm nay ngành nông nghiệp thành phố đã xác định đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông để tạo ra thêm một sản lượng lớn lúa hàng hóa, góp phần tạo thêm thu nhập cho người nông dân và bổ sung lúa cho xuất khẩu...

* Tập trung sản xuất lúa chất lượng cao

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 2 vụ lúa được gieo sạ và thu hoạch. Trong đó, vụ lúa đông xuân 2009-2010 thành phố đã gieo sạ được 89.673 ha, thu hoạch đạt năng suất 7,25 tấn/ha (tăng 7,22% so với vụ đông xuân 2008-2009), tổng sản lượng đạt hơn 650.472 tấn (tăng 44.032 tấn so với vụ đông xuân 2008-2009). Và vụ hè thu, toàn thành phố gieo sạ được 83.453 ha, tính đến ngày 10-6 đã thu hoạch được hơn 2.000 ha, ước năng suất bình quân đạt 4,24 tấn/ha; diện tích còn lại lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ, chắc xanh và giai đoạn chín...

Điểm nổi bật của 2 vụ lúa trên là diện tích gieo sạ lúa chất lượng thấp (IR 50404, OM 576...) không nhiều và chủ yếu nông dân thành phố gieo sạ các loại giống lúa chất lượng cao và lúa thơm dễ tiêu thụ hơn. Theo đó, vụ đông xuân 2009-2010 các giống lúa gieo sạ phổ biến như sau: Jasmine 85 với 21.174 ha (chiếm 23,64% diện tích gieo sạ toàn thành phố), OM 2517: 11.346 ha (chiếm 12,67%), OM 4218: 7.615 ha (chiếm 8,5%), IR 50404: 20.113 ha (chiếm 22,46%), còn lại là các giống khác... Còn vụ hè thu có các giống lúa gieo sạ phổ biến là: OM 4218: 22.374 ha (chiếm 27,04%), OM 2517: 11.603 ha (chiếm 14,02%), OM 1490: 10.532 ha (chiếm 12,73%), Jasmine 85: 5.773 ha (chiếm 6,98%), IR 50404: 14.876 ha (chiếm 17,98%)...

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong vụ lúa đông xuân 2009-2010, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp chế biến lương thực đã tổ chức mua hết lúa hàng hóa cho nông dân theo giá được cấp thẩm quyền công bố, nhằm đảm bảo cho người trồng lúa có lãi ít nhất 30% trên giá thành sản xuất. Nhờ vậy, đầu ra lúa đông xuân 2009-2010 trên địa bàn thành phố tương đối đảm bảo mặc dù thị trường xuất khẩu gạo vào thời điểm này gặp khó khăn. Ngoài ra, việc nông dân TP Cần Thơ tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm nên đầu ra cho lúa đông xuân cũng thuận lợi hơn. Theo tính toán của ngành chức năng, lúa đông xuân 2009-2010 trên địa bàn TP Cần Thơ có giá thành sản xuất khoảng 2.705 đồng/kg, trong khi giá lúa trên thị trường vụ đông xuân với lúa thường là 3.800-4.200 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.000-4.300 đồng/kg, lúa thơm (Jasmine 85) 4.900-5.000 đồng/kg...

Trong 2 vụ lúa vừa qua, ngành nông nghiệp thành phố cũng đã tập trung hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa như: kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn theo hướng GAP, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh... Những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đã giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra nông sản có chất lượng và an toàn...

* Có thêm một vụ lúa chính trong năm

Bà Ngô Hồng Yến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Những năm trước đây, nhiều địa phương của thành phố ít quan tâm đến vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) và chủ yếu để nông dân canh tác một cách tự phát. Nhưng năm nay, lúa thu đông được xem là một trong 3 vụ lúa chính trong năm. Bộ NN&PTNT đã chính thức công nhận vụ lúa thu đông là vụ lúa chính, quan trọng ngang bằng với vụ lúa đông xuân và hè thu. Đã có sự chỉ đạo từ Trung ương, do đó TP Cần Thơ cần phải có giải pháp và kế hoạch chỉ đạo sản xuất vụ lúa thu đông năm 2010 thật chu đáo, với mục tiêu xuống giống vụ này phải ăn chắc...”.

Ngày 11-6, Sở NN&PTNT đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa thu đông năm 2010 cho phòng kinh tế và phòng nông nghiệp các quận, huyện. Ngành nông nghiệp thành phố dự kiến xuống giống vụ lúa thu đông năm nay với diện tích khoảng 34.000 ha. Còn Bộ NN&PTNT giao chỉ tiêu kế hoạch cho ngành nông nghiệp thành phố vụ thu đông năm nay xuống giống 45.000 ha. Sở NN&PTNT yêu cầu các quận, huyện triển khai xuống giống vụ lúa thu đông phải tập trung, kết hợp lịch né rầy và điều kiện thủy văn, tránh lũ cuối vụ. Dự kiến lịch xuống giống chia là 2 đợt (đợt 1: từ ngày 27-6 đến 2-7; đợt 2: từ 25 đến 31-7). Ngoài ra, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tiếp tục sử dụng các giống lúa chất lượng cao để gieo sạ và hạn chế thấp nhất việc canh tác giống lúa IR 50404 và OM 576 (khống chế dưới 15% diện tích gieo sạ). Các địa phương cũng cần có kế hoạch tăng cường đầu tư nạo vét, gia cố, đắp bờ bao các công trình thủy lợi đã xuống cấp nhằm đảm bảo chủ động tưới tiêu cho lúa thu đông... Bênh cạnh triển khai kế hoạch xuống giống vụ thu đông, các địa phương phải tập trung chăm sóc diện tích lúa hè thu hiện nay chưa thu hoạch dứt điểm.

Ngành nông nghiệp thành phố còn đề ra một số giải pháp sản xuất lúa cho năm 2010 và những năm tiếp theo. Theo đó, ngành sẽ tiếp tục triển khai rà soát và xây dựng mô hình sản xuất lúa theo VietGap, Global Gap, trước mắt tập huấn cho nông dân ghi chép sổ tay sản xuất lúa, phấn đấu trong năm 2010 có 30% nông dân thành phố sản xuất lúa có sổ tay ghi chép, năm 2011 tăng lên 40% và năm 2012 là 50%. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu lúa trên cơ sở liên kết “4 nhà” từ mô hình sản xuất lúa theo hướng GAP, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa để giảm giá thành và tăng chất lượng lúa hàng hóa nhằm chủ động cạnh tranh trong việc tiêu thụ lúa trên thị trường xuất khẩu trong tương lai, cũng như hướng đến sản xuất lúa theo hướng bền vững...

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp và nông dân TP Cần Thơ còn tập trung sản xuất lúa giống chất lượng để phục vụ cho sản xuất của thành phố cũng như Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là định hướng sản xuất lúa lâu dài của thành phố nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, bởi vì giá lúa giống trên thị trường cao hơn giá lúa ngang. Trong khi đó, TP Cần Thơ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất lúa giống, nhất là trên địa bàn có Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chuyên nghiên cứu, lai tạo và cung ứng các giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao để TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhân giống, đáp ứng cho sản xuất lúa đại trà trong vùng...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết