Theo Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp, phạm vi tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ khá toàn diện, bao quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Một số nội dung tổng kết chính là: Phân công quyền lực của Nhà nước; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; Kỹ thuật lập hiến. Quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp góp phần làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn cho sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ban Chỉ đạo đã đề nghị một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó cần tập trung vào nội dung đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước; kế thừa những nhân tố hợp lý trong tổ chức quyền lực, phân công quyền lực của Hiến pháp năm 1992; đổi mới phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
* Đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước
Hiến pháp là văn bản mang tính chính trị pháp lý quan trọng của đất nước, trước hết là về tổ chức quyền lực nhà nước. Trong lần sửa đổi năm 2001, Hiến pháp năm 1992 ghi nhận nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 2. Tuy nhiên, nguyên tắc này lại chưa được thể hiện đầy đủ và nhất quán trong các chương, điều của Hiến pháp. Hiến pháp chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp. Do đó, các quy định về vị trí, chức năng và mối quan hệ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước cũng chưa thật sự rõ ràng, rành mạch.
Quá trình tổng kết Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ cho thấy, hạn chế, bất cập này đã gây vướng mắc, cản trở việc thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần tập trung vào nội dung trọng tâm là đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; trong đó cần kế thừa những nhân tố hợp lý trong tổ chức quyền lực, phân công quyền lực của Hiến pháp năm 1992; đổi mới sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
* Phân biệt quyền con người và quyền công dân
Hiến pháp là đạo luật cơ bản ghi nhận và bảo đảm các quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 1992 đã dành Chương V gồm 34 điều quy định về các nguyên tắc cơ bản và các nội dung cụ thể về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên các lĩnh vực; ghi nhận đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người và công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Qua tổng kết cho thấy, cách thể hiện tại nhiều quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân còn chưa khoa học, chưa thể hiện đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Hiến pháp cũng chưa có sự phân biệt giữa quyền công dân và quyền con người. Việc quy định nhiều quyền công dân được thực hiện “theo quy định pháp luật” đã gây khó khăn cho việc giải thích, xây dựng và thực thi các biện pháp bảo quyền công dân. Mặt khác cũng khó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc tôn trọng và đảm bảo các quyền công dân. Đây cũng là một trong những vấn đề trọng tâm cần có sự nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm bảo đảm hơn nữa việc thực thi các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Theo đó, cần làm rõ, phân biệt quyền con người và quyền công dân; quyền công dân chỉ nên bị hạn chế bởi luật do Quốc hội ban hành; Hiến pháp chỉ nên quy định những quyền cơ bản của công dân, của con người.
* Phân biệt mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn
Thực hiện quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND đã dần đi vào ổn định, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Qua quá trình thực hiện Hiến pháp năm 1992 cho thấy, vị trí của HĐND, UBND chưa được xác định rõ, dẫn đến khó khăn cho Chính phủ trong việc chỉ đạo, đôn đốc HĐND tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; phạm vi hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ đối với hoạt động của HĐND còn hạn hẹp; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với chính quyền địa phương trong việc phê chuẩn các chức danh bầu cử còn mang tính hình thức và thiếu hướng dẫn thực hiện; thiếu cơ chế kiểm soát của Chính phủ đối với hoạt động của chính quyền các cấp. Hiến pháp quy định còn trùng lắp về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND với mô hình tổ chức rập khuôn ở tất cả các cấp là chưa hợp lý. Do chưa có quy định về cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; chưa có sự phân biệt về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị và nông thôn nên vai trò tự chủ của chính quyền địa phương chưa được phát huy.
Để phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hiến pháp cần quy định rõ chính quyền địa phương vừa tổ chức thực hiện văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, vừa thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi những lĩnh vực được phân cấp, phân quyền. Hiến pháp cũng cần phân biệt mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, một số đạo luật sẽ cụ thể hóa tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương.
* Điều chỉnh các vấn đề có tính nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước
Kết quả tổng kết cho thấy, Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, thiếu nhiều đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong điều kiện đó, Hiến pháp đã phải làm thay nhiệm vụ của các đạo luật thông thường, nhất là về kinh tế, xã hội. Các quy định quá cụ thể đã làm cho một số nội dung của Hiến pháp nhanh chóng lạc hậu với thời gian, không phù hợp với bản chất của một bản Hiến pháp với vai trò là đạo luật gốc, đồng thời cũng làm suy giảm vị trí tối thượng của Hiến pháp.
Trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống pháp luật của nước ta về cơ bản đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh ngày càng sâu rộng các quan hệ phát sinh trong xã hội và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện thì cần thiết thay đổi cách xây dựng Hiến pháp để bảo đảm Hiến pháp đúng nghĩa là một đạo luật gốc, có tính ổn định lâu dài. Theo đó, nội dung của Hiến pháp chỉ nên tập trung ở các chế định cơ bản, điều chỉnh các vấn đề có tính nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước, quy định chức năng cơ bản của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, của hệ thống cơ quan nhà nước và mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
QUỲNH HOA (TTXVN)