23/01/2014 - 21:48

Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2014

Tôn vinh văn hóa ẩm thực phương Nam

Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2014 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức đã khai mạc vào tối 23-1, mở đầu cho hàng loạt hoạt động, chương trình tôn vinh giá trị món ngon dân dã đất phương Nam. Chuyện bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian cũng được trao đổi, nhằm tìm hướng đi mới cho ẩm thực Nam bộ.

Chương trình diễn ra đến ngày 25-1 tại Nhà hàng Phố Biển, cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Gian hàng bánh tét Cần Thơ. 

Ngày hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 3 không chỉ mở rộng quy mô gian hàng mà còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút khách tham quan. Ngày hội đã giới thiệu và trình diễn hơn 100 loại bánh đặc trưng của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm ở Nam bộ.

Khai hội từ 15 giờ, nhưng khu ẩm thực Hoa sứ (nhà hàng Phố Biển) đã tấp nập người xem từ lúc xế trưa. Các gian hàng trình diễn chế biến bánh dân gian là những mái lá đơn sơ, mộc mạc. Bước vào khuôn viên, người xem thích thú bởi không khí đồng quê Nam bộ được tái hiện: đống rơm, ao sen, giếng nước, chiếc cầu khỉ lắc lay, xa xa là hình ảnh các bà các chị đang khéo léo đổ bánh xèo, gói bánh tét, sực nức mùi thơm. Đó là những lời mời gọi không lời nhưng lại dễ níu chân du khách dừng lại để nếm thử vị ngon của xứ sở phù sa sông nước.

Điểm nhấn của ngày hội là chương trình khai mạc với chủ đề “Hương vị xuân phương Nam” mang đậm bản sắc Nam bộ. Chương trình thu hút người xem bằng sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật diễn xướng dân gian: hò, vè với ca nhạc, tiểu phẩm. Thật thú vị khi hai em thiếu nhi mở màn chương trình bằng tiết mục đọc bài vè về các loại bánh và hát “Lý Dĩa bánh bò” với giai điệu vui tươi, dí dỏm. Hình ảnh những chiếc xuồng bán bánh, bán chè ở chợ nổi - đặc trưng của miền sông nước - cũng được tái hiện khéo léo trên sân khấu. Đâu đó tiếng cô gái cất tiếng rao nghe ngọt lịm: “Ai ăn chè đậu xanh nước cốt dừa đường cát hôn?”; xa xa lại là: “Ai ăn bánh tét lá cẩm Cần Thơ hôn?”, “Ai ăn bánh bò hôn?”… hòa cùng tiếng máy chạy, tiếng người mua - người bán lao xao. Dứt tiếng rao, khách “tấp” ghe vào mua, vừa ăn bánh ngon, chè ngọt, vừa giao lưu với khách thương hồ…Chương trình khai mạc còn dành phần lớn để nói về “Những chiếc bánh kết đoàn” - bản sắc và hài hòa của ẩm thực 4 dân tộc: người Kinh với đặc trưng bánh tét, người Hoa với bánh tổ, người Khmer với tiếng quết cốm dẹp vang vọng phum sóc và dĩa bánh gừng của người Chăm vừa ngọt dịu vừa ấm lòng thực khách…

* * *

Có lẽ, khó tìm ở đâu cơ hội chiêm ngưỡng tài khéo léo của các nghệ nhân và được thưởng thức hàng trăm loại bánh như ở Ngày hội bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ. Ngoài những món bánh phổ biến trong đời sống như: bánh xèo, bánh tét, bánh ít..., ngày hội đã mang đến những loại bánh rất hiếm gặp hiện nay như: bánh đúc chấm nước đường, bánh lọt chà, bánh hồng đào…Như tên gọi, bánh dân gian Nam bộ xuất phát từ đời sống dân gian, hình thành phát triển từ thuở khai hoang mở cõi vùng đất này. Với sự phong phú của thiên nhiên “cá nước chim trời”, “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” và tâm hồn con người cởi mở, phóng khoáng, đã có hàng trăm loại bánh dân gian ra đời trong quá trình sinh sống và cộng cư của các dân tộc ở Nam bộ. Điều đó còn chứng tỏ sự tài hoa khéo léo của người Nam bộ. Đơn cử như món chè đã có trên 30 chủng loại, bánh tét cũng có hàng chục thứ nhân và cách chế biến… Bạn Nguyễn Mạnh Hiển, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, hào hứng: “Từ đó giờ nghe câu ca dao: “Mấy đời bánh đúc có xương…” mà em đâu có biết bánh đúc. Bữa nay được ăn, thấy ngon, hấp dẫn và đúng là… “không xương” thiệt!”.

Qua hơn 100 loại bánh trình diễn tại ngày hội, có thể thấy rằng, bánh dân gian Nam bộ mang đậm chất văn minh lúa nước và kinh tế nông nghiệp đặc thù. Hầu hết bánh dân gian đều được làm từ gạo nếp, có sự hài hòa giữa gạo, nếp, nước và các nông sản có sẵn ở địa phương. Ngoài mục đích “để ăn”, nhiều loại bánh dân gian Nam bộ đã gắn liền với đời sống văn hóa của người dân, là những vật phẩm trong đời sống tâm linh. Điều đó thể hiện sự “thảo ăn”, kính trọng ông bà, nhớ ơn người quá cố của cư dân Nam bộ. Điển hình như lễ hội Cúng Trăng của dân tộc Khmer không thể thiếu cốm dẹp. Đút cốm dẹp là nghi thức quan trọng, cầu mưa thuận gió hòa và những điều tốt lành. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Kinh mà thiếu đòn bánh tét thì hương xuân thiếu đậm đà... Nghệ nhân Neang Mai, đến từ tỉnh An Giang, khéo léo gói bánh Ka Tom bằng lá thốt nốt giống như chiếc lồng đèn, rất đẹp mắt, cho biết: “Người Khmer có nhiều loại bánh không thể không có trong các dịp lễ hội, ngày Tết, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa của dân tộc chúng tôi”.

Ngày hội bánh dân gian Nam bộ tại Cần Thơ còn mang ý nghĩa hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sự phát triển công nghiệp hiện đại, xuất hiện ngày càng nhiều hàng ngoại nhập kém chất lượng, sử dụng phẩm màu, hóa chất độc hại, thì truyền thống dùng bánh dân gian trong các dịp lễ Tết cần thiết được giữ gìn và phát huy. Tham gia ngày hội với tư cách là Đại sứ Hàng Việt, Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân cho biết: “Ngày hội ngoài ý nghĩa tôn vinh bánh dân gian và người làm bánh còn tuyên truyền, bảo tồn và quảng bá hàng Việt, thương hiệu Việt đến người tiêu dùng. Bắt nguồn từ những món ăn, thực phẩm, người tiêu dùng sẽ ý thức hơn về sử dụng hàng Việt”.

Ngoài ra, những hoạt động bên lề tại ngày hội bánh dân gian như: trò chơi dân gian, biểu diễn các hoạt động truyền thống như: đờn ca tài tử, thắt lá dừa, viết thư pháp…đã tạo không khí rộn ràng của hội hè, lễ Tết. Đặc biệt, các cuộc thi: đánh bột bánh bông lan, nạo dừa, xay bột làm bánh, ăn bánh bò… sẽ là những trải nghiệm thú vị cho khách tham quan những ngày cận Tết.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Bánh Ka Tom của người Khmer An Giang.

Hôm nay, 24-1, trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra Hội thảo “Bảo tồn và phát huy bánh dân gian Nam bộ” (buổi chiều). 13 tham luận của 12 tác giả sẽ ghi nhận các giá trị của bánh dân gian Nam bộ và biện pháp bảo tồn, phát huy trong xu hướng kinh tế thị trường. Tối cùng ngày, 19 giờ 30 phút, chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa với chủ đề: “Thắm tình xuân bên dòng sông Hậu” giới thiệu những tiết mục đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm ở ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết