Theo các chuyên gia, cuối năm là thời điểm doanh nghiệp (DN) cần phải cải thiện dòng tiền ngắn hạn và đầu tư vào các giải pháp dài hạn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Quản lý tốt dòng tiền không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, giảm các rủi ro trong kinh doanh mà còn giúp DN tiến xa hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ động quản lý dòng tiền
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng, Giảng viên Bộ môn Kiểm toán tài chính Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), cho biết, dòng tiền là yếu tố quyết định sự sống còn của DN. DN nhỏ và vừa của Việt Nam nguồn lực hạn chế, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Khi thị trường ổn định, DN có dòng tiền ổn định nhưng khi thị trường biến động, DN cần phải đảm bảo có nguồn tiền mặt để trang trải các khoản nợ. Bởi thực tế là khi DN bán chịu, khách hàng rất hưởng ứng nhưng khi thu nợ không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng thanh toán. Do đó, DN phải giám sát các khoản phải thu để tránh nợ xấu. Muốn làm được điều này thì phải quản lý các khoản phải trả hiệu quả, quản lý tiền mặt để đảm bảo có đủ thanh khoản khi thị trường biến động. DN có thể chủ động xây dựng chính sách tín dụng rõ ràng với khách hàng; kiểm tra tín dụng khách hàng, khuyến khích khách hàng thanh toán sớm kèm với chiết khấu thanh toán, linh hoạt, phù hợp với đối tượng khách hàng của DN; hoàn thiện quy trình thu hồi nợ và giảm thiểu công nợ khó đòi; quản lý chặt chẽ các khoản phải thu trong kỳ báo cáo.
Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ tập trung cho các đơn hàng xuất khẩu gạo cuối năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng, ngoài quản lý dòng tiền, DN cũng phải chủ động quản lý hàng tồn kho; chuyển từ tồn kho thụ động sang quản lý theo nhu cầu thực tế, tối ưu hóa lượng hàng tồn kho để tránh chi phí lưu kho cao; cải thiện chuỗi cung ứng và giảm thời gian giao hàng. DN cũng cần tối ưu hóa chi tiêu, đảm bảo chi tiêu vào các hoạt động sản xuất và dịch vụ sinh lợi; cắt giảm các chi phí không mang lại giá trị, các khoản chi không thiết yếu và lập kế hoạch chi tiêu để tránh tình trạng thiếu hụt ngân sách.
Ông Hoàng Quốc Anh, Phó Tổng Thư ký Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị DN Việt Nam, cho biết, người tiêu dùng và nhà đầu tư đang yêu cầu nhiều hơn từ DN khi đòi hỏi sản phẩm phải xanh hơn, bền vững hơn. Vì vậy, DN cần phải đưa ra sản phẩm phù hợp, cân đối lợi nhuận mà vẫn đảm bảo trách nhiệm xã hội và đáp ứng yêu cầu về môi trường. Ngành tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và là nguồn sống của nền kinh tế, tài trợ vốn cho DN, cho những dự án có ảnh hưởng tích cực về môi trường, xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững. Hiện nay, các dự án về năng lượng tái tạo được các quỹ đầu tư trên thế giới quan tâm tài trợ. Các định chế tài chính cũng chủ động quản lý rủi ro về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) thông qua các báo cáo, sáng kiến hợp tác, phát triển công cụ tài chính… Và có những ngân hàng từ chối cấp vốn cho các dự án có khả năng gây hại đến môi trường, để đảm bảo danh tiếng và lợi ích lâu dài của ngân hàng... Vì lẽ đó, DN đang đứng trước sức ép về chuyển đổi ESG.
Tối ưu nguồn lực để phát triển dài hạn
Các chuyên gia cho rằng, DN cần đầu tư theo ESG, đầu tư xanh, bền vững được xem là dạng đầu tư dài hạn. Theo ông Hoàng Quốc Anh, DN gặp một số rào cản khi đầu tư xanh, do cân nhắc giữa yếu tố lợi nhuận và phát triển bền vững. Bởi đầu tư cho ESG không thể nhìn thấy ngay lợi nhuận. Có nhiều DN mâu thuẫn giữa lựa chọn giảm phát thải carbon với lợi ích về mặt tài chính trong ngắn hạn, lựa chọn việc cân bằng giữa hiệu quả tài chính ngắn hạn và tác động tài chính dài hạn. Hiện các nước còn thiếu sự đồng thuận về định nghĩa các hoạt động xanh, bền vững, khung pháp lý về ESG còn hạn chế, chưa có chế tài, thúc ép nên các nhà đầu tư chưa có động lực để có những hành động về phát triển bền vững. Tuy nhiên theo xu hướng thế giới, DN cần chuyển đổi mô hình tài chính hướng đến phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Hoàng Quốc Anh cho rằng, DN có thể nhắm vào phân khúc những người tiêu dùng có thu nhập cao, quan tâm đến các vấn đề về môi trường, minh bạch về chứng nhận xanh cho sản phẩm để chuyển đổi ESG. Đồng thời, DN cần hướng đến khách hàng sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm xanh và xem xét yếu tố lợi nhuận có thể bù đắp được cho quá trình đầu tư xanh này hay không. DN cũng có thể chia sẻ lợi ích từ khoản chênh lệch xanh công bằng với nhà cung cấp để thúc đẩy tính bền vững từ gốc. Và điều tối quan trọng là DN phải xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng bằng cách tăng cường sự minh bạch cho sản phẩm.
Theo các chuyên gia, các DN nhỏ và vừa thường thiếu hệ thống quản trị chuyên nghiệp, việc phân bổ nguồn lực chưa hiệu quả, nên thiếu kế hoạch chi tiết để ứng phó với các rủi ro kinh doanh, biến động thị trường, những thay đổi chính sách. Trong khi yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi DN cần tối ưu hóa mọi nguồn lực trong mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, giai đoạn cuối năm là giai đoạn có nhiều sự tăng trưởng đột biến liên quan tới bán hàng của DN. Việc tăng trưởng này cũng dẫn đến việc huy động các nguồn lực cuối năm của DN gần như đạt mức tối đa. Thu và chi, dòng tiền vào và dòng tiền ra giai đoạn này có sự biến động rất lớn, đặc biệt là các DN tập trung sản xuất cho thị trường trong nước. Nhưng nếu chỉ nhìn vào giai đoạn cuối năm có sự tăng trưởng đột biến để xây dựng một kế hoạch tăng trưởng ổn định sẽ không hợp lý mà phải xem xét trong khoảng thời gian dài. Giai đoạn cuối năm chỉ là bước đệm. Vì vậy, các DN cần lưu ý kiểm soát tốt công nợ để không bị nợ đọng, tạo tiền đề cho sự phát triển tốt hơn của năm tiếp theo. Đồng thời khi xây dựng một chiến lược phát triển, DN phải xem xét cơ hội tăng trưởng trong một thời gian dài.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN