05/02/2008 - 17:33

GS-TS Trần Văn Khê:

"Tôi sẽ tìm hình thức phù hợp để giới thiệu ca nhạc tài tử miền Nam với UNESCO và thế giới"

 

Xuân Mậu Tý 2008, GS-TS Trần Văn Khê đã bước vào tuổi 88. Hơn 50 mùa xuân ăn Tết ở xứ người, trong lòng vị giáo sư đã dành trọn cả đời cho âm nhạc dân tộc vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ nhà. Ông tâm sự: “Sáng mùng một, tôi ăn mặc quần áo chỉnh tề, nhắm về hướng Đông là hướng nước Việt, đi đủ 100 bước rồi quay lại tự xông nhà của mình… Thiếu quê hương làm day dứt lòng nhiều người Việt sống ở nước ngoài, hàng ngày hàng tháng, nhất là khi xuân về. Quê hương tuy gần trong tâm khảm nhưng xa trong không gian, nghe chừng như xa lắm, bạn ơi!...”.

Đã hai cái Tết trôi qua, trong ngôi nhà số 32 đường Huỳnh Đình Hai, phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, GS-TS Trần Văn Khê thanh thản cảm nhận niềm vui của mùa xuân đất nước, niềm vui của một chiếc lá được về với cội.

Trong niềm vui đó, ông đã chia sẻ tâm tình với Báo Cần Thơ.

- Cứ mỗi dịp xuân về, tôi lại nhớ đến những buổi “khai đờn” của gia đình tôi tại làng quê Vĩnh Kim vào mùng 2 Tết hàng năm. Buổi khai đờn này là một nét đẹp truyền thống mang đậm tính văn hóa dân tộc mà tiếc thay nhiều năm nay chúng tôi không còn duy trì được nữa. Tuy nhiên, hơn 50 năm qua, tôi vẫn giữ thói quen lau chùi những cây đờn của mình trong ngày 30 Tết, sáng mùng một lên dây cho đúng cung bậc, đàn mỗi cây vài phút, dạo qua hơi Xuân cho Tết thêm rộn ràng, đầm ấm.

* Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa của việc “khai đờn” đầu năm?

- Tôi luôn coi những cây đờn như những người bạn thân thiết của mình. Sáng đầu năm, tôi muốn những cây đờn lên tiếng tâm tình chia sẻ cùng tôi. Đó cũng là tình cảm của tôi đối với quê nhà và âm nhạc dân tộc. Tới đây, tôi sẽ tìm hình thức phù hợp để giới thiệu ca nhạc Tài tử miền Nam với UNESCO và thế giới.

* Thưa Giáo sư, đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương (SKCL) lâu nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đa số người dân Nam bộ. Giáo sư có thể cho độc giả Báo Cần Thơ biết rõ hơn mối quan hệ giữa hai loại hình nghệ thuật này?

- ĐCTT xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Còn sân khấu cải lương mới ra đời từ những năm 1918- 1920. Theo một số nhà nghiên cứu, tiền thân của cải lương là “ca ra bộ” trên cái nền ĐCTT. Năm 1917, tại nhà ông Cai tổng Tống Hữu Định ở Vĩnh Long khi diễn tích Bùi Kiệm thi rớt trở về, cô Ba Định trong vai Nguyệt Nga, ông giáo Diệp Minh Ký - vai Bùi Kiệm, ông giáo Du - vai Bùi Ông, vừa ca bài Tứ đại oán vừa ra bộ. Từ đó sanh ra loại “Ca ra bộ” rồi sau trở thành hát cải lương.

Theo tài liệu của cháu Mai Mỹ Duyên, Trưởng phòng nghiên cứu của Sở Văn hóa Thông tin Tiền Giang, “Ca ra bộ” do nhạc sư Nguyễn Tống Triều (ông Tư Triều) tại Cái Thia chế ra từ năm 1916.

Những bài ca trong cải lương đều được đặt theo những bản nhạc trong ĐCTT, nhưng thường thì trích đoạn chứ không phải nguyên bài. Các hơi và điệu thức trong Đờn ca tài tử như hơi Bắc, hơi Quảng, hơi Xuân, hơi Ai, hơi Đảo, hơi Oán và nhiều nhất là bài Vọng cổ đều được dùng trong bài bản cải lương.

* Nhiều người cho rằng sân khấu cải lương những năm gần đây đang xuống dốc. Giáo sư có ý kiến như thế nào về việc này?

- Sân khấu cải lương xuống dốc vì nhiều lý do:

Hiện nay, có rất ít kịch bản mới có tính cách hấp dẫn như những kịch bản xưa. Các gánh hát cải lương không còn hùng hậu, diễn viên giỏi ít xuất hiện trên sân khấu, mà thường xuyên ghi âm ghi hình cho những hãng dĩa hát, băng từ.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất là sự phát hành không kiểm soát những tuồng cải lương mới qua băng từ video. Quần chúng chỉ cần mướn băng video để xem tại nhà, khỏi tốn tiền mua vé, khỏi phải di chuyển, không lo thời tiết, trong lúc xem băng không bị gò bó, lặng yên ngồi trên ghế của các nhà hát, có thể tự do nằm, ngồi, ăn, uống... nên khán giả đến rạp xem cải lương càng ngày càng ít.

Trước đây, băng video nối dài thời gian và không gian của khán thính giả đối với một vở cải lương, nhưng đó là những băng video ghi lại những vở tuồng hay đã được diễn trên sân khấu rất nhiều lần, khán thính giả chỉ mua băng để xem lại. Ngày nay, băng video lại quay những tuồng chưa được diễn trên sân khấu, với sự cộng tác của nhiều diễn viên danh tiếng, thì khi khán thính giả mua băng là “khám phá” một vở tuồng hay với nhiều sự tiện lợi nói trên, thì dầu vở tuồng đó có diễn lại trên sân khấu cũng không còn bao nhiêu người bỏ công đến rạp để xem.

* Nhiều địa phương đang chú trọng việc nâng chất ĐCTT, điều này có góp phần nâng cao chất lượng của sân khấu cải lương không, thưa Giáo sư ?

- Hai việc này rất khác nhau, ĐCTT là một loại nhạc thính phòng, người mộ điệu chỉ thích nghe tiếng đàn gân guốc, bay bướm, giọng ca ngọt ngào mềm mại cho nên nếu ĐCTT được nâng chất thì cũng chỉ số người mộ điệu đó hưởng ứng và thưởng thức. Người xem cải lương thì lại thích có những kịch bản tuồng tích lạ, mới, hấp dẫn, đào kép trẻ đẹp, diễn xuất hay nên sân khấu cải lương phải tự tìm cách nâng cao chất lượng của mình chứ không thể dựa vào ĐCTT.

* Theo Giáo sư, chúng ta cần phải làm gì để giữ mãi được vị trí của sân khấu cải lương trong lòng người mộ điệu?

- Như đã nói trên, cần có những kịch bản mới, lạ, hấp dẫn từ nội dung tới hình thức, tập hợp được diễn viên giỏi, thanh sắc vẹn toàn, nghệ thuật diễn xuất cao, một đạo diễn hiểu thấu sân khấu cải lương, chứ không phải những người chỉ đi học nước ngoài biết làm đạo diễn cho điện ảnh và kịch nói, vì trong kịch nghệ cải lương, âm nhạc chiếm một phần rất quan trọng.

Những tuồng hay dàn dựng như vậy không nên quay video để phát hành. Chỉ nên trích đoạn để giới thiệu trên màn ảnh nhỏ, góp phần vào công việc quảng cáo và tiếp thị. Nếu có quay để lưu trữ thì bản quay đó phải được Sở Văn hóa - Thông tin bảo vệ và không cho phát hành bất cứ dưới hình thức nào. Chính quyền nên quan tâm và giúp đỡ cho các rạp hát, bầu gánh, tác giả kịch bản, đạo diễn và diễn viên một cách cụ thể hơn là những lời ủng hộ suông.

Nếu tất cả các yếu tố đó được thực hiện ngay từ bây giờ thì có lẽ trong 10 năm sau, kịch nghệ cải lương sẽ phát triển vững mạnh mà không chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trong trường hợp chính quyền trong nước vì đang đương đầu với nhiều khó khăn khác quan trọng hơn, thì các doanh nhân có thể trở thành những mạnh thường quân đắc lực cho công việc chấn chỉnh, trùng tu sân khấu cải lương.

Quần chúng cũng nên dành thời gian đến rạp hát xem cải lương để giúp cho diễn viên và những người có công trong việc sáng tác và dàn dựng vở tuồng được có những sự cổ võ linh động và trực tiếp qua tiếng vỗ tay nồng hậu và lòng yêu mến nghệ thuật, đó chính là sợi dây nối liền nghệ sĩ với khán, thính giả.

Trong chương trình giáo dục âm nhạc của các trường tiểu học, trung học nên có những bài giảng về kịch nghệ cải lương và thỉnh thoảng nên có những lớp cải lương nho nhỏ với nhiều diễn viên đến diễn tại các trường cho các học sinh.

Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng nên có những bài báo giải thích hay bình luận những buổi diễn cải lương để góp phần mang đến một sức sống mới cho sân khấu cải lương và chấn hưng một bộ môn nghệ thuật đặc biệt của miền Nam.

* Xin cảm ơn Giáo sư và chúc Giáo sư có một mùa xuân hạnh phúc.

Vũ Châu (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết