10/08/2010 - 09:43

Toàn ngành công thương nỗ lực giữ tỷ lệ nhập siêu dưới 20%

* Giá xăng dầu bất ngờ tăng thêm từ 410-450 đồng/lít

Ngày 9-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì giao ban trực tuyến đánh giá tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại 7 tháng qua và đề ra nhiệm vụ trong các tháng cuối năm. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng ước đạt hơn 434.800 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 38,27 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 45,7 tỉ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ. Tính cả 7 tháng ước nhập siêu là 7,4 tỉ USD, bằng 19,45% kim ngạch xuất khẩu.

Tại buổi giao ban, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dự báo, khả năng khống chế lạm phát cả năm ở mức 7 - 8% là hiện thực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân, tuy nhiên đáng chú ý một số tập đoàn thuộc Bộ lại đạt thấp hơn do gặp khó khăn về khai thác, sản xuất và tiếp cận vốn vay khó khăn, nhất là vay ngoại tệ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần lưu ý các tháng cuối năm bởi nhu cầu vật tư, năng lượng tăng cao và nhu cầu gối đầu cho năm 2011 cũng góp phần làm tăng chi phí. Để giữ được tỷ lệ nhập siêu dưới 20% như chỉ đạo của Chính phủ cần nỗ lực của toàn ngành.

Trong tháng 8 và các tháng cuối năm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất khẩu; khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng và máy móc, nguyên, phụ liệu có thể thay thế hàng nhập khẩu. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm những mặt hàng dễ biến động phục vụ trung thu, Tết, thép cần kiểm soát chặt chẽ về giá cả và chất lượng.

Theo Bộ trưởng, còn nhiều chỉ tiêu chưa thực sự yên tâm như nhập siêu, thực hiện chủ trương về đẩy mạnh hàng trong nước, mức độ còn hạn chế, biến động giá cả thị trường... Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vượt mọi khó khăn về vốn, thị trường. Các dự án chuẩn bị đầu tư cần làm tốt khâu tìm nguồn tài chính, thiết kế và hồ sơ mời thầu. Đối với thị trường trong nước tiếp tục bình ổn giá và cân đối cung cầu, tiếp tục thực hiện Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Bộ cũng chính thức giao Vụ Thị trường trong nước phối hợp các Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai xây dựng đề án dựa trên cơ sở đó áp dụng Chương trình bình ổn giá hiệu quả của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua để nhân rộng ngay trong tháng 8...

* Từ 19 giờ ngày 9-8, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, xăng A92 có mức giá bán mới là 16.400 đồng-16.440 đồng/lít (tức tăng từ 410-450 đồng/lít).

Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu từ 19 giờ ngày 9-8 lần lượt là: giá bán lẻ các loại xăng tăng 410 đồng/lít; diezel tăng 350 đồng/lít; dầu hỏa tăng 400 đồng/lít; giá bán buôn mazút 3S và 3,5S giảm 310 đồng/kg. Theo đó, xăng không chì RON 95 là 16.900 đồng/lít; xăng không chì RON 92 là 16.400 đồng/lít; diezel 0,05 S là 14.750 đồng/lít; diezel 0,25 S là 14.700 đồng/lít; dầu hỏa là 15.100 đồng/lít; mazút 3S là 12.990 đồng/kg và mazút 3,5 S là 12.690 đồng/kg.

HOÀNG TÙNG-THÙY DƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết