25/09/2019 - 08:54

Tình làng nghĩa xóm “Chồng à, vợ ơi” 

Với đề tài gia đình và tình làng nghĩa xóm, phim hài tình huống “Chồng à, vợ ơi” mang đến cho khán giả màn ảnh nhỏ những câu chuyện hài hước và chan chứa nghĩa tình. Phim dài 50 tập, phát sóng lúc 18h5, từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần trên kênh HTV9.

Mỹ Dung (Ngọc Lan, trái), bà Sáu Gà (Vân Anh, giữa) và bà Sáu Hợi (Phi Phụng).

Khu phố Thiên Địa điển hình với lối sống hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Tại đây có nhiều gia đình, mỗi nhà mỗi cảnh. Đó là gia đình ông bà Sáu Gà thẳng tính, hay làm từ thiện; tuy nhiên, sự nhiệt tình giúp đỡ người khác có phần thái quá của ông Sáu Gà (Ngọc Tưởng) gây nên không ít chuyện dở khóc dở cười cho bà Sáu (Vân Anh) và cả xóm. Bà Sáu làm nội trợ, nhưng thích xã giao, hay tỏ ra cái gì cũng biết, lại thêm cách nói chuyện thẳng tưng, nên thường làm mất lòng hàng xóm dù không có ý xấu.

Trong khi đó, vợ ông Sáu Hợi (Thanh Tùng) tuy lớn tuổi nhất khu phố nhưng lại khó gần, hay so đo với mọi người. Ông Sáu Hợi cũng thường châm chọc chuyện nhà người khác khi họ xảy ra lục đục, mâu thuẫn. Kỳ thực những biểu hiện đó của vợ chồng Sáu Hợi chỉ để thu hút sự chú ý của mọi người, nhằm che giấu sự cô đơn khi con cái bỏ đi nhiều năm không về.

Gia đình Thành Công (Thanh Bình) và Mỹ Dung (Ngọc Lan) lại khác. Thành Công gia trưởng, kiên định với quan điểm hàng xóm chỉ để xã giao và chỉ cần thân thiết với những ai có lợi cho công việc. Trong khi Mỹ Dung lại là người quảng giao nên hay gặp gỡ và thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội cùng xóm giềng.

Cuộc sống của mọi người trong xóm Thiên Địa vẫn diễn ra với những câu chuyện vui buồn thường ngày cho đến khi cặp vợ chồng mới cưới Duy Phước (Hà Trí Quang) và Minh Lộc (Hồng Kim Hạnh) chuyển đến sinh sống. Duy Phước hòa nhã, thích giúp đỡ người khác; nhưng Minh Lộc khó gần, chỉ nhốt mình trong cuộc sống riêng tư và không thích bị làm phiền. Sự xuất hiện của vợ chồng Duy Phước và Minh Lộc đã làm nếp sống "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường" lâu nay của khu phố hoàn toàn bị đảo lộn…

“Chồng à, vợ ơi” xoay quanh những tình huống cuộc sống bi hài thường nhật ở một khu phố. Đằng sau tiếng cười nhẹ nhàng là thông điệp gần gũi về nghĩa vợ chồng, tình làng xóm. Những câu chuyện trong phim cho người xem cảm giác đã bắt gặp đâu đó trong cuộc sống và có một điều dễ nhận ra là dù hàng xóm có đôi khi gây ra những rắc rối, nhưng chính họ lại là người sẵn sàng giang tay ra giúp đỡ mỗi khi ai đó  gặp khó khăn. “Bà con xa không bằng láng giềng gần” luôn là hình ảnh đẹp trong văn hóa của người Việt. Dù xã hội có hiện đại và phát triển thì lối sống vì cộng đồng vẫn cần được gìn giữ. 

“Chồng à, vợ ơi” có dàn diễn viên dày dặn kinh nghiệm diễn xuất. Diễn xuất tự nhiên của họ đã tạo nên hình ảnh khu phố thu nhỏ sống động, nhiều niềm vui, có cả những chuyện trái khoáy, nhưng vẫn ấm áp.

BẢO LAM

Chia sẻ bài viết