26/05/2020 - 09:03

Tinh giản chương trình phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học 

Dịch COVID-19 đã dẫn đến chương trình học kỳ 2 của học sinh cả nước nói chung và Cần Thơ nói riêng phải được tinh giản để đảm bảo kết thúc năm học đúng kế hoạch. Tùy theo điều kiện thực tế mà mỗi trường có cách làm linh động phù hợp, đảm bảo chất lượng dạy và học.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Ninh Kiều). 

Theo chương trình tinh giản cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã triển khai cho các cơ sở giáo dục trong toàn thành phố ngay từ khi chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường sau dịch bệnh. Có 3 cách điều chỉnh tinh giản được áp dụng ở hầu hết tất cả các môn. Thứ nhất là không dạy một số nội dung, những bài học mang tính lý thuyết được giảm hẳn không thực hiện trên lớp. Thứ hai là khuyến khích học sinh tự đọc, tự làm (những nội dung không dạy trên lớp nhưng khuyến khích học sinh đọc thêm), yêu cầu tự học có hướng dẫn, trong đó có hướng dẫn tích hợp, kết hợp các bài có cùng nội dung và giảm nội dung trong 1 bài để giảm thời lượng. Cuối cùng là giảm một số nội dung trùng lặp trong một cấp và giữa các cấp. Riêng các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn…

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, việc tinh giản chương trình là cần thiết, song đòi hỏi thầy trò nỗ lực đảm bảo chất lượng, học sinh không bị mất kiến thức căn bản; việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên với học sinh cũng phải thể hiện đúng thực lực học tập của các em. Ghi nhận tại một số điểm trường tiểu học, THCS, THPT ở Cần Thơ vào những ngày tháng 5, việc tinh giản chương trình được các trường thực hiện phù hợp với tình hình thực tế đơn vị. Đơn cử tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận Ô Môn), nhà trường đã chỉ đạo các tổ thống nhất tinh giản chương trình còn 9-10 tuần. Với học sinh yếu, sau khi học buổi sáng được bồi dưỡng, củng cố thêm kiến thức vào buổi chiều... Thầy Lê Kinh Đô, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Ninh Kiều), cho biết: Theo hướng tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT, ngoài thời gian giảng dạy tại trường, những buổi học sinh không đến trường giáo viên sẽ tiếp tục dạy trực tuyến để củng cố kiến thức cho các em. “Trường hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm tăng cường giảng dạy, đặc biệt 2 môn (Toán, Tiếng Việt), giúp học sinh đảm bảo đủ kiến thức chuẩn lên lớp”, thầy Kinh Đô cho biết. Nguyễn Trần Huy, học sinh lớp 5.2 của trường, nói: “Em được thầy cô hướng dẫn củng cố kiến thức đã bỏ lỡ trong kỳ nghỉ qua”. 

Còn ở các trường THCS, Ban Giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn họp, thống nhất chương trình học cũng như đa dạng nhiều hình thức dạy và học. Tại Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng), Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện kế hoạch chương trình tinh giản, định rõ chương trình được giảm và chương trình phải dạy ở từng bộ môn; sắp xếp thời gian phù hợp, giáo viên vừa dạy trực tuyến kết hợp dạy trực tiếp… Thầy Phạm Văn Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Bình, cho biết: Trường động viên giáo viên dạy lại tất cả kiến thức mà học sinh đã học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ học tránh dịch, giúp các em đảm bảo đủ kiến thức. Phạm Thị Minh Thư, học sinh lớp 6A3 của trường, nói: “Trong thời gian học online, thầy cô vẫn cho làm đề kiểm tra. Khi đi học trở lại, em cố gắng ôn bài, học bài mới, về nhà vẫn ôn thêm để học đủ kiến thức”.

Ở bậc THPT, đối với những nội dung nâng cao và có sự trùng lặp giữa các môn học, Bộ GD&ĐT khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều nội dung được tích hợp theo các chủ đề một bài học phù hợp, nhưng đảm bảo yêu cầu kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh. Tại các trường THPT ở Cần Thơ, dù học sinh đã đến trường, nhưng vẫn duy trì tổ chức học online, nhất là tập trung củng cố kiến thức học sinh khối lớp 12 tránh áp lực cho các em cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, để đảm bảo kế hoạch chương trình, trong thời gian tạm nghỉ học, các trường đã linh động tổ chức cho học sinh qua nhiều hình thức như tự học, học trực tuyến, mạng xã hội… Các trường căn cứ trên tình hình thực tế đơn vị, năng lực của học sinh, tiến hành xây dựng nội dung tinh giản. Việc xây dựng đó phải là trí tuệ của tập thể, của tổ chuyên môn, chứ không phải là của một cá nhân tổ trưởng chuyên môn; để đảm bảo nội dung tinh giản phải được triển khai hiệu quả trong nhà trường.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết