16/06/2019 - 13:02

Tín hiệu vui cho văn học thiếu nhi Tây Nam bộ 

Mùa hè này, lượng sách văn học dành cho thiếu nhi khá nhiều và phong phú sau một thời gian dài bị bỏ ngỏ. Theo các nhà nghiên cứu văn học, văn học thiếu nhi trong nước đang thực sự “cung không đủ cầu” nên việc xuất hiện những tác phẩm mới là tín hiệu vui. Vui hơn nữa là việc các nhà văn miền Tây Nam bộ đã đóng góp tích cực cho thị trường sách này.

Thiếu nhi chọn mua sách tại nhà sách FAHASA Cần Thơ.

Mở đầu cho mùa hè sách sôi động là đôi vợ chồng nhà văn kỳ cựu đất An Giang: Mai Bửu Minh và Hoàng Mai Quyên. Với tác phẩm “Thành Messi”, nhà văn Mai Bửu Minh kể về cậu bé Thành, học lớp 5A, được bạn bè gọi là Thành Messi với tài đá banh thiện nghệ. Cùng với Thành Messi còn có Dũng Ronaldo, Hoàng Cận và các cầu thủ nhí khác, làm nên đội bóng lớp 5A “thần thánh”. Nhưng rồi cha của Thành gặp tai nạn, cậu bé đứng trước nguy cơ phải thôi học, từ bỏ đam mê bóng đá. Chính tình bạn và tình thầy trò đã giúp Thành vượt qua khó khăn. Câu chuyện không quá khúc mắc nhưng được chuyển tải bằng những tình tiết vui nhộn, cảm động, khiến độc giả thích thú.

Nhà văn Hoàng Mai Quyên với tác phẩm “Tuổi dấu yêu” lại mang đến một câu chuyện thú vị về cô bé Bảo Trân, học lớp 12, phải làm quen với bạn mới, thầy cô mới ở ngôi trường mà em vừa chuyển đến học. Kỷ niệm thời áo trắng, những rung động đầu đời… khiến bạn đọc nhỏ tuổi rưng rưng sau khi đọc truyện. Vợ chồng Mai Bửu Minh, Hoàng Mai Quyên nhiều năm qua khá tâm huyết với dòng văn học thiếu nhi. Họ sở hữu nhiều tác phẩm ăn khách như “Cô bé mộng mơ”, “Chiến công siêu phàm” (Mai Bửu Minh), “Thời áo trắng”, “Búp bê cô đơn” (Hoàng Mai Quyên)…

Trước đó, tác phẩm “Thủ lĩnh vịt băng đồng” của tác giả trẻ Lê Quang Trạng cũng là điểm nhấn cho dòng văn học này. Câu chuyện đàn vịt với những bài học đầy tình người đã lôi cuốn độc giả nhí. Cũng viết về đồng thoại, nhà văn 82 tuổi Nguyễn Thị Thanh Huệ với tác phẩm “Con cò mồ côi” vừa ra mắt mang một phong vị mới cho văn học thiếu nhi với cách thể hiện nhiều trải nghiệm, xúc cảm. Thông tin chúng tôi nhận được từ NXB Kim Đồng, quyển “Con cò mồ côi” sẽ được tái bản trong tháng 6 này.

Thời gian qua, nhiều tác giả miền Tây Nam bộ đã ít nhiều để lại dấu ấn trên văn đàn qua thể loại văn học thiếu nhi. Có thể kể đến như Võ Diệu Thanh, Trần Tùng Chinh, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Minh Nhựt… Nhiều người ví von rằng, “nàng công chúa” văn học thiếu nhi đang được các nhà văn ĐBSCL đánh thức sau thời gian ngủ vùi.

Tuy nhiên, như chia sẻ của tác giả trẻ Lê Quang Trạng (An Giang): Dường như văn học thiếu nhi vẫn chưa có một chỗ đứng xứng đáng trong dòng văn học hiện nay. Ít nơi nhận hỗ trợ, hiếm có giải thưởng cho văn học thiếu nhi, cũng là một trong số những rào cản giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc. Trăn trở của Lê Quang Trạng cũng là nỗi lòng của nhiều nhà văn. Sách cho thiếu nhi khó trở thành sách bán chạy và hiếm có cây bút thành danh nhờ dòng văn học này.

Vả lại, việc một cây viết tuổi đời 40-50, thậm chí 70-80 tuổi phải đặt mình vào tâm thế của một đứa trẻ để viết truyện thiếu nhi là điều không dễ. Nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp) tại một cuộc tọa đàm tổ chức ở Cần Thơ: Viết cho thiếu nhi, người viết phải biết các em nghĩ gì, cần gì để có đề tài phù hợp. Có những tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng không được đón nhận vì xa rời thực tế và không thể hiện được tình cảm, mong ước của tuổi trẻ hiện giờ.

Trong cái khó vẫn có những điểm sáng. Một mùa hè sôi động những quyển sách dành cho thiếu nhi đã ra mắt. Các nhà văn miền Tây đã giúp thiếu nhi có một mùa hè vui, mang đến cho các em những trang viết đậm đà phong vị miền sông nước đồng bằng.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết