21/01/2019 - 11:09

Tín dụng năm 2019 ưu tiên lĩnh vực nào? 

Room tín dụng chung cho cả hệ thống Ngân hàng năm 2019 là 14%, thấp hơn 3% so với kế hoạch của năm 2018, vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai. NHNN Chi nhánh Cần Thơ cũng vừa có báo cáo tổng kết năm 2018 và kế hoạch định hướng tín dụng năm 2019 trên địa bàn thành phố với nhiều lĩnh vực được ưu tiên tín dụng như cho vay xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ cao...

Giao dịch tại ngân hàng VietBank chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Công Khanh

Tín dụng xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Năm qua, NHNN Chi nhánh Cần Thơ đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chấp hành các quy định của NHNN về tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, bảo đảm hoạt động ngân hàng ổn định và an toàn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Hoạt động vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng so với năm trước, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Các tổ chức tín dụng đang tích cực thực hiện các giải pháp xử lý để giảm nợ xấu về dưới 2% trên tổng dư nợ cho vay.

Cụ thể, năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Cần Thơ đã huy động được hơn 72.500 tỉ đồng, tăng trưởng 9,91% và tổng tín dụng cho vay ra trên địa bàn đạt hơn 77.600 tỉ đồng, tăng 15,12%, cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước là 14%. Tổng nợ xấu trên địa bàn là 1.500 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 1,94% trên tổng dư nợ. Tăng trưởng dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là tín dụng cho xuất khẩu tăng đến 20,06%; Kế đến là tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng 17,83%; Riêng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn chỉ tăng 7,55% so với cuối năm 2017. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ cuối năm 2018 bổ sung cho Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã gỡ nút thắt cho một số vướng mắc trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Ưu tiên tín dụng trong năm 2019

Với định mức room tín dụng chung của NHNN cho toàn hệ thống năm 2019 này là 14%, NHNN Chi nhánh Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ và của NHNN. Mở rộng tín dụng trong các lĩnh vực ưu tiên như: du lịch, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu – khi mà năm nay các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định thương mại tự do với châu Âu EVFTA có lực thì các doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng đầu tư mở rộng sản xuất để xuất khẩu khi được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này mang lại.

Ngoài ra, NHNN Chi Nhánh Cần Thơ năm nay cũng tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân để bảo đảm các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động an toàn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu các khoản vay nhỏ, lẻ của người dân nhằm góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng đi vay.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016–2020 và Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế. Giám sát việc thực hiện quy định của NHNN Việt Nam và các quy định khác của pháp luật về quản lý ngoại hối để ổn định thị trường ngoại hối và thị trường vàng trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán qua POS, mở rộng đến các lĩnh vực tiềm năng, triển khai các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng trên địa bàn vùng nông thôn.

Bài, ảnh: Trần Đăng

Chia sẻ bài viết