Trong bối cảnh thị trường lúa gạo cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc phát huy lợi thế sẵn có và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ là điều cần thiết để không chỉ gia tăng giá trị, mà còn tạo dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho lúa gạo Sóc Trăng.
* Lợi thế giống và mùa vụ
Nhắc đến gạo thơm Sóc Trăng, ông Đào Duy Sự, Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng tự hào, nói: "Gạo thơm Sóc Trăng từ năm 1997 đến nay đã tạo được chú ý của người tiêu dùng nên luôn có thị trường tiêu thụ khá ổn định. Hiện nay, gạo thơm Sóc Trăng là sản phẩm duy nhất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận". Ông Từ Thanh Kiệt, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, nhận định: "Gạo thơm Sóc Trăng, nhất là gạo ST20 hiện đang được thị trường xuất khẩu và nội địa tiêu thụ rất mạnh. Gần đây, có doanh nghiệp phía Bắc đến công ty đặt hàng gạo ST20 với sản lượng không hạn chế và mức giá khá cao so với nhiều chủng loại gạo khác. Vì vậy, phát triển sản xuất lúa thơm, lúa đặc sản của Sóc Trăng là rất đúng hướng và rất có triển vọng". Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng, gạo thơm giống ST đang là lợi thế cạnh tranh lớn của lúa gạo Sóc Trăng trong bối cảnh hiện nay. Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã nắm bắt được thông tin này và tìm đến Sóc Trăng để thu mua hay đặt hàng giống làm cánh đồng mẫu lớn.

Lúa ST5, một lợi thế phát triển của Sóc Trăng nhờ khả năng thích nghi rộng và chất lượng cao.
Sóc Trăng còn có vùng nguyên liệu lúa Tài Nguyên mùa ở Thạnh Trị với diện tích 7.000-8.000ha mỗi năm. Hiện nay, giống lúa đã được Viện Lúa ĐBSCL phục tráng, đưa vào sản xuất tại địa phương để đảm bảo ổn định được chất lượng. Ông Nguyễn Văn Sô, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Trị, cho biết: "Để đảm bảo 100% diện tích sản xuất lúa Tài Nguyên sử dụng giống cấp xác nhận, huyện phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL phục tráng và đưa về hàng chục tấn lúa giống cấp nguyên chủng để nhân ra giống cấp xác nhận phục vụ cho người dân. Cùng với việc triển khai sử dụng giống cấp xác nhận là công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật để sản phẩm làm ra có chất lượng ổn định, an toàn cho người tiêu dùng".
Theo ông Từ Thanh Kiệt, lúa gạo Sóc Trăng thời gian qua chưa bao giờ "bị ế" do cơ cấu mùa vụ khác với các tỉnh có diện tích lúa lớn trong vùng ĐBSCL. Nếu tính bình quân trong năm thì giá lúa ở Sóc Trăng luôn cao hơn các tỉnh khác trong khu vực. Vừa qua, Chính phủ có mời Hiệp hội lương thực, lãnh đạo các tỉnh họp bàn tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Theo đó, tới đây, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu, có hợp đồng tiêu thụ với nông dân, tổ hợp tác hay hợp tác xã. Với quy định trên, nhiều dự báo cho việc tiêu thụ lúa gạo được đưa ra sẽ có phần thuận lợi hơn.
* Liên kết và quảng bá
Theo ông Đào Duy Sự, Phó Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cái khó hiện nay là khi thị trường tiêu thụ bắt đầu có nhu cầu sử dụng gạo thơm Sóc Trăng cao thì lại không có đủ nguồn để cung ứng cho thị trường. Ông Sự băn khoăn: "Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ mất thị trường tiêu thụ nên cần sớm ổn định chất lượng và sản lượng để giữ vững thương hiệu và thị trường cho gạo thơm Sóc Trăng".
Để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thị trường cho gạo thơm, gạo đặc sản Sóc Trăng, tới đây, Ban điều hành đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản Sóc Trăng sẽ tập trung cho công tác thông tin thị trường. Điển hình như: Hợp đồng với Đài Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ (VTV Cần Thơ 1) tuyên truyền về các hoạt động của đề án, các hoạt động quảng bá về sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng; hợp đồng với Báo Nhân Dân đăng tải các bài viết về đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản của tỉnh cũng như giới thiệu các thành tựu của đề án trên báo và cuối năm nay, ngành sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm gạo thơm Sóc Trăng tại Hội chợ nông nghiệp Quốc tế diễn ra tại Cần Thơ. Ông Sự nhấn mạnh: "Vấn đề còn lại là sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo về số lượng và ổn định về chất lượng, nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm này". Liên quan đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, ông Từ Thanh Kiệt, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết: Theo chủ trương của Tổng công ty Lương thực miền Nam, các công ty thành viên đều phải xây dựng vùng nguyên liệu riêng. Nhưng không thể đầu tư cho nông dân được vì bản thân Công ty Lương thực cũng không có đủ vốn, trong khi ngân hàng vẫn chưa thống nhất với công ty để đầu tư cho vay theo hình thức này. Ngân hàng yêu cầu phía công ty phải chứng minh việc đầu tư cho vùng nguyên liệu là đảm bảo có hiệu quả thì mới rót vốn. Ngay cả đối với việc đầu tư cho cánh đồng mẫu lúa ST20 thì ngân hàng cũng chỉ mới tham gia với công ty ở khâu đầu tư lúa giống. Chính vì vậy việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn nhiều khó khăn.
Trước đây, Sóc Trăng có 5 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo. Nhưng nay, tỉnh chỉ còn 3 doanh nghiệp (do 2 doanh nghiệp đã bị rút giấy phép vì không đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định) và tới đây nhiều khả năng sẽ có thêm một doanh nghiệp nữa sẽ bị rút giấy phép. Với 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty Lương thực Sóc Trăng và Công ty TNHH Thành Tín, theo ông Kiệt, tổng mức tiêu thụ lúa hàng hóa của công ty hàng năm cũng chỉ khoảng 10% tổng sản lượng lúa của tỉnh. Số lượng lúa hàng hóa còn lại được tiêu thụ chủ yếu từ khoảng 200 cơ sở xay xát, kinh doanh lương thực trong tỉnh và thương lái từ nơi khác đến. Đây mới chính là lực lượng tiêu thụ lúa chủ lực của tỉnh nên không thể để họ đứng ngoài cuộc. Để giúp cho việc tiêu thụ lúa được ổn định, ông Kiệt đề xuất: "Sở Công Thương và Sở NN&PTNT cần kết hợp điều tra, thống kê số lượng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lương thực trong tỉnh để có hướng tập hợp và liên kết với 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh, hình thành nên một hệ thống thu mua, chế biến, xuất khẩu liên hoàn".
Bài, ảnh: Hoàng Nhã