14/10/2019 - 09:04

Tìm hướng phát triển đột phá ngành công nghiệp, thương mại 

Qua 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tại TP Cần Thơ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, nhưng mức tăng có phần thấp so với một số địa phương vùng ĐBSCL. Để khẳng định vai trò, vị thế trung tâm công nghiệp và thương mại của vùng ĐBSCL, đòi hỏi Cần Thơ kịp thời có các giải pháp tạo “đột phá” để phát triển, đặc biệt làm sao vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng, vừa thúc đẩy sự phát triển chung của toàn vùng.

Phát triển chậm so với kỳ vọng

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và sự quyết tâm của toàn ngành, phần lớn các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại đều tăng so với cùng kỳ. Ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại và ổn định thị trường. Tích cực thực hiện công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

9 tháng năm 2019, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,76%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,25%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý nước thải tăng 4,48% so với cùng kỳ.

Ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Dù mức tăng của chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua còn chậm, nhưng khả năng vào cuối năm đạt theo kế hoạch, với mức tăng 8,2% so với năm trước. Chỉ số trên chưa bao gồm phần xử lý đốt rác phát điện tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tại huyện Thới Lai”.  9 tháng qua, các sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng cao gồm cá phi lê đông lạnh, tôm đông lạnh, thức ăn thủy sản, bia đóng lon, dược phẩm, bao và túi từ plastic, xi măng; đinh, đinh mủ và ghim dập. Tuy nhiên, cũng có nhiều sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: gạo xay xát giảm 4,29%, dăm gỗ giảm 3,61%, thuốc lá điếu giảm 6,69%... do mức tiêu thụ thấp, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường ngày càng gay gắt. Mặt khác, giá cả chi phí đầu vào thường xuyên biến động làm cho giá thành sản phẩm tăng ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ, cũng như doanh nghiệp còn gặp khó về nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì được mức tăng so với cùng kỳ nhưng hiện vẫn còn thấp so với tiến độ kế hoạch. Giá trị kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ trong 9 tháng ước thực hiện 1.632,48 triệu USD, đạt 74,2% kế hoạch, tăng 8,88% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.290,49 triệu USD, đạt 73,74% so với kế hoạch, tăng 6,65% so với cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 341,99 triệu USD, đạt 76% kế hoạch, tăng 18,21% so với cùng kỳ.

Qua 9 tháng, tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tại thành phố ước thực hiện hơn 100.127,5 tỉ đồng, đạt 75,36% kế hoạch, tăng 10,84% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giữ mức tăng khá so với cùng kỳ, lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt. Tuy nhiên, sự phát triển thương mại nội địa tại thành phố đang có dấu hiệu tăng chậm lại.

Tìm hướng đột phá

Những năm gần đây, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ tăng thấp so với nhiều địa phương vùng ĐBSCL và hiện đứng ở vị trí  khoảng thứ 10 trong 13 tỉnh, thành của vùng. Nguyên nhân do Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nên bên cạnh ưu thế này, thì giá thuê đất cao và không còn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ về nguồn vốn khuyến công như các tỉnh để phát triển công nghiệp. Trong khi đó, việc thực hiện công tác khuyến công và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố mở rộng sản xuất và đầu tư đổi mới công nghệ cũng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất “sạch” và vướng mắc bởi các thủ tục, nhất là một số quy định của pháp luật còn bất cập và chậm bổ sung, sửa đổi. Để giải quyết khó khăn trên, đòi hỏi các sở ngành thành phố và địa phương phải có sự phối hợp tốt hơn để tháo gỡ kịp thời các khó khăn và tìm hướng phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai hạn chế, đặc biệt là vai trò của thành phố trung tâm động lực phát triển cho cả vùng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Các năm trước đây, TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở vùng ĐBSCL có các siêu thị và trung tâm thương mại lớn nên thu hút được rất nhiều người dân tại các tỉnh ĐBSCL đến tham quan, mua sắm hàng. Hiện nay, hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đã có siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và điều kiện giao thông đi lại từ nhiều tỉnh trong vùng đến TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều thuận lợi hơn trước và không cần phải trung chuyển qua Cần Thơ… Từ đó lượng khách từ các tỉnh đến Cần Thơ mua sắm cũng giảm”. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để thúc đẩy phát triển thương mại tại thành phố, ngoài việc tăng cường thu hút đầu tư, phát triển thêm các loại hình thương mại hiện đại tại thành phố, tới đây, Cần Thơ cần xây dựng các điểm bán hàng đáp ứng nhu cầu kết nối các sản phẩm đặc sản vùng miền gắn với phát triển du lịch và quan tâm nhiều hơn đến phát triển thương mại điện tử.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại tại thành phố còn hạn chế do chưa có sự phát triển chuyên sâu. Đặc biệt, chúng ta còn dựa nhiều vào việc sản xuất kinh doanh các mặt hàng truyền thống như gạo và thủy sản, nhưng mức độ chế biến còn đơn giản, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Sở Công thương cần kịp thời nghiên cứu, thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, tìm hướng đi phù hợp mới, để tạo ra sự tăng trưởng đột phá. Chú ý thực hiện tốt hơn công tác khuyến công, định hướng chế biến, chế tạo những sản phẩm có sức tiêu thụ lớn và giúp mang lại giá trị gia tăng cao. Tăng cường đầu tư, phát triển các loại hình thương mại hiện đại, kinh doanh các loại hàng hóa cấp cao và xây dựng hệ thống logistics, tổng kho hàng hóa để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL. Chủ động tham mưu UBND thành phố đề xuất tháo gỡ các vướng mắc kịp thời, cũng như đề xuất về Trung ương đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền của thành phố...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết