19/10/2011 - 09:26

Tìm hướng đi cho cây gấc

Sau 2 năm thực hiện đề tài: “Nghiên cứu và tuyển chọn cây gấc cao sản”, Ban Chủ nhiệm đề tài (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long) đã tuyển chọn thành công 5 dòng gấc cao sản cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, để đưa cây gấc vào sản xuất đại trà là quá trình gian nan với nhiều công đoạn như: tìm hiểu nhu cầu thị trường và qui hoạch vùng trồng, vận động nông dân tham gia.

Cây gấc có tên khoa học Momordica cochinchinensis. Ở các tỉnh phía Bắc, cây gấc được xem là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương đã hình thành vùng trồng gấc tập trung, đầu tư nhà máy chế biến... sản xuất ra sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cây gấc vẫn chưa được nhìn nhận là cây trồng chính. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cây gấc không chỉ góp phần phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập cho người dân mà còn là nguồn dược liệu quý giá. Thế nhưng, hiện nay, ở TP Cần Thơ, quy trình sản xuất loại cây này từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ vẫn chưa được thực hiện một cách khoa học...

 Sơ chế gấc tại Cơ sở Sản xuất Gấc tươi Kiều Phương (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Khánh, quận Ninh Kiều). Ảnh: CTV

Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Ban chủ nhiệm đề tài đã xác định 5 tỉnh, thành cây gấc được trồng phổ biến gồm: TP Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang. Mặc dù cây gấc được trồng khá phổ biến ở vườn nhà dân, nhưng diện tích trồng không lớn, trái gấc chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu gia đình, lượng gấc tươi tiêu thụ ở các chợ rất hiếm. PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Nhiều nông dân còn rất mơ hồ về cây gấc và họ chưa quan tâm đến loại cây trồng này. Theo kết quả điều tra của dự án, trong số 390 nông dân được hỏi, không ai biết dòng gấc mình đang trồng mang tên gì, đa số không rõ thời gian trồng đến khi thu hoạch trái đầu tiên là bao lâu, sản phẩm thu hoạch được từ cây gấc chỉ được sử dụng làm chất phụ gia trong các món ăn, hoặc lấy hạt ngâm rượu để xoa bóp...”. Đa số nông dân trồng gấc tự phát, phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên... mà chưa quan tâm đến việc sản xuất đại trà, do chưa hiểu hết công dụng của trái gấc.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tuyển chọn thành công 5 dòng gấc cao sản, trong đó 2 dòng gấc: Danh Lỹ-AG và ĐHCT 1 hội tụ 4 ưu điểm vượt trội như: tỷ lệ màng bọc hạt gấc cao, cho năng suất trái tươi ổn định, hàm lượng beta carotene và lycopene cao nhất, đặc biệt phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của TP Cần Thơ. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng quy trình kỹ thuật nhân dòng gấc cao sản thông qua phương pháp nhân giống vô tính bằng chiết cành, giâm cành... để phục vụ nhu cầu trồng gấc đại trà. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, việc nhân giống gấc đại trà cần có lộ trình cụ thể và phải tìm hiểu nhu cầu thực tế từ thị trường, chứ không thể sản xuất đại trà trong khi đầu ra thiếu bền vững.

Bà Phạm Kiều Phương, Chủ Cơ sở Sản xuất Gấc tươi Kiều Phương (đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Khánh, quận Ninh Kiều), cho biết: “Hiện nhiều địa phương chưa có vùng trồng nguyên liệu gấc tập trung, nông dân trồng tự phát và không có sự chọn lọc giống khi trồng... nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thu mua nguyên liệu”. Theo bà Phương, đa số giống gấc mà nông dân đang trồng có tỷ lệ màng bọc hạt thấp, nên lượng gấc mua vào lớn, nhưng lượng gấc tươi sau khi sơ chế lại không đáp ứng được yêu cầu sản xuất của đơn vị. Theo bà Phương, hiện sản phẩm gấc tươi đóng hộp Kiều Phương đã có mặt tại khắp các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ trên toàn quốc; chất phụ gia làm từ gấc tươi hoàn toàn có thể thay cho phẩm màu công nghiệp. Thế nhưng làm gì để thay đổi thói quen, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm vẫn còn là vấn đề nan giải.

Theo bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, từ kết quả nghiên cứu đề tài, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp thành phố tiến hành tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, nhân giống cho nông dân, góp phần đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông hộ. Song song đó, liên kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xây dựng vùng trồng tập trung, sản xuất theo nhu cầu của thị trường... nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu chế biến, tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết