24/11/2012 - 19:51

Tìm hiểu về sự tích lễ cúng trăng của đồng bào dân tộc Khmer

Túc sanh truyện (Jàtaka) có ghi rằng: Ngày xưa, trước khi viên tịch thành chánh quả, đức Phật Thích ca còn là một vị Bồ tát. Ngài sinh ra trong kiếp một con Bạch thố (thỏ trắng) có tên gọi là Soma Panhdita. Bạch thố đang trong thời gian thực hành đức hạnh bố thí ở bậc tối thượng (Bala mật).

Một hôm, Ngài - Bạch thố tự nhủ:

- Không có ai đến xin để ta bố thí sanh mạng của ta cho kẻ cơ hàn đói khổ!

Đức hạnh, lòng thành và uy lực của Soma Panhdita thấu động đến thiên cung làm cho chỗ ngồi của Thiên đế bỗng nhiên bị nóng lên. Thiên đế nhận thấy điềm lạ nên dùng "nhãn thông" soi rọi khắp thế gian. Ngài nhìn thấy vị Bồ tát hiện thân là Bạch thố muốn đạt hạnh, bố thí sinh mạng mình để làm thức ăn cho kẻ khác.

Ngay lúc đó, Thiên đế liền hóa thân thành một ông lão Bà- la- môn gọi là Indaprahma. Ông lão Bà- la- môn khốn khổ, mình gầy yếu, lưng còng, chống gậy đến gần Bạch thố và nói rằng:

- Này Bạch thố kia ơi! Bây giờ ta đang đói lắm rồi, ngươi có gì bố thí cho ta ăn không?

Bạch thố liền đáp:

- Thưa có, ông hãy đi tìm nhiều cây khô mang đến đây nhóm thành đống lửa thì sẽ có thăn (thịt chín) cho ông ăn ngay!

Ông lão Bà- la- môn đi nhặt, gom cây khô vác lại chất thành đống rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa cháy bùng lên thì Bạch thố liền nhảy vào nướng mình để làm thức ăn cho ông lão Bà- la- môn. Song, do nhờ đức hạnh và sự hiển linh của đức hạnh bố thí ở bậc tối thượng Bala mật mà đống lửa đang cháy bỗng tắt hết chỉ còn trơ ra những cành cây khô.

Ngay lúc đó, ông lão Bà- la- môn hiện nguyên hình và thưa rằng:

- Thưa ngài Bồ tát Soma Panhdita đáng kính! Tôi đến đây không phải là bần hàn, đói khát để xin ăn, mà đến đây để khích dụ đức hạnh bố thí Bala mật tròn đủ hầu ngài.

Sau đó, Thiên đế biến mất.

Do sự hiển linh đức hạnh của phép bố thí Bala mật tối thượng mà hình ảnh của Bạch thố - tiền thân của Phật Thích Ca được khắc ghi vào bề mặt của mặt trăng từ đó cho đến bây giờ.

Sự việc ấy diễn ra vào ngày rằm tháng 12 Phật lịch, nhằm ngày rằm tháng 10 âm lịch. Từ đó, vào ngày rằm trăng tròn, khi nhìn lên mặt trăng chúng ta sẽ thấy có dạng hình con thỏ đang dùng hai chân trước chồm lên như muốn nhảy vào đống lửa.

Hàng năm đến ngày rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào dân tộc Khmer tổ chức lễ cúng trăng theo truyền thống Phật giáo Nam tông. Lễ cúng trăng nhằm tưởng nhớ đến đức độ của vị Bồ tát - Soma Panhdita đã thực hành đức hạnh bố thí để đạt thành chánh quả - chánh giác tức là tiền thân của Phật thích ca ngày nay.

Sự tích con thỏ và mặt trăng

Trong một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, có lần ngài là một con thỏ sống quanh quẩn bên bờ sông Hằng. Thỏ kết bạn rất thân với khỉ, rái cá và chó rừng. Thỏ hiểu biết nhiều hơn ba con vật kia, thỏ còn biết ngồi thiền để cầu mong sự gần gũi với đấng tối cao. Thỏ sống cùng với ba người bạn bên bờ sông trong cảnh rất yên vui. Tuy nhiên trong số những người bạn của thỏ, còn có con vật hay sát sinh làm thỏ rất lo lắng cho hậu kiếp của những người bạn mình.

Cuộc sống trôi qua nhiều năm. Một hôm, đến ngày trước khi trăng tròn, thỏ bèn gọi ba bạn đến bảo rằng:

- Trước kia chúng ta có hứa rằng đến ngày trăng rằm thì nhịn đói, ngồi thiền để giữ cho lòng được thanh sạch và không bợn nhơ, ngoài ra còn phải tích cực làm việc thiện. Nay, tôi xin nhắc các bạn vào sớm ngày mai đi tìm thức ăn như mọi ngày nhưng không được ăn mà để dành cho những người đi ăn xin.

Sáng sớm hôm sau, cả ba cùng đi tìm mồi ăn, chẳng bao lâu rái cá đem về được vài con cá còn chó rừng đem về một bình sữa, một hũ mỡ, một gói cơm; còn khỉ thì mang về một mớ trái cây. Cả ba cùng ngồi một chỗ tham thiền, riêng thỏ thì chẳng đi đâu cả mà chỉ chăm chú vào việc tham thiền ngay trước cửa hang.

  Ý định của các con vật đã làm động lòng thượng giới. Thần Sakah, vị chúa của thần Tevađa bèn hóa thân thành cụ già ăn xin đến thử lòng bốn con vật dưới trần gian.

 Thần Sakah đến chỗ con rái cá ngồi ăn xin. Rái cá bảo:

- Xin mời ông dùng cá!

Người ăn xin đáp:

- Cảm ơn, chờ tôi đi rửa mặt xong sẽ quay lại ăn nhé!

Thần Sakah đến chỗ chó rừng và khỉ cũng được hai con vật mời ăn và người ăn xin cũng lặp lại câu nói trên như đã nói với rái cá.

Cuối cùng, đến chỗ thỏ, cụ già ăn xin thấy thỏ chào đón mình rất vui vẻ. Vì thỏ không đi tìm thức ăn như chúng bạn nên chẳng có gì mời người ăn xin. Thỏ bảo rằng:

- Xin chờ tôi đốt lửa lên sẽ dâng cho người một thức ăn ngon lành.

Nói xong, thỏ đốt lửa cho cháy lên cao, nhảy vào đống lửa tự nướng mình. Nhưng kỳ lạ thay, lửa không cháy mà ngược lại bị gió thổi tắt đi. Thỏ không nản lòng lại cho củi vào tiếp tục đốt.

Cụ già ăn xin biến mất. Thần Sakar hiện nguyên hình và khen ngợi nghĩa cử của bốn con vật, nhất là thỏ. Ông nói: vì sự cao đẹp của thỏ, ta phải để cho người đời sau noi gương. Thần Sakar ra lệnh cho thần Inđra lấy hòn đá ngọc vẽ hình thỏ lên mặt trăng để nhớ mãi sự hy sinh cao đẹp này (Có người kể rằng thần Sakar vươn cao, đưa cánh tay ra vẽ hình thỏ lên mặt trăng). Từ đó, đồng bào Khmer cúng trăng để nhớ đến nghĩa cử cao đẹp của Phật Thích Ca trong kiếp con thỏ.

Truyền thuyết về hội đua ghe ngo

1. Thuở xa xưa, người Khmer đã sinh sống ở vùng đất này. Họ sống chung quanh các ngôi chùa. Thời đó còn rất khó khăn, dân cư còn thưa thớt.

Hằng ngày các vị sư sãi trong chùa phải đi khất thực rất xa và phải trở về trước giờ ngọ (12 giờ trưa).

Theo đạo Phật, những ai làm nhiều việc thiện, đặc biệt là giúp đỡ các vị sư sãi khi gặp khó khăn, thử thách sẽ được hưởng nhiều phước lành.

Một hôm, gần đến giờ ngọ mà trời vẫn đổ mưa to, gió lớn, nước ngập mênh mông, các vị sư gặp khó khăn trên đường trở về chùa. Thế là mọi người đã thi đua nhau làm thuyền, bè. Số thuyền, bè được làm hối hả, mỗi lúc một nhiều, họ thi nhau bơi thật nhanh để kịp đưa các vị sư trở về chùa an toàn và đúng giờ lễ Phật.

Từ đó, hàng năm đồng bào dân tộc Khmer thường tổ chức bơi ghe ngo trên sông. Dần dà trở thành ngày hội thi đua ghe ngo như bây giờ.

2. Ngày xưa, vua Rồng và vua Người tổ chức bơi ghe đua. Vua Người bơi không lại bèn rút gươm đâm ngang lưng vua Rồng, máu vua Rồng phun dính đầy vua Người.

Vì vua Rồng bị thương nên thất bại, vợ vua Rồng thuộc về vua Người. Nhưng vì bị dính máu độc của vua Rồng nên vua Người bệnh cùi và chết.

Sau đó vua Rồng được thần tiên cứu sống và đoàn tụ với vợ. Nhưng vợ vua Rồng nói đã trót thương vua Người nên xin vua Rồng tổ chức kỷ niệm ngày hai vua đã đua bơi ghe. Vua Rồng đồng ý. Đó chính là nguồn gốc hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer.

Thái Ngọc Anh
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ)


(Ghi theo lời kể của Thượng tọa Lý Hùng - trụ trì chùa Pitu- Khôsa- Răngsây, số 27/18 Mạc Đĩnh Chi, P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết