Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) là mốc son lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Pháp. Để hiểu rõ về chiến dịch chấn động địa cầu này, độc giả có thể tìm đọc những cuốn sách được viết, biên soạn bởi những tác giả uy tín hoặc những nhân chứng lịch sử.
* Bộ sách “65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng chói lọi”, do NXB Thông tin và Truyền thông phối hợp với những nhân chứng lịch sử cùng các tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử tổ chức bản thảo, xuất bản năm 2019.
Bộ sách gồm 7 cuốn: “Kể chuyện Điện Biên Phủ (1953-1954)”; “Đường tới Điện Biên Phủ”; “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”; “Điện Biên Phủ - Những trận đánh đi vào lịch sử”; “Điện Biên Phủ - Mốc vàng thời đại”; “Nếm trải Điện Biên”; “Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954)”. Bộ sách là kho tư liệu quý giá, đồ sộ, giúp độc giả có được những góc nhìn khách quan, thời sự về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong mưa bom bão đạn của quân ta; cùng với đó là những hồi ức, cảm nhận và những câu chuyện bi hùng của mỗi tác giả.

Bộ sách 7 cuốn về Điện Biên Phủ.
Trong đó, 2 cuốn “Đường tới Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” là hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai chấp bút. Vượt lên những trang hồi ức của một cá nhân, hai cuốn sách cho thấy Đại tướng vừa là một nhân chứng, vừa là một người tham dự vào những sự kiện vĩ mô, những thời điểm có tính quyết định. Những đánh giá, tính toán, chiến lược của những người lãnh đạo chiến dịch được kể lại một cách chi tiết, cụ thể với góc nhìn của người trong cuộc. Qua đó, giúp người đọc hiểu rõ hơn quá trình chiến đấu gian khổ của quân dân ta và những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng này.
Đặc biệt nhất là cuốn sách “Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954)” của Tiến sĩ Sử học, cựu sĩ quan quân đội Pháp Ivan Cadeau, với sự phối hợp của Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước trong việc mua bản quyền và dịch cuốn sách sang tiếng Việt. Cuốn sách đặc biệt bởi được tổng hợp và phân tích từ các tài liệu lưu trữ quý giá và có phần phỏng vấn các nhà lãnh đạo có liên quan 2 chiến tuyến. Trong đó, có những thông tin từ tài liệu lưu trữ của Pháp chưa từng công bố ở Việt Nam và chi tiết hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử gồm cả các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, chính khách. Ngoài 7 chương nội dung, phần phụ lục còn đưa ra số liệu thống kê quân số Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11-1953; số đạn dược của các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 10-2-1954; quân số các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 12-3-1954…
* “Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng & dưới góc nhìn của người nước ngoài”, NXB Thời Đại. Với 2 phần: “Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng” và “Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của người nước ngoài”, sách cung cấp cho độc giả những góc nhìn đa chiều, tựu trung đều đánh giá cao và công nhận chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh những thông tin, tài liệu chính thống trong nước, sách còn tuyển chọn những bài viết và bình luận của các báo Pháp như Carrefoar, Paris Presses Anrore, Paris Macht… những đoạn hồi ký của nhiều nhà chính trị, quân sự đã trực tiếp tham chiến hoặc được biết về Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, độc giả có thể tham khảo thêm những tác phẩm văn thơ khác về Điện Biên Phủ của NXB Kim Đồng, như: tập thơ “Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ”, truyện tranh “Kể chuyện Điện Biên Phủ”, “Người lính Điện Biên kể chuyện”….
CÁT ĐẰNG