17/01/2019 - 10:01

Tìm giải pháp xử lý tro bay tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ 

Đưa vào hoạt động hơn 2 tháng, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đem lại hiệu quả khả quan từ việc quản lý điều hành, tiếp nhận rác thải, đốt rác và phát điện… Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, xử lý đốt rác, nhà máy thải ra lượng tro xỉ khá lớn. TP Cần Thơ và ban quản lý nhà máy đang tìm giải pháp xử lý lượng tro xỉ này một cách hợp lý, phù hợp luật pháp Việt Nam, quy định bảo vệ môi trường tại địa phương.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ (bên phải) kiểm tra lượng tro bay được chứa tại nhà kho của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.

Lượng tro xỉ rất lớn

Giữa tháng 1-2019, chúng tôi theo đoàn kiểm tra và giải quyết việc xử lý tro xỉ của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng làm trưởng đoàn. Vào khuôn viên nhà máy, quang cảnh thoáng, sạch đẹp, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho đoàn công tác. Đặc biệt, dạo một vòng trong khu vực xử lý rác, chúng tôi không phát hiện mùi hôi thối của rác thải. Bởi, mỗi quy trình xử lý, đốt rác phát điện đều  khép kín. Các xe giao rác thứ tự xếp hàng và đưa rác vào cửa tiếp nhận của nhà máy. Sau khi giao rác, mỗi xe đều được vệ sinh, dội rửa sạch nước rò rỉ trước khi rời khỏi nhà máy. Ông Chenwei, Phó Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ (chủ đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ), cho biết: “Hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ tiếp nhận và xử lý mỗi ngày từ 420-430 tấn rác thải sinh hoạt. Quy trình xử lý rác bằng công nghệ đốt và phát điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia. Chúng tôi cam kết trong quá trình quản lý và vận hành nhà máy đốt rác phát điện tuân thủ nghiêm túc theo quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam và quy định của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, nhà máy cũng mong phương tiện vận chuyển đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế rò rỉ nước thải rác xuống đường, tránh phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân xung quanh…”.

Tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, rác vận chuyển đến nhà máy sau khi xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, lượng tro xỉ còn lại khoảng 18 - 20%, còn tro bay là hơn 4% với khối lượng thải ra mỗi ngày trên 15 tấn. Trong đó, số tro xỉ được nhà máy chế biến làm vật liệu xây dựng và cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu san lấp mặt bằng. Đối với tro bay, hiện thành phố và phía nhà máy đang tìm phương án xử lý. Lượng tro bay này đang được tạm chứa trong nhà kho của nhà máy và có khả năng không còn sức chứa trong thời gian sắp tới...

Ông Chenwei cho biết thêm: “Sau khi nhà máy đưa vào hoạt động, công ty có thuê đơn vị chuyên môn lấy mẫu, phân tích chất lượng, tiêu chuẩn tái sử dụng của tro xỉ. Qua đó, đơn vị chuyên môn xác định tro xỉ của rác sau khi đốt không có chất nguy hại. Từ đó, chúng tôi tái sử dụng, chế biến làm vật liệu xây dựng và cung cấp cho đơn vị có nhu cầu san lấp mặt bằng. Riêng lượng tro bay, chúng tôi cho vào túi nhựa và chứa trong kho của nhà máy. Tuy nhiên, sức chứa của nhà kho có hạn nên nếu không được xử lý kịp thời thì lượng tro bay phát sinh trong thời gian tới sẽ không còn chỗ chứa. Nhà máy đang cần thành phố xây dựng khu xử lý để giải quyết lượng tro bay trên”.

Khẩn trương giải quyết

   Để giải quyết các vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu các sở, ngành và nhà máy tính toán phương án để tham mưu, đề xuất UBND thành phố giải pháp xử lý tro bay. Trước mắt, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ xây dựng khu chứa tro bay tạm tại phần đất trống với diện tích 2,8ha. Đây là khu công trình tạm của dự án xây dựng nhà máy trước đây, đồng thời tro bay chứa tại đây phải dùng bạt đậy kín, tránh phát sinh ra bên ngoài, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường  liên hệ đơn vị chuyên môn tiến hành lấy mẫu tro bay phân tích để có biện pháp xứ lý phù hợp. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: “Ngay sau buổi kiểm tra này, sở và đơn vị chuyên môn tiến hành lấy mẫu tro bay để kiểm tra, phân tích trong thời gian sớm nhất và đề xuất phương án xử lý cho UBND thành phố sau khi có kết quả. Đối với việc lấy mẫu tro bay có thể thực hiện cùng lúc 3 mẫu trong 3 ngày khác nhau để việc phân tích được chuẩn xác hơn. Do đó, nhà máy phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy mẫu tro bay…”.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, sau khi có kết quả phân tích, nếu lượng tro bay từ Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ không nguy hại, không ảnh hưởng môi trường, thành phố sẽ tận dụng, tái chế thành vật liệu xây dựng hoặc vật liệu sử dụng cho mục đích phù hợp khác; nếu tro bay không an toàn, có chứa chất độc hại thì thành phố xử lý bằng cách chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất của người dân.

Song song đó, ông Đào Anh Dũng cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án TP Cần Thơ lập thủ tục triển khai xây dựng khu xử lý tro bay với diện tích gần 1ha trong giai đoạn 1. Khu xử lý này đặt gần Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, đồng thời quá trình xây dựng, xử lý tro bay phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh môi trường; phối hợp sở, ngành chức năng thiết kế đường giao thông đấu nối khu xử lý tro bay với Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ để trình HĐND thành phố phê duyệt, phân bổ nguồn kinh phí và triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất…

Ông Đào Anh Dũng khẳng định: “Từ khi đưa vào hoạt động, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ xử lý rác thải đạt yêu cầu và thực hiện đúng như cam kết ban đầu. Thành phố sẽ thường xuyên kiểm tra và theo dõi quá trình xử lý rác thải của nhà máy. Về vấn đề xử lý tro bay, thành phố đã chỉ đạo từng sở, ngành liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Nếu kho chứa tro bay đầy mà vẫn chưa có giải pháp xử lý thì các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm; các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vận chuyển rác để rò rỉ nước thải xuống đường…”.

Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ được khởi công vào ngày 30-6-2017 do Tập đoàn China Everbright Quốc tế làm chủ đầu tư. Đến ngày 15-10-2018, nhà máy bắt đầu tiếp nhận rác để vận hành thử nghiệm. Nhà máy nằm trên diện tích 5,3ha, với tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 400-450 tấn rác thải sinh hoạt và phát điện khoảng 150.000 Kwh (tương đương 60 triệu Kwh/năm). Thời gian hoạt động của nhà máy là 20 năm. Đơn vị quản lý vận hành nhà máy là Công ty Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ - pháp nhân tại Việt Nam của Tập đoàn China Everbright Quốc tế.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết