14/03/2012 - 21:44

Tìm “đòn bẩy” phát triển làng nghề truyền thống ở ĐBSCL

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ
ngày càng phát triển.

Lâu nay, miền đất chín rồng không chỉ nổi tiếng với sự trù phú về lúa gạo, thủy sản, trái cây,... mà những làng nghề truyền thống (LNTT) của vùng còn mang nét độc đáo rất riêng. Trong nhiều năm qua, các địa phương ở ĐBSCL đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các làng nghề duy trì và phát huy những giá trị truyền thống. Mặc dù còn nhiều khó khăn trên chặng đường bảo tồn, phát triển, nhưng LNTT của vùng đã và đang góp phần rất lớn trong thúc đẩy kinh tế nông hộ, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động.

ĐA DẠNG SẢN PHẨM LÀNG NGHỀ

Có dịp đến An Giang, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp núi non miệt Thất Sơn hùng vĩ và càng thú vị hơn khi tận mắt chiêm ngưỡng những đôi tay khéo léo, mượt mà của các nghệ nhân ở những LNTT, làm nên đặc sản như: Đường thốt nốt, lụa Tân Châu, bánh phồng Phú Mỹ... Trong nhiều năm qua, các ngành chức năng tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều biện pháp như: hỗ trợ vốn sản xuất, đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch gắn với LNTT để vực dậy sức sống làng nghề. Từ những nỗ lực này, nhiều LNTT được khôi phục, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Với sự phát triển làng nghề sản xuất bánh phồng ở xóm Phú Mỹ, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, vùng quê vốn nghèo khó này đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Bây giờ, đã qua mùa cao điểm sản xuất, nhưng không khí lao động ở làng nghề vẫn tất bật, rộn ràng. Ông Nguyễn Văn Sen, ở thị trấn Phú Mỹ, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi làm bánh phồng cầm chừng do thiếu vốn. Mấy năm nay, nhờ chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ vốn phát triển LNTT, nên tôi vay được hơn 5 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Trung bình, hàng tháng, gia đình tôi kiếm được hơn 3 triệu đồng tiền lời, cuộc sống cũng ổn định hơn”. Làng nghề sản xuất bánh phồng ở Phú Mỹ đã tồn tại hơn 70 năm và hiện có trên 50 hộ dân duy trì và phát triển kinh tế gia đình nhờ nghề này. Theo ông Dương Văn Bảo, một hộ dân có thâm niên làm nghề, thương lái thu mua hết bánh phồng ở đây, sản phẩm được tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang Campuchia. Niềm vui sung túc, no ấm từ LNTT Phú Mỹ cũng là niềm vui chung của nhiều LNTT ở tỉnh An Giang. Các sản phẩm như đường thốt nốt, lưỡi câu, gốm đen,.. không chỉ tìm được chỗ đứng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Đài Loan, Campuchia...

Hiện tỉnh An Giang có trên 27 LNTT và 49 nghề tiểu thủ công nghiệp với trên 11.000 hộ dân tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động. Các LNTT đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh. Năm 2011, giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 300 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đạt trên 4,7 triệu USD. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết: “An Giang xác định phát triển LNTT, nghề tiểu thủ công nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vì thế, địa phương không ngừng nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát triển LNTT. Trong đó có những làng nghề đã được khôi phục như sản xuất lụa ở huyện Tân Châu. LNTT không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”...

Dù mới phát triển chưa đầy 20 năm, nhưng sản phẩm của LNTT gốm mỹ nghệ tỉnh Vĩnh Long đã nổi tiếng khắp cả nước. Với chất liệu đất sét cùng đôi tay khéo léo, đầy sáng tạo của những người thợ thủ công, gốm đỏ Vĩnh Long không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn tạo được chỗ đứng vững chắc ở những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc,... Nghệ nhân lão luyện Võ Hồng Sơn nói: “Gốm đỏ Vĩnh Long mang tính đặc thù, chiếm được cảm tình của khách hàng, không chỉ ở kiểu dáng độc đáo, tinh xảo, mà còn thể hiện ở màu sắc. Màu đỏ hồng xen lẫn các mảng loang trắng bạc đã tạo nên sự hấp dẫn đối với khách hàng nước ngoài. Gốm được xuất khẩu không chỉ đơn thuần là sản phẩm hàng hóa mà còn thể hiện sinh động nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân ĐBSCL”. Hiện, tỉnh Vĩnh Long có hơn 70 cơ sở sản xuất gốm đỏ, tập trung ở huyện Măng Thít và Long Hồ.

Theo Hiệp hội Các làng nghề Việt Nam, cả nước có trên 2.000 làng nghề, trong đó hơn 1.000 LNTT. Riêng ở ĐBSCL, có khoảng 250 LNTT với các sản phẩm như: đan đát, mỹ nghệ, gốm đỏ, dệt lụa, kẹo dừa... gắn liền với đặc thù miệt sông nước. Sự phát triển khá đa dạng và phong phú của LNTT đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, LNTT của vùng đang đứng trước nguy cơ mai một, do sản phẩm đơn điệu, qui mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu... và thiếu chính sách “đòn bẩy” từ các địa phương.

Từ lâu, TP Cần Thơ vốn nổi tiếng với chợ nổi Cái Răng, Phong Điền hay LNTT bánh tráng Thuận Hưng (ở quận Thốt Nốt), hoa kiểng Long Tuyền (ở quận Bình Thủy). Theo các bậc cao niên ở phường Thuận Hưng, nghề làm bánh tráng có cách đây hơn 50 năm. Lúc đầu người dân sản xuất phục vụ cho bữa ăn trong gia đình, dần dà trở thành món đặc sản và được người dân trong ngoài nước ưa chuộng. Nhằm bảo tồn và phát triển LNTT, năm 2004, UBND TP Cần Thơ có chủ trương lập quy hoạch, chính sách hỗ trợ. Từ đó, đã tạo động lực cho LNTT ở TP Cần Thơ duy trì và phát triển. Ông Huỳnh Đức Nhã, chuyên viên Văn phòng UBND phường Thuận Hưng, cho biết: “10 năm trở lại đây nghề làm bánh tráng ở địa phương phát triển ổn định do có sự hỗ trợ tích cực về vốn sản xuất, đầu ra, phát triển thương hiệu thông qua HTX LNTT bánh tráng Thuận Hưng. Qua đó, không chỉ giúp sản phẩm ổn định đầu ra mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống kinh tế cho bà con”.

TÌM HƯỚNG ĐI MỚI

Tìm hướng đi mới cho LNTT là nhiệm vụ rất khó khăn của nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Năm 2006, tỉnh An Giang đã triển khai dự án bảo tồn và phát triển LNTT gắn với du lịch. Dự án này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2008-2010, có 43 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỉ đồng, gồm 23 dự án bảo tồn và phát triển, 11 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và 9 dự án phát triển làng nghề mới; giai đoạn 2011-2020, có 7 dự án với tổng vốn đầu tư 4,2 tỉ đồng, gồm 1 dự án bảo tồn, 4 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và 2 dự án phát triển làng nghề mới. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết thêm: “Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch như một luồng gió mới thổi vào những LNTT. Hiện một số làng nghề như: mộc Long Điền A, mộc Mỹ Luông, bó chổi bông cỏ Phú Bình, bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh hoạt động ổn định. Đạt được kết quả này, là nhờ tỉnh chú trọng công tác qui hoạch, kế hoạch phát triển LNTT, tăng cường hỗ trợ vốn sản xuất, đào tạo nghề, tìm thị trường”... Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, đảm bảo thu nhập cho nông hộ khu vực nông thôn, rất cần chính sách dài hơi của Trung ương và địa phương trong công tác định hướng, qui hoạch, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm truyền thống.

Theo các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, dù gốm đỏ Vĩnh Long đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là qui mô sản xuất nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém,... nguồn nhân lực cho làng nghề chưa được quan tâm đào tạo đúng mức. Ngành nghề nông thôn ở tỉnh Vĩnh Long khá đa dạng, với khoảng 50 loại hình khác nhau, gồm những nhóm sản phẩm chính như: chế biến gỗ, sản phẩm từ đất nung... Giai đoạn 2006- 2010, giá trị sản lượng của ngành nghề nông thôn đạt gần 2.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 47.000 lao động nông thôn, với thu nhập trung bình trên 1 triệu đồng/người/tháng. Song, LNTT ở Vĩnh Long đang cần một hướng đi mới vừa để bảo tồn vừa phát triển bền vững hơn. Ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nói: “Theo định hướng chung của tỉnh, đầu tư cho LNTT sẽ không ồ ạt, đại trà mà cần xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho những sản phẩm có thị trường và tiềm năng phát triển. Phát triển nghề nông thôn còn nhắm đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Do vậy, tỉnh đang triển khai các giải pháp như: Tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, trang thiết bị, vốn sản xuất... Trong đó, đặc biệt tập trung phát triển LNTT gắn với du lịch sinh thái miệt vườn”.

Tuy LNTT không đa dạng, phong phú như các tỉnh khác ở ĐBSCL nhưng TP Cần Thơ cũng dành sự quan tâm đặc biệt để bảo tồn và phát triển. Ông Nguyễn Minh Hiền, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “TP Cần Thơ đã có quy hoạch phát triển làng nghề - ngành nghề nông thôn đến giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, chú trọng đến khôi phục, phát triển ổn định LNTT, nghề nông thôn gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như xây dựng nông thôn mới”.

Hiện tình hình sản xuất của nhiều LNTT ở ĐBSCL rất bấp bênh, đầu ra sản phẩm không đảm bảo, giá cả không ổn định. Từ đó, phát sinh tình trạng nhiều nông hộ đã rời bỏ nghề truyền thống để tìm hướng phát triển mới. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của vùng, nhiều khu công nghiệp, nhà máy được thành lập, thu hút khá đông lực lượng lao động trẻ của các LNTT. Để tránh nguy cơ mai một, các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách đầu tư, định hướng phát triển hợp lý để bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống lâu đời của các làng nghề.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ ngày càng phát triển.

Chia sẻ bài viết