11/11/2012 - 18:24

Xã hội hóa đầu tư phát triển chợ

Tiểu thương còn thiệt thòi!

Tiểu thương kinh doanh tại một chợ do doanh nghiệp đầu tư khai thác ở quận Ninh Kiều,
TP Cần Thơ.

Bên cạnh siêu thị, trung tâm thương mại thì chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng không thể thiếu và là kênh mua bán hàng hóa của người dân. Thời gian qua, TP Cần Thơ có chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển chợ và đã được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Tuy nhiên, thiếu các cơ chế ưu đãi, nhất là ưu đãi về vốn nên sự tham gia của doanh nghiệp mới dừng lại ở việc đầu tư vào các chợ có ví trí lợi thế nằm ở các quận nội thành, tại trung tâm các huyện, còn chợ xã "vắng bóng" nhà đầu tư…

Chợ xã kém hấp dẫn nhà đầu tư

Thực hiện xã hội hóa đầu tư, nâng cấp và phát triển các chợ dân sinh bán lẻ tại các khu dân cư ở thành thị và tại các cụm xã ở nông thôn mà các địa phương đang triển khai thực hiện là một trong những định hướng chủ yếu để phát triển các loại hình chợ theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Trong điều kiện các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, thực hiện xã hội hóa đầu tư, nâng cấp và phát triển chợ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển của các chợ truyền thống. Các chợ truyền thống khi được giao cho các nhà đầu tư và những doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm quản lý và khai thác sẽ giúp chợ có điều kiện nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới mô hình phát triển, nâng cao sức cạnh tranh.

Thời gian qua, có hàng chục chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố được các doanh nghiệp và nhà đầu tư xây dựng khang trang, tạo thuận lợi cho việc mua bán của người dân, đảm bảo tốt hơn các điều kiện về vệ sinh, an toàn trong phòng chống cháy nổ. Có thể kể đến các chợ như: Tân An, Hưng Lợi, An Hòa, An Bình, Xuân Khánh, Trần Việt Châu, Bà Bộ, Hồi Lực, An Thới, Cái Răng… Tuy nhiên, hầu hết các chợ này đều nằm ở quận trung tâm Ninh Kiều và các quận Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn. Tại các huyện, hầu như chỉ mới có nhà đầu tư tham gia đầu tư vào một số chợ lớn tại xã và các chợ nằm tại trung tâm của huyện, nơi thuận tiện để có thể thu hút một lượng lớn tiểu thương và khách hàng vào chợ mua bán hàng. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 36 xã thuộc 4 huyện (gồm: Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ) thì mới có 23 xã có chợ, còn 13 xã chưa có chợ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống của người dân. Trong khi đó, tại những xã đã có chợ thì việc mua bán của người dân còn gặp khó do phần lớn chợ xã là chợ hạng 3, chợ tạm, cơ sở hạ tầng kém, mặt bằng chật hẹp nên thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, bị ngập vào mùa mưa và dễ có nguy cơ cháy nổ vào mùa khô. Trong nhiều năm qua, dù thành phố đã rất nỗ lực trong việc mời gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp các chợ nông thôn nhưng tình trạng "doanh nghiệp đến rồi đi" còn khá phổ biến.

Theo nhiều doanh nghiệp, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển chợ nhưng hiện còn thiếu các cơ chế ưu tiên hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, nhất là khi doanh nghiệp đầu tư vào các chợ vùng sâu, vùng xa ở nông thôn. Đầu tư vào chợ đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn rất chậm, thậm chí khó thu hồi vốn nếu chợ xây xong mà không thu thút được người mua, người bán vào chợ. Trong khi đó, theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ chế chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư chưa cụ thể và chưa có sự khác biệt giữa xây dựng chợ ở khu vực thành thị và nông thôn. Lẽ tất nhiên, doanh nghiệp phải chọn giải pháp an toàn cho mình là lựa chọn đầu tư vào những chợ có vị trí thuận lợi, nơi có đông người bán, người mua. Và nhiều chợ truyền thống ở các vùng nông thôn thiếu vắng nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư đến xem rồi bỏ đi cũng là điều dễ hiểu.

Cần quan tâm quyền lợi của tiểu thương

Xét ở một góc độ nào đó, thiếu cơ chế ưu đãi về vốn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ cũng là nguyên nhân dẫn đến "vạ lây" cho nhiều tiểu thương tại chợ, gây hệ quả xấu đến đời sống và hoạt động kinh doanh của họ. Thực tế cho thấy, có trường hợp chợ được nhà đầu tư "thay hình đổi xác" trở nên khang trang hiện đại, nhưng hiệu quả kinh doanh của nhiều tiểu thương tại chợ lại bị sụt giảm nghiêm trọng, buôn bán ế ẩm và các khoản phí đóng góp cho chợ đều tăng. Nhiều doanh nghiệp phải tự xoay xở vốn đầu tư chợ, nên không ít trường hợp doanh nghiệp sau khi đầu tư chợ đã lập tức tăng tiền cho thuê mặt bằng và các khoản phí tại chợ để thu hồi vốn nhanh. Có doanh nghiệp còn yêu cầu tiểu thương muốn vào buôn bán tại chợ mới phải đóng trước cho doanh nghiệp một khoản tiền "thế chân" thuê mặt bằng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Tiểu thương buôn bán nhỏ rất khó khăn về vốn, nhiều người phải vay "bạc nóng" để buôn bán hằng ngày nên nhiều tiểu thương "chê" chợ mới. Theo nhiều tiểu thương, vào chợ mới vị trí lô sạp đã thay đổi, rất khó đảm bảo việc buôn bán tốt như ở chợ cũ, trong khi nhiều người thuê mặt bằng của nhà dân gần chợ và trên các trục đường giao thông cũng mở ra buôn bán, nên cạnh tranh cao.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển chợ - siêu thị Việt Mai (ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã đầu tư trên 20 chợ tại các tỉnh, thành ĐBSCL như: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau… Công ty đã thực hiện đầu tư chợ bằng nhiều hình thức: đầu tư chuyển giao (BT), đầu tư sở hữu kinh doanh (BOO), chưa có chợ nào xây dựng rồi bỏ không cả. Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển chợ - siêu thị Việt Mai cho rằng, đầu tư chợ là phải có cái tâm, tầm nhìn chiến lược và phải vì lợi ích chợ thật sự. Đầu tư chợ phải đồng bộ, quản lý chính quy theo hướng chuyên nghiệp, khai thác chợ phải mang lại hiệu quả sau xây dựng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tiểu thương và doanh nghiệp. Bà con tiểu thương tại chợ là những người kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, rất cần được giúp đỡ và tạo điều kiện để kinh doanh mua bán. Đầu tư chợ phải lấy tiểu thương làm gốc, phải công khai minh bạch trước tiểu thương và các nguồn thu từ chợ phải đảm bảo hài hòa và phù hợp cho từng vùng, từng chợ cụ thể, đồng thời phải được tiểu thương và thương nhân đồng thuận. Đầu tư phát triển chợ cũng là việc mà chúng ta bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ quyền lợi của người dân.

Từ những thực tế trên, để xã hội hóa việc đầu tư, nâng cấp và phát triển chợ một cách bền vững, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý và quy chế quản lý đối với chợ do các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư. Có như vậy mới đảm bảo tốt quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan, nhất là giữa nhà đầu tư và tiểu thương, đồng thời giúp khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực tham gia đầu tư vào các chợ nông thôn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Tiểu thương kinh doanh tại một chợ do doanh nghiệp đầu tư khai thác ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết