03/03/2015 - 10:18

Tiếp tục “sát cánh” cùng doanh nghiệp

Năm 2014, doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng tiếp tục đương đầu với khó khăn. Bước sang năm 2015, bức tranh kinh tế được nhận định sáng sủa hơn nhưng"sức khỏe" DN khó phục hồi nhanh do đã thấm mệt sau những năm khủng hoảng kinh tế kéo dài. Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố khẳng định tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ DN vượt khó, đặc biệt là những phần việc còn tồn tại ở những năm trước.

* Nhiều "khúc mắc"

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong năm 2014, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 879 DN các loại hình (giảm 20,93% so với năm 2013) với tổng vốn đăng ký 2.915 tỉ đồng (giảm 32,38%); cấp thay đổi đăng ký kinh doanh cho 1.730 lượt DN. Đồng thời, thực hiện giải thể 83 DN các loại hình (tăng 31,32%) với tổng vốn là 163,74 tỉ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2014, tổng số vốn đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố là 11.718 DN với số vốn 42.551 tỉ đồng và 2.813 chi nhánh, văn phòng đại diện; thực hiện giải thể 789 DN với tổng vốn đăng ký 1.724 tỉ đồng và 720 chi nhánh, văn phòng đại diện. Như vậy, sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài, mặc dù đội ngũ DN trên địa bàn thành phố còn khá đông đảo nhưng không ít DN không thể bám trụ, số khác "sức khỏe" cũng suy giảm đáng kể.

Xuất khẩu nông thủy sản là một trong những lợi thế của TP Cần Thơ. Tuy nhiên, năm qua, các DN xuất khẩu gặp rất nhiều cản ngại trong vấn đề cạnh tranh cũng như tìm kiếm thị trường. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: "Thời gian qua, Việt Nam và Thái Lan cùng xuất khẩu gạo thơm. Giống Jasmine của chúng ta xuất ở mức 500-600 USD/tấn, giống Khaodakmali của Thái Lan khoảng 1.000 USD/tấn. Như vậy, chúng ta có phân khúc thị trường gần như không có đối thủ cạnh tranh. Thậm chí một số thị trường "ăn gạo" thơm của Thái Lan cũng chuyển sang mua của Việt Nam vì mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan đã lai tạo được bộ giống lúa thơm có mức giá xuất khẩu ngang ngữa với gạo thơm Việt Nam. Đây sẽ là một trong những mối lo của DN xuất khẩu gạo".

Khách hàng mua sản phẩm thịt gia cầm của Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ.

Nhiều DN phản ánh, mặc dù Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương thời gian qua đề ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Tuy nhiên, số lượng DN thực sự tiếp cận được các chính sách ưu đãi không nhiều. Để vượt qua khó khăn, hầu hết các DN phải "tự bơi" là chính. Mặt khác, ở một số ngành, lĩnh vực trọng yếu vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng. Theo ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, thời gian qua, ngành cơ khí cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Và đến nay, số DN còn tồn tại được chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. "Cơ khí là ngành mũi nhọn, xương sống của nền kinh tế nếu bị bỏ quên thì hết sức nguy hiểm. Đặc biệt là trong bối cảnh TP Cần Thơ đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020. Đối với ngành cơ khí, muốn có một công nhân lành nghề thì phải trải qua quá trình đào tạo là 10 năm. Còn những học sinh, sinh viên từ Trung cấp nghề ra thì chỉ mới ở giai đoạn "xóa dốt nghề"…"- ông Tăng Hồng băn khoăn.

* Cần tiếp sức

Thực tế những năm qua cho thấy, để trụ vững trên thương trường, bản thân DN phải chủ động vượt khó. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước luôn được DN nhìn nhận. Theo ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, trong giai đoạn khó khăn, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã mang lại hiệu ứng tích cực. Việc ưu tiên sử dụng máy móc sản xuất trong nước làm đầu ra của sản phẩm Cơ khí Sông Hậu dễ dàng hơn. "C.T.C có mối làm ăn lâu dài với siêu thị Co.opmart và Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ là nhờ sự giới thiệu của UBND thành phố. Vì vậy, ngành chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò đầu mối liên kết giữa DN với DN. Bởi hơn ai hết, các sở ngành hữu quan của thành phố biết rõ "sức khỏe", tiềm năng, lợi thế của DN đóng trên địa bàn" - Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong năm 2015, thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN trong việc xúc tiến thương mại nội địa gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các hoạt động đưa hàng Việt về vùng ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được triển khai rầm rộ hơn để giúp DN mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND thành phố và các sở ngành hữu quan đề ra các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay đảm bảo thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng hoàn nợ của DN. Đặc biệt, ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ... Tổ Hỗ trợ DN phát huy hơn nữa vai trò trong việc giúp DN tập huấn, chuyển giao khao học kỹ thuật; thực hiện pháp luật về lao động; đào tạo nghề và tuyển lao động…

Phát biểu tại buổi Họp mặt Mừng Đảng, mừng xuân Ất Mùi 2015 với các DN đóng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng khẳng định, tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN trong thời gian tới. Thành phố cùng các sở ngành hữu quan thường xuyên tổ chức các buổi đến thăm, làm việc với các DN để tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh và lắng nghe những khó khăn, kiến nghị từ phía DN từ đó đưa ra hướng giải quyết kịp thời. Ngoài ra, UBND thành phố đề ra các giải pháp đồng bộ để giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm đầu ra cho sản phẩm. Điển hình như: làm việc với các ngân hàng để DN tiếp cận vốn dễ dàng, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư... Về phía DN, ngoài các giải pháp đối phó với những khó khăn trước mắt, DN cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh... Bởi đây là điểm mấu chốt để DN phát triển bền vững, phát triển theo chiều sâu và vững tin hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết