14/03/2024 - 12:33

Tiếp tục hành trình học hỏi cùng “Nhật ký cô giáo - học kỳ Tết” 

Sau các tập sách “Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân” (2019), “Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè” (2021), “Nhật ký cô giáo - Học kỳ thu (2022); “Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết” của tác giả, cô giáo Hồ Yên Thục tiếp tục được NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ra mắt bạn đọc đầu năm 2024. Sách dày 191 trang gồm các nội dung chủ đạo: “May mắn”, “Hỏi đáp vui”, “Facebook”, “Chương trình và sự kiện”, “Nhân vật cổ tích”, “Tuyển dụng”, “How to pass”, “Dẫn lối”.

“Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết” là tập cuối trong loạt sách “Nhật ký cô giáo”, ghi chép lại những câu chuyện hàng ngày của cô giáo Hồ Yên Thục, thạc sĩ Quản lý Giáo dục Đại học Portsmouth, Anh; hiện là giảng viên một trường đại học tư thục ở TP Hồ Chí Minh. Trường nơi cô dạy có 3 học kỳ xuân - hè - thu nên tập sách này lấy tên “học kỳ Tết”, như một cách mô tả không khí nơi học quán luôn vui tươi, sum vầy, đầm ấm, con người nơi này đối xử với nhau như người nhà, đến trường như về nhà vậy.

Lần này, học kỳ Tết tiếp tục mô tả không khí học quán của cô giáo đã qua thời gian làm quen với môn học, bước vào giai đoạn ổn định toàn tâm toàn ý xây dựng giảng đường cũng là nơi trải nghiệm cuộc sống một cách xứng đáng. Đời sống đại học được tác giả ghi chép lại kỹ lưỡng với hai nhân vật chính ở trường vẫn là người dạy - người học. Trong mối quan hệ thầy trò gắn bó này, họ cùng nhau vượt qua giới hạn bản thân, bình đẳng về tư duy, cùng nhau phát triển. Khi học tập và cùng nhau hướng đến mục tiêu chung, người dạy và người học nhìn nhận được bản thân, từ đó học cách chấp nhận và yêu mến chính mình, rồi học cách tôn trọng và yêu mến người khác. 

Ngoài dạy học trong lớp theo lối truyền đạt truyền thống, mô hình học tập theo dự án được áp dụng nhiều trong lời kể của cô giáo qua tổ chức thuyết trình, workshop, sự kiện... Đó cũng là nơi người học và người dạy học kỹ năng mềm, thực hành giao tiếp, tham gia hoạt động vì cộng đồng… cho thấy vai trò của sinh viên đóng góp cho xã hội là không giới hạn. Cô giáo tin rằng một cá nhân có thể làm nên thay đổi to lớn. Cô đem đến trường nhiều chương trình khuyến đọc, giới thiệu sách, cảm thụ nghệ thuật, bồi đắp thế giới nội tâm phong phú của sinh viên. 

Qua 4 tập “Nhật ký cô giáo” và đi đến tập cuối này, độc giả sẽ thấy chân dung cô giáo thay đổi qua từng mùa, từ bỡ ngỡ đến làm chủ công việc đại học. Cô giáo không chỉ vận hành lớp học linh hoạt mà còn dũng cảm tạo ra những điều chỉnh cần thiết để mang lại trải nghiệm giáo dục tốt cho người học - những người cô xem là bạn. Công việc của cô giáo cũng đa dạng hơn, từ việc thiết kế bài tập, tổ chức các hoạt động chăm sóc tâm lý sinh viên, khuyến đọc trong nhà trường… từ đó chân dung đời sống đại học sống động, nhộn nhịp, hào hứng với những tri thức mới được cô và sinh viên cùng khám phá, hiểu, vận dụng.

Không gian đại học trong loạt “Nhật ký cô giáo” hiện lên đậm đặc chất đô thị, dù trường được xây dựng xa trung tâm thành phố, có nhiều cây xanh, hoa, hồ sen được đặt ngay giữa sân trường; nhưng tốc độ học - hành - thi ở đây luôn cuốn theo những mốc thời gian đã định một cách khoa học, chuyên nghiệp và công nghiệp. Mỗi người mỗi việc, cùng chấp nhận sự khác biệt trong phong cách làm việc cũng như cá tính của nhau. 

Thông qua “Nhật ký cô giáo - Học kỳ Tết”, cô giáo trẻ Yên Thục muốn gửi gắm tâm tư đến bạn đọc: “Đại học là một nơi thú vị, đáng để trải nghiệm trong cuộc đời. Bốn năm thanh xuân này giống như ở trọ một nơi lạ trong một góc thành phố lạ, nó đáng mong chờ nhưng không hứa hẹn chỉ có niềm vui, sẽ có người thấy thích, có người không. Dù có thế nào thì học quán với những sinh hoạt hàng ngày, những người sẽ gặp, những đối thoại sẽ tham gia, chắc chắn đại học sẽ thay đổi một con người”.

Q.M

Chia sẻ bài viết