Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2016 của TP Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh trên thị trường, rào cản thương mại... Ngành công thương đang tích cực phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch để đa dạng mặt hàng xuất khẩu gắn với mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc nhiều vào một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống
từ đó tạo đột phá trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho thành phố.
Xuất khẩu hàng hóa gặp khó
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ giảm 4,4% so với cùng kỳ, nhất là mặt hàng thủy sản và gạo. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện hơn 394 triệu USD, đạt 23,9% kế hoạch năm. Nguyên nhân do ảnh hưởng của các rào cản kỹ thuật thương mại ngày càng tăng, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại nhiều nước giảm, sự biến động tỷ giá ngoại tệ tại các thị trường xuất khẩu chính
Đặc biệt, xuất khẩu gạo tháng 4 giảm so với tháng 3 năm 2016 do sản lượng lúa đông xuân 2015-2016 giảm, nhiều doanh nghiệp không thỏa thuận được giá mua với nông dân tại các vùng nguyên liệu, việc thực hiện giao hàng theo hợp đồng tập trung của các doanh nghiệp tương đối chậm, một số doanh nghiệp thông báo không thực hiện ủy thác xuất khẩu trong tháng 4
Ngoài ra, do tác động của hạn, mặn nên hoạt động nuôi thủy sản không thuận lợi, nguồn nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng
gây ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của thành phố.

Ngành công thương và các ngành hữu quan thành phố cần xây dựng kế hoạch nhằm đa dạng mặt hàng xuất khẩu... để tăng kim ngạch xuất khẩu cho thành phố trong thời gian tới (ảnh chụp tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu).
Tình hình xuất khẩu 3 mặt hàng chủ lực gồm: thủy sản, gạo và may mặc chiếm tỷ trọng hơn 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2016 sản lượng xuất khẩu thủy sản giảm 11% so với cùng kỳ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Nguyên nhân xuất khẩu hàng thủy sản giảm là Nhật Bản hạn chế nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam và do sức ép cạnh tranh với hàng Thái Lan. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nhà máy, cơ sở chế biến thủy sản hoạt động trên địa bàn thành phố. Nhưng trụ sở chính lại đặt trên địa bàn tỉnh khác nên chỉ số xuất khẩu của các doanh nghiệp này tại Cần Thơ chỉ bằng 0%. Hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố bị thiếu hụt nhân công lao động. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng, nhất là vay vốn bằng ngoại tệ... Đây là chính là nguyên nhân dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm và chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Tìm giải pháp đột phá
Trong tháng 4 năm 2016, Sở Công thương TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố để tháo gỡ khó khăn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, kiểm tra việc triển khai thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu, để tham mưu cho UBND thành phố. Sở Công thương còn tổ chức đoàn làm việc với doanh nghiệp xuất khẩu gạo để kiểm tra, xác nhận kho chứa cơ sở xay xát cho doanh nghiệp. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến- Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại thị trường Nga, Trung Quốc và Thái Lan. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các hội trợ triển lãm quốc tế để quảng bá hình ảnh, sản phẩm
trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Sở Công thương và các ngành có liên quan thu thập thông tin về nguồn cung hàng hóa phục vụ xuất khẩu và theo dõi chặt từng ngành hàng xuất khẩu, tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời thông tin, dự báo chính xác và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Để tạo ra đột phá, thành phố không chỉ tập trung vào xuất khẩu gạo và cá tra do thị trường tiêu thụ có giới hạn và đang chịu nhiều rào cản và cạnh tranh. Thời gian tới thành phố tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nhất là trái cây tươi và rau quả các loại, nông sản chế biến
Đây được xem là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Ngoài ra, các ngành chức năng thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu trong tình hình mới, tăng cường mọi nguồn lực đầu tư cho các dự án phát triển ngành xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhất là đối với các mặt hàng sản xuất chế biến nông sản... Chủ động triển khai các thông tin về hiệp định tự do thương mại, giúp doanh nghiệp thành phố và các tỉnh vùng ĐBSCL nắm bắt các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đẩy mạnh mở rộng thị trường trong ngoài nước, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường theo chuẩn mực quốc tế để vừa nâng cao chất lượng vừa hạ giá thành nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng: Để thực hiện tốt kế hoạch xuất khẩu trong thời gian tới, Sở Công thương TP Cần Thơ cần tổ chức gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp có chỉ số xuất khẩu 0% và dưới 5% để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu; tập trung phát triển nguồn nhân lực để bổ sung cho ngành chế biến thủy sản, dệt may
Ngoài ra, trong quý II/2016, cần có chiến lược kêu gọi đầu tư, nhất là thu hút đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, cơ khí chế tạo máy nông nghiệp
để tạo bước đột phá trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.
Bài, ảnh: M.HOA