ĐBSCL được xác định là “Thế giới sông nước Mekong” (Mekong Water World), là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế biết đến như phần hạ lưu của một trong những con sông dài nhất thế giới với bao huyền thoại- sông Mekong. Theo Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt, đã xác định ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch của Việt Nam. Làm thế nào để du lịch ĐBSCL phát triển xứng tầm và đạt được mục tiêu đó, là những vấn đề được bàn đến trong Hội thảo “Quản lý và phát triển du lịch ĐBSCL” do Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa mới được tổ chức tại TP Cần Thơ.
Nhiều tiềm năng triển vọng
ĐBSCL được xem là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về du lịch. Một vùng đất có hệ sinh thái đa đạng và đặc sắc như sông nước, biển đảo, cù lao châu thổ, núi đồi, đất ngập nước, rừng ngập mặn… với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tự nhiên mang tính đa dạng sinh học cao. Đó là vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… Đây là những tài nguyên, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, Phú Quốc được đánh giá là có nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể khai thác phát triển thành đảo du lịch có sức hấp dẫn lớn và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Nói đến ĐBSCL, du khách thường nghĩ đến một vùng châu thổ rộng lớn, ruộng đồng bao la, cây trái bốn mùa trĩu quả, nơi có nhiều sản vật và được thiên nhiên ban tặng nhiều hệ sinh thái khó nơi nào sánh được. Từ nhiều năm nay, ĐBSCL đã tận dụng lợi thế tiềm năng để khai thác du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo, đất ngập nước, rừng ngập mặn… Đó là chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Năm, miệt vườn Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, các lễ hội Ok-Om-Bok, Lễ hội đờn ca tài tử, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam, Lễ hội đua bò, Lễ hội dừa…, những cù lao thiên nhiên trong lành như cồn Phụng (Bến Tre), cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng), cồn Thới Sơn (Tiền Giang), cồn Sơn (Cần Thơ), cù lao ông Hổ (An Giang).
Khám phá rừng U Minh.
ĐBSCL giàu danh lam thắng cảnh và ẩm thực như vậy và đã từng được Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn là điểm đến giá trị nhất trong top 10 điểm du lịch giá trị nhất. Tạp chí Rough Guides của Anh bình chọn ĐBSCL là top 10 điểm đến “giá trị nhất”. Rough Guides ca ngợi ĐBSCL vùng đất trù phú, màu mỡ, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, đầy sắc màu cuộc sống và hương vị cuộc đời. Du khách sẽ tha hồ khám phá phong cảnh và cuộc sống người dân miền sông nước Cửu Long. Bên cạnh đó, thiên đường nhiệt đới đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) là chặng dừng chân thú vị không thể bỏ qua trong hành trình khám phá các tỉnh miền Tây Nam bộ. Rough Guides còn giới thiệu đoạn clip với các cảnh quay “đậm chất” ĐBSCL. Cảnh miền quê và những con người chịu khó “hòa quyện” trong tiếng đàn bầu hiện lên trong clip gợi lên cảm xúc khó tả, ai đi xa cũng nhớ về. Đoạn clip được thực hiện bởi vợ chồng nhiếp ảnh gia người Mỹ Mat Szwajkos và Erin Wigger trong chuyến du lịch của họ tới ĐBSCL vào năm 2009. Anh Mat Szwajkos viết trên trang web cá nhân: “Tôi ấn tượng về cuộc sống đầy sắc màu tại vùng ĐBSCL, một cảm nhận rất đặc biệt không giống với bất kỳ nơi nào tôi đã viếng thăm”.
Không chỉ riêng Tạp chí Rough Guides bình chọn ĐBSCL là điểm đến “giá trị nhất” , mà Tạp chí du lịch Travel + Leisure (Mỹ) cũng bình chọn khu vực sông Mekong vào top 50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Một trong những tiêu chí Travel + Leisure lựa chọn là những điểm đến này “có sự chuyển mình, ngày càng thu hút và có sức sống mới” trên bản đồ du lịch thế giới. Khu vực sông Mekong được xếp ở vị trí thứ 11/50 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh. Theo nữ phóng viên tự do chuyên viết về du lịch Stirling Kelso, nhịp sống khu vực sông Mekong đang “thay da đổi thịt”, du khách dễ dàng đến khám phá phong cảnh, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống con người nơi đây thông qua loại hình du lịch du ngoạn trên du thuyền ngày càng phát triển. Còn doanh nhân người Mỹ gốc Ý Francesco Galli Zugaro, Giám đốc điều hành Aqua Expedition khẳng định đã nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng du lịch của Việt Nam nên đã chọn Việt Nam là một trong những điểm đến trên hành trình dọc sông Mekong bằng du thuyền cao cấp.
Tiếp thị còn bỏ ngỏ...
Hội thảo “Quản lý và phát triển du lịch ĐBSCL” đã phân tích nhiều điểm nghẽn trong phát triển du lịch ĐBSCL, trong đó có vấn đề tiếp thị. Thạc sĩ Trần Thị Diệu, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Cà Mau, cho rằng: “ĐBSCL được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn, với lợi thế về hệ sinh thái độc đáo cũng như nền văn hóa đặc trưng thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương trong khu vực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là trong điều kiện cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt và các điểm đến rất dễ bị bão hòa. Trước xu thế nền công nghiệp 4.0 đang diễn ra với một tốc độ mạnh mẽ, nhanh chóng trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, cùng với thói quen tiêu dùng của khách du lịch vốn dựa nhiều vào các nguồn thông tin Internet; thì việc ứng dụng hiệu quả các công cụ công nghệ số vào hoạt động marketing điểm đến tại ĐBSCL là một hướng đi mới, hứa hẹn tạo ra những bước đột phá cho ngành du lịch vùng…”.
Du khách nước ngoài thích du thuyền tham quan chợ nổi Cái Răng.
|
Tiến sĩ Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện cán bộ TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ tri thức TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng: “Du lịch vùng ĐBSCL chưa có các chiến lược xúc tiến, quảng bá thương hiệu nên chưa phát triển xứng tầm. Thời gian tới, cần có chiến lược quảng bá ra nước ngoài thông qua các hình thức khác nhau để đảm bảo thu hút đa dạng các du khách nước ngoài các nước…”. |
Qua kết quả khảo sát của Thạc sĩ Trần Thị Diệu, việc xây dựng và phát triển trang web du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL còn đang ở giai đoạn đầu, cơ bản xây dựng được một kênh thông tin website phục vụ du khách. Tuy nhiên, để kênh thông tin này hoạt động hiệu quả, các địa phương cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn, xây dựng trang web chuyên về hoạt động du lịch. Đặc biệt, các website du lịch cần được thường xuyên cập nhật thông tin, bài viết để làm phong phú nội dung cũng như tăng cường sự tương tác với khách du lịch. Các tỉnh, thành ĐBSCL cũng chưa mạnh dạn tận dụng hết hiệu quả trang mạng xã hội Facebook và Youtube vào hoạt động truyền thông, marketing quảng bá điểm đến du lịch của các địa phương cũng như cung cấp thông tin phục vụ du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, Trường Đại học Cần Thơ, trong tham luận “Giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL” đã nêu ra nhiều điểm nghẽn: đầu tư, sản phẩm, nguồn nhân lực, marketing… Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi, công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa được đầu tư đúng mức. “Quy mô các hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương để phát huy tiềm năng du lịch đặc thù, từ đó hiệu quả các chương trình mang lại không cao. Nội dung và hình ảnh các chương trình xúc tiến quảng bá, du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo được ấn tượng mạnh đối với du khách nước ngoài, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và hợp tác phát triển…”- Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi chia sẻ.
HUỲNH BIỂN