01/06/2013 - 22:10

Tiếp sức doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế

Trong phiên họp thường kỳ tháng 5-2013 của Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế mà nền kinh tế cần tập trung khắc phục: cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng đều gặp khó, công nghiệp chế biến và chế tạo phục hồi chậm, do sức mua thị trường giảm. Nhưng mặt tích cực là lạm phát được kiềm chế, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra đã phần nào gỡ khó cho DN, nhưng cần liều thuốc mạnh hơn để vực dậy nền kinh tế.

Chính sách cần sát thực tiễn

Được Nhà nước giảm thuế, DN sẽ dễ thở hơn, tiền giảm thuế có thể sử dụng vào tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Ảnh: MINH HUYỀN 

Theo đánh giá của các chuyên gia, DN đã kiệt sức sau một thời gian dài chịu lãi suất vay cao, giờ lãi suất cho vay dù giảm dưới 10%/năm, nhưng đầu ra của DN "tắc" thì vốn vay dù rẻ, nền kinh tế vẫn khó hấp thụ. Thời điểm này, DN cần trợ lực đầu ra thị trường, bởi nhiều DN dù tiềm lực mạnh, phương án kinh doanh khả thi cao, nhưng tổng cầu giảm kéo dài sẽ tác động rất lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN giai đoạn tới. Trong 3 năm gần đây, rất nhiều DN ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất vì khó khăn về nguồn trả nợ ngân hàng, bởi trên thực tế vốn sản xuất, kinh doanh của DN đa phần phụ thuộc vào ngân hàng, biến động lãi suất khiến DN không kịp trở tay. Hệ lụy là nguồn thu ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng nhất định, do nhiều DN không phát sinh thuế phải nộp và cũng nhiều DN nợ thuế nhiều năm liền.

Từ đầu năm 2013 đến nay, phần lớn các địa phương đều cho biết các khoản thu ngân sách đều khó, do khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô. Theo ông Huỳnh Văn Khang, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ô Môn, TP Cần Thơ, thời gian qua, khó khăn về kinh tế đã tác động trực tiếp đến các DN, nhất là trong 2 năm trở lại đây DN liên tục gặp khó, đặc biệt là DN ngành xây dựng. Các DN xây dựng vốn đầu tư khá lớn, nhưng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, một số công trình xây dựng cơ bản tạm hoãn thi công, ngân sách không rót cho các chủ đầu tư để phân bổ cho các công trình nên không giải ngân vốn. Các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, thương mại, dịch vụ cũng gặp khó khăn về đầu ra nên phát sinh nợ thuế, gây khó khăn lớn cho ngành thuế...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách dù cần độ trễ nhất định để phát huy hiệu quả, nhưng cũng cần sát với thực tiễn, sát với hoạt động của DN, chẩn đúng bệnh mới cứu được DN. Nền kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ, con số DN giải thể ngày càng tăng, nếu không giải cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi DN giải thể, phá sản, người lao động mất việc làm, tạo gánh nặng lớn cho xã hội. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2013, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ vững kinh tế vĩ mô, song phải tăng trưởng bền vững. Cố gắng đưa nhanh chủ trương, chính sách vào cuộc sống nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên các lĩnh vực. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ mức lãi suất huy động, cho vay, hướng tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, có đầu ra; đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động…

Tiếp sức doanh nghiệp mạnh mẽ hơn

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm để tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DN, nhưng các chính sách phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho các DN đủ tiềm lực tồn tại. Tại phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 29-5-2013 thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật thuế thu nhập DN, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội đồng tình đề xuất của Chính phủ về lộ trình giảm thuế thu nhập DN. Theo đó, thuế suất giảm xuống 22% từ đầu năm 2014 và còn 20% vào năm 2016. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng mạnh dạn đề xuất cần giảm ngay xuống 20% để gỡ khó cho DN, tăng khả năng cạnh tranh của DN và tạo điều kiện để DN tái cấu trúc, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Về thuế thu nhập DN, nhiều DN cho rằng, mức thuế suất này cần giảm xuống dưới 20% đối với những DN đặc thù trên lĩnh vực gia công sản phẩm, hàng hóa. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ cho biết: "Là DN chuyên gia công hàng may mặc, sử dụng nhiều lao động, lợi nhuận từ gia công thấp, nên cần tính mức thuế thu nhập DN hợp lý hơn cho DN". Theo ông Trần Chí Gia, năm 2011, công ty nộp thuế thu nhập DN hơn 7 tỉ đồng, năm 2012 khoảng 4 tỉ đồng. Mặc dù nhiều năm qua, May Meko có đầu ra tốt, đảm bảo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, nhưng nếu giảm được thuế thu nhập DN thêm nữa thì DN sẽ tăng lợi nhuận hơn, đời sống công nhân cũng nâng lên. Năm 2013, công ty phấn đấu đạt doanh thu 220 tỉ đồng, năm 2012 đạt khoảng 201 tỉ đồng, với mức doanh thu này, ông Gia đề nghị thuế thu nhập DN đối với những DN chuyên gia công thì chỉ ở mức 10-12% là vừa. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, TP Cần Thơ thì cho rằng, DN đã khó khăn trong thời gian dài, nếu nhà nước giảm thuế, DN dễ thở hơn, tiền giảm thuế có thể sử dụng vào tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Ông Hồng cũng từng đề xuất giảm thuế thu nhập DN nhiều năm qua ở các diễn đàn DN, các hội nghị, hội thảo. Bởi hiện mức thuế thu nhập DN mà Công ty Cổ phần May Meko và DNTN Cơ khí Sông Hậu phải đóng đến 25%, đây là mức khá cao đối với DN nhỏ và DN chuyên gia công.

Hiện nay các ngân hàng đều đồng loạt giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho những DN lĩnh vực ưu tiên tiếp cận vốn. Tuy nhiên, để nguồn vốn rẻ chảy vào sản xuất, kinh doanh thì cần chính sách kích cầu đi kèm, bởi đầu ra vẫn khó thì nền kinh tế khó mà hấp thụ vốn rẻ. Cùng với chính sách tài chính về giảm, giãn thuế cho DN sẽ tạo lực đẩy cho các DN có tiềm lực đứng vững qua khó khăn, tái đầu tư sản xuất kinh doanh.

Song Nguyên - Minh Huyền

Chia sẻ bài viết