10/07/2020 - 09:15

Tiếp sức doanh nghiệp nâng chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu 

Trước những đòi hỏi ngày càng gắt gao từ thị trường, khách hàng, doanh nghiệp (DN) thành phố xác định phải tập trung cải tiến thiết bị, máy móc; xây dựng và phát triển thương hiệu. Từ thực tế đó, TP Cần Thơ tiếp tục hoàn thiện các chương trình, chính sách hỗ trợ và vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp tạo điều kiện cho DN tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh và quảng bá thương hiệu.

Hệ thống đóng gói gạo tự động của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ.

►Trợ lực

Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ có 3 chương trình, dự án hỗ trợ đắc lực cho DN: Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020; Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 và Dự án Năng suất chất lượng. Ông Phạm Hoàng Dũng, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Chương trình Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, hỗ trợ 30% và không quá 500 triệu đồng khi DN thực hiện dự án cải tiến, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ DN, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng nhãn hiệu hàng hóa thông qua hội thảo, tập huấn, hỗ trợ một phần kinh phí khi xây dựng và đăng ký nhãn hiệu. Ðối với Dự án Năng suất chất lượng, hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP, BRC, VietGAP... 

Ðến nay, Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020 đã tổ chức xét duyệt 12 dự án thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm gỗ, công nghệ thông tin, môi trường... với tổng kinh phí xét hỗ trợ là 4,2 tỉ đồng. Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 85 đối tượng gồm: 72 nhãn hiệu thông thường, 9 nhãn hiệu tập thể, 2 sáng chế, 2 quyền tác giả với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 400 triệu đồng. Riêng Dự án Năng suất chất lượng xét duyệt cho 25/26 DN được tham gia dự án. Ðến nay đã thực hiện giải ngân hỗ trợ cho 18 DN áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng với số tiền 1,27 tỉ đồng và 1 DN được hỗ trợ chứng nhận hợp quy với số tiền 14,7 triệu đồng.

Là một trong những DN được thụ hưởng từ Chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2018-2020, ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố, Công ty thực hiện Dự án Ứng dụng công nghệ đóng gói gạo hoàn chỉnh tiên tiến, với tổng kinh phí đầu tư gần 2,15 tỉ đồng. Với công nghệ đóng gói mới, độ chính xác trong quá trình đóng gói được nâng lên, mẫu mã đẹp hơn, chất lượng gạo được cải thiện do được làm sạch hơn. Gạo đóng gói theo công nghệ tiên tiến thông qua hệ thống xử lý tạp chất và hút chân không nên thời gian bảo quản sẽ trên 2 năm (thay vì trước đây khoảng 6-9 tháng phải tái chế, xử lý lại); chi phí đóng gói giảm từ 215 đồng/kg xuống còn 127 đồng/kg; rút ngắn thời gian đóng gói bình quân 1 tấn gạo từ 1 giờ xuống còn 12 phút...

►Bám sát thực tiễn

Ngày càng nhiều DN quan tâm đến đổi mới công nghệ, cũng như vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu. Bởi đây là xu thế tất yếu nếu DN muốn phát triển lên tầm cao mới. Theo ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Ðỏ, yêu cầu đặt ra từ phía các nhà nhập khẩu ngày càng gắt gao, đặc biệt đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, Công ty mong muốn có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của thành phố để từng bước tiến tới tự động hóa hoàn toàn dây chuyền sản xuất và chế biến gạo.

Mặc dù số lượng DN quan tâm và thực hiện đổi mới công nghệ đã tăng trong những năm qua nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ. Một thực trạng đã và đang diễn ra là tư duy đổi mới của một bộ phận DN còn kém. Nhiều năm qua thành phố đã tích cực triển khai các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương đối với hoạt động KH&CN của thành phố; ban hành kịp thời các quy định hoạt động KH&CN tại địa phương tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động KH&CN. Ðặc biệt, thành phố xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng DN đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong đợi mà nguyên nhân chủ yếu là từ tư duy của DN như: mong muốn được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí chứ không dừng lại ở “vốn mồi”; khi thành phố dừng chương trình hỗ trợ thì DN cũng buông xuôi, không tiếp tục duy trì...

Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, các chương trình, dự án hỗ trợ DN sẽ kết thúc trong năm nay. Bước sang giai đoạn mới, thành phố tiếp tục có những cải tiến, cập nhật để phù hợp với tình hình thực tế: mở rộng đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ; nâng mức hỗ trợ; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; phối hợp với các viện trường để mời chuyên gia cố vấn, định hướng cho DN… Ngoài ra, thành phố tiếp tục khai thác có hiệu quả các hạ tầng KH&CN hỗ trợ DN như: Trung tâm Ứng dụng KH&CN, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc… Ðây là các kênh hỗ trợ đắc lực để DN tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch vào thực tế sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết