12/03/2016 - 15:31

ƯƠM TẠO DOANH NGHIỆP TẠI KVIP:

Tiếp sức doanh nghiệp bằng công nghệ và nguồn vốn ưu đãi

Khởi nghiệp doanh nghiệp là quá trình lâu dài và bền bỉ đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ có ý chí, có dự án nghiên cứu khả thi, có khả năng phát triển công nghệ và sinh lời mà còn phải có vốn đầu tư ban đầu. Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP) ra đời với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp và phát triển thành một doanh nghiệp lớn mạnh có khả năng đứng vững trên thương trường. Do đó, song song với các hoạt động xét duyệt dự án đủ tiêu chuẩn được vào Vườn ươm, ươm tạo công nghệ, TP Cần Thơ cùng KVIP đang nỗ lực tìm kiếm, nối kết giữa ngân hàng với doanh nghiệp được ươm tạo nhằm tiếp thêm nguồn vốn phục vụ quá trình nghiên cứu chuyên sâu, thương mại hóa sản phẩm.

* Đặt nền móng khởi nghiệp

KVIP là mô hình Vườn ươm doanh nghiệp được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đặc biệt quan tâm. Ngoài trụ sở Vườn ươm đã xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2015 tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ đã thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu vườn ươm diện tích 200ha tại Khu công nghiệp Ô Môn để doanh nghiệp sau khi ươm tạo thành công tại KVIP có thể vào đây thuê đất, đầu tư nhà xưởng sản xuất sản phẩm. Cạnh bên Khu vườn ươm này là Khu công nghệ cao 57ha của TP Cần Thơ nhằm thu hút, mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đến đầu tư, tạo đà phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam (bìa trái) tham quan xưởng cơ khí của KVIP.

KVIP có tổng vốn đầu tư 21,13 triệu USD. Trong đó Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA không hoàn lại 17,7 triệu USD, nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 3,4 triệu USD). Đến nay đã xây dựng xong khối nhà làm việc với 13.000m2 diện tích sàn. Khi được ký hợp đồng ươm tạo, các doanh nghiệp sẽ được vào Vườn ươm và được KVIP cung cấp văn phòng làm việc, các trang thiết bị máy móc phục vụ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ trong 3 lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo. Hiện nay, KVIP đã được trang bị các máy móc, thiết bị của giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 1,4 triệu USD, bao gồm máy tiện CNN, máy cắt plasma, thiết bị chế biến lúa gạo, thủy sản... Công tác trang bị máy móc, thiết bị giai đoạn 2 đang được triển khai với vốn đầu tư 1,3 triệu USD. Tại KVIP còn có các phòng thí nghiệm hóa sinh để kiểm nghiệm đầu vào, đầu ra nguyên liệu, chứng minh chất lượng sản phẩm. KVIP đang tiến hành tập huấn cho cán bộ công chức vận hành máy móc, trang thiết bị nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi vào Vườn ươm.

Ngày 31-12-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 214/2015/TT-BTC "Hướng dẫn cơ chế, chính sách ưu đãi về hỗ trợ ngân sách Nhà nước, thuế và tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 1193/QĐ-TTg ngày 30-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ". Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Theo quy định của Thông tư, doanh nghiệp vào Vườn ươm sẽ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật từ lúc ươm tạo sản phẩm công nghệ đến thương mại hóa sản phẩm. Doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với thuế nhập khẩu trang thiết bị máy móc, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, kèm theo các ưu đãi về tiền thuê đất trong Khu vườn ươm... Đây là những điều kiện ưu đãi rất hấp dẫn, giúp doanh nghiệp được ươm tạo có môi trường hoạt động thuận lợi nhất cho các hoạt động nghiên cứu, hiện thực hóa các dự án phát triển công nghệ.

* Hài hòa chính sách hỗ trợ

Khi vào Vườn ươm, doanh nghiệp sẽ trải qua thời gian ươm tạo tối đa là 3 năm, sản phẩm ươm tạo ra sẽ được hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ. Các điều kiện, chính sách ưu đãi vô cùng hấp dẫn nên quá trình xét duyệt ban đầu sẽ rất khắt khe và đảm bảo tính khách quan. Dự án và doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo có hàm lượng khoa học công nghệ nhất định, phải mang tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, cho biết: Khi một dự án của doanh nghiệp được phê duyệt vào Vườn ươm, điều băn khoăn nhất vẫn là làm thế nào để doanh nghiệp nghiên cứu thành công sản phẩm công nghệ và thương mại hóa sản phẩm ấy. Hiện nay, KVIP không có nguồn kinh phí để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mà phải thông qua cơ chế chính sách đã được quy định. Do đó, KVIP cũng mong muốn các ngân hàng thương mại cùng tham gia hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp ươm tạo tại KVIP.

Theo quy định tại Thông tư số 214 của Bộ Tài chính, nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động ươm tạo tại Vườn ươm được cân đối, bố trí từ nhiều nguồn, bao gồm: Ngân sách Trung ương và địa phương, vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, kinh phí tự có hoặc tự huy động của các doanh nghiệp tham gia ươm tạo. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện khu vực Tây Nam Bộ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, cho biết: Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang có sẵn nguồn vốn để cung ứng cho các doanh nghiệp và hiện đang tham gia cung cấp vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản tại TP Cần Thơ. Ngân hàng cũng mong muốn tham gia hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp được ươm tạo tại Vườn ươm. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải có dự án khả thi, có khả năng sinh lời và phải có một phần vốn tự có theo các quy định hiện hành.

Tại buổi làm việc mới đây về tín dụng cho doanh nghiệp ươm tạo tại KVIP, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu Sở Công thương cùng KVIP nhanh chóng làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính cùng các sở, ngành hữu quan của thành phố để xác định rõ các nguồn kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp ươm tạo tại vườn ươm. Trong đó cần tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cùng các nguồn quỹ khác. Ngoài ra, KVIP cần xúc tiến làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tại TP Cần Thơ và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Khu vực Tây Nam Bộ để xây dựng cơ chế phối hợp cung ứng vốn cũng như cụ thể hóa các chính sách vay vốn cho doanh nghiệp vào Vườn ươm trong thời gian tới.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết