13/06/2022 - 14:24

Tiếp cận toàn diện để thúc đẩy bình đẳng giới 

Bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI) là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức trong và ngoài nước; nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi về kinh tế, xã hội, môi trường… thì vấn đề GESI cũng phát sinh những thách thức mới. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp cận toàn diện ở nhiểu góc độ từ quản lý nhà nước, nhu cầu và nguyện vọng của phụ nữ, nhóm yếu thế… để giải quyết các bất bình đẳng trên cơ sở giới.

Nâng cao năng lực nhận diện và thực thi về GESI

 

Các chuyên gia trình bày các vấn đề đương đại về GESI.

Các chuyên gia trình bày các vấn đề đương đại về GESI.

Ngày 11-6, hội thảo “Những vấn đề đương đại về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội tại Việt Nam” do Khoa Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long, các chuyên gia đến từ Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chuyên gia phát triển cộng đồng và các giảng viên UEH đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến GESI của địa phương và khu vực ĐBSCL; chính sách của chính quyền địa phương hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương sau dịch COVID-19. Các chuyên gia cũng đưa ra những mô hình phát triển cộng đồng thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho nhóm yếu thế và đề xuất các giải pháp về GESI.

Hội thảo là chuỗi hoạt động thuộc dự án hợp tác “Nâng cao năng lực cấp tỉnh” (SPC) giữa USAID và UEH. Qua đó, giúp nâng cao năng lực nhận diện và thực thi các giải pháp lồng ghép về GESI trong chương trình đào tạo của nhà trường, cũng như hoạt động của các địa phương.

Đại biểu dự hội thảo GESI.

Đại biểu dự hội thảo GESI.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Dư, Giảng viên UEH, khái quát một số vấn đề về GESI đương đại, những thách thức và các cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội. Đồng thời nhấn mạnh đến nhóm xã hội dễ bị tổn thương gồm nhóm người có nguy cơ nghèo đói, hoặc bị định kiến xã hội loại trừ vì họ khuyết tật về thể chất, yếu tố tuổi tác, nguồn gốc dân tộc, thiếu nhà ở, lạm dụng chất kích thích, tình trạng hôn nhân… Vậy nên các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cần lồng ghép với nhiều yếu tố, thúc đẩy các hành động làm cho tất cả các nhóm người trong xã hội cảm thấy mình có giá trị và quan trọng để giúp họ hòa nhập tốt hơn.

Bà Julia Babcock, Quản lý dự án cấp cao SPC, cũng cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án USAID hướng đến là nâng cao khả năng của phụ nữ và trẻ em gái để thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản và hợp pháp của họ, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, cơ hội sở hữu tài sản, đảm nhận vai trò lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng và xã hội… Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được xem là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là nền tảng của chiến lược phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người. Đây là cơ hội để thúc đẩy GESI. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng năng động hội nhập hơn, việc làm và cơ hội tăng lương cho phụ nữ cũng tăng hơn. Công nghệ số và các nền tảng trực tuyến mới qua đại dịch COVID-19 vừa qua cũng tạo cơ hội cho phụ nữ vượt qua các rào cản thương mại truyền thống, mở rộng kỹ năng kinh doanh, phát triển sự nghiệp linh hoạt cho phép họ quản lý tốt cả việc kinh doanh và trách nhiệm gia đình.

Dựa vào cộng đồng để thúc đẩy GESI

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những góc nhìn mới về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, đó là dựa vào cộng đồng để tạo các cơ hội sinh kế bền vững cho nhóm yếu thế, từ đó thúc đẩy GESI.

Bà Trần Thị Thu Nga, Trưởng Ban điều hành dự án Du lịch Cộng đồng xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Mô hình du lịch cộng đồng tại xã đưa du khách trải nghiệm về cuộc sống địa phương (các hoạt động khai thác thủy hải sản) trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch và thu được lợi ích kinh tế - xã hội từ du lịch, họ có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, môi trường, văn hóa địa phương. Sự hỗ trợ tích cực từ Hội Phụ nữ và UBND xã Thừa Đức đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát huy các thế mạnh của phụ nữ. Qua mô hình, phụ nữ và nhóm yếu thế đã phát huy khả năng tạo dựng sinh kế bền vững, tăng tính kết nối cộng đồng và chia sẻ lợi ích; đồng thời phát huy giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa.

Tham quan mô hình nuôi cá trên sông ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Tham quan mô hình nuôi cá trên sông ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Cũng ở góc nhìn hướng về cộng đồng, TS Chu Mạnh Trinh, chuyên gia về phát triển cộng đồng, cùng chia sẻ về những mô hình hòa nhập xã hội và phát triển cộng đồng dựa trên tài sản địa phương. Phải phát huy sức mạnh của cá nhân dựa trên nguồn lực tri thức, văn hóa, kinh nghiệm, niềm tự hào, các mối quan hệ, nguồn vốn và dựa vào tài nguyên bản địa, nguồn lực địa phương… để tạo nên mô hình cá nhân hướng về cộng đồng và xa hơn là tạo nên niềm tin vào sự phát triển bền vững trong tương lai. Từ những mô hình cộng đồng thành công nhân rộng ra để xây dựng các kết nối cộng đồng giữa các địa phương với nhau. Các mô hình cộng đồng phát triển bền vững, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên sẽ góp phần thúc đẩy sinh kế bền vững; từ đó cũng giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.

Các chuyên gia cũng cho rằng thúc đẩy GESI cần phải có cách tiếp cận toàn diện từ chính sách đến mô hình cụ thể, xây dựng, nhân rộng và phát triển lan tỏa. Ngoài ra cũng cần chiến lược truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho nhóm yếu thế để họ thấy được vai trò quan trọng của họ trong thúc đẩy GESI.

TS Đinh Công Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; Trưởng Khoa Quản lý nhà nước UEH, cho biết, hội thảo là bước đầu để nhận diện về GESI. Để thực hiện GESI cần có hành động cụ thể và thúc đẩy GESI bền vững chứ không phải phát triển hình thức. Tới đây, khoa sẽ triển khai nghiên cứu một số mô hình phát triển cộng đồng ở các địa phương để đề xuất, hỗ trợ địa phương giải quyết vấn đề bình đẳng giới.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết