10/09/2008 - 20:54

Tiếp cận, sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả: cách nào?

Khẩn trương thi công tuyến cống chính của dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ đoạn Nam Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 9 dự án sử dụng vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), được chuyển tiếp từ năm 2007. Các dự án này bước đầu đã tạo bước chuyển biến đáng kể trong việc chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh… Tuy nhiên, việc quản lý, thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập như: tỷ lệ giải ngân đạt thấp; trình độ, năng lực của cán bộ hạn chế…, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

* Tạo bước chuyển tích cực

Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có 2/9 dự án sử dụng nguồn vốn ODA có quy mô lớn (Dự án Thoát nước và xử lý nước thải, Dự án Nâng cấp đô thị). Các dự án còn có quy mô nhỏ và số lượng, thời gian hoạt động ngắn, thuộc những dự án hỗ trợ kỹ thuật, dự án đầu tư. Tuy nhiên, các dự án đã góp phần rất lớn cho việc phát triển kinh tế- xã hội thành phố. Đây là tiền đề, kinh nghiệm quý trong việc vận động, tiếp nhận quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nhất là học tập kinh nghiệm, kiến thức bổ ích từ các chuyên gia, các nhà tư vấn có tầm cỡ quốc tế”...

Trước đây, đường Trương Định, nối đường Đề Thám và Lý Tự Trọng, thuộc khu vực 2, phường An Cư, quận Ninh Kiều, xuống cấp trầm trọng. Nhiều người dân ở ven tuyến đường này muốn nâng cấp, sửa chữa, xây mới lại ngôi nhà rất ngán ngại, bởi, hễ cứ trời nắng thì đường đầy bụi, còn trời mưa thì sình lầy, ngập nghẹt. Cuối năm 2007, từ Dự án Nâng cấp đô thị giai đoạn I, tuyến đường này hoàn thành việc nâng cấp và được đưa vào sử dụng. Nhiều hộ dân nhờ đó có điều kiện tiến hành sửa chữa, trang hoàng lại ngôi nhà tạo cho cảnh quan con đường thêm khang trang, sạch đẹp. Ông Nguyễn Văn Toàn, một người dân ở khu vực này, cho biết: “Lưu thông thông thoáng, người dân đi lại dễ dàng, chuyện làm ăn của nhiều người dân nơi đây cũng khá hơn rất nhiều so với trước. Bà con ở đây rất phấn khởi vì có được con đường sạch đẹp như ngày hôm nay”...

Ngoài Dự án Nâng cấp đô thị thuộc lĩnh vực nâng cấp hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội, TP Cần Thơ còn các dự án sử dụng vốn ODA ở các lĩnh vực khác như: y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, thoát nước... Theo Ban Quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, các dự án này đã góp phần giảm thiểu những bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm môi trường như các bệnh lây về đường hô hấp, đường ruột...

* Tồn tại, bất cập

Theo Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, do tình hình biến động về giá cả thị trường, nên phần lớn các dự án sử dụng vốn ODA triển khai còn chậm, khối lượng thực hiên không nhiều và tỷ lệ giải ngân thấp. Tính đến cuối tháng 8-2008, nguồn vốn giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA chỉ mới đạt 49% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ODA đạt 96,7%, vốn đối ứng chỉ mới đạt 9,47%.

Trong 9 dự án sử dụng vốn ODA, chỉ có Dự án Trung tâm nước và Vệ sinh môi trường đã giải ngân trên 95% và đang quyết toán báo cáo kết thúc dự án. Các dự án còn lại tiến độ giải ngân đạt thấp so với kế hoạch. Điển hình như Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải đang triển khai thực hiện các gói thầu thuộc tuyến cống phía Nam và tuyến cống phía Bắc nhưng chưa xác định được khối lượng nên chưa giải ngân. Hạng mục nhà máy xử lý nước thải, đến nay còn 3 hộ đồng ý nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng nên chưa giao mặt bằng cho nhà thầu. Trạm bơm Rạch Ngỗng chưa triển khai được do chờ tòa án giải quyết tranh chấp đất... Còn Dự án Trung tâm Truyền máu khu vực khối lượng thực hiện đến nay đạt trên 75% ở khối nhà chính và các hạng mục phụ trợ; phần thiết bị đang trong công tác chuẩn bị và lắp đặt một phần hệ thống chữa cháy, điện lạnh cục bộ. Tuy nhiên, tiến độ này đã chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch và tiến độ giải ngân chậm 6 tháng do dự toán năm 2008... chưa có (!).

Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Thời gian qua, việc triển khai thực hiện, quản lý các nguồn vốn ODA trên địa bàn thành phố gần như “mạnh ai, nấy làm”, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành hữu quan. Phần lớn cán bộ phụ trách các dự án sử dụng vốn ODA đều kiêm nhiệm, thiếu tính chuyên nghiệp trong quản lý và sử dụng vốn ODA. Trong khi đó, quy trình và thủ tục trong nước cũng như của các nhà tài trợ còn phức tạp, lại có sự khác biệt giữa các nhà tài trợ và phía Việt Nam”.

Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch vận động và sử dụng vốn ODA; nhiều lúc, nhiều nơi công tác theo dõi và đánh giá dự án buông lỏng... làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

* Để sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả

Theo Bộ KH-ĐT, nguồn vốn ODA với những ưu điểm như: quy mô lớn, lãi suất thấp (dưới 3%, trung bình từ 1-2%/năm); thời gian cho vay dài (25-40 năm); có một phần viện trợ không hoàn lại khá lớn, thấp nhất là 25% của tổng số vốn ODA... Việt Nam đặt ra mục tiêu thực hiện 11 tỉ USD vốn ODA trong thời kỳ 2006-2010. Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 100 triệu USD sẽ tạo cơ hội thoát nghèo cho 210.000 người dân và nếu tăng được tỷ lệ giải ngân từ 10% lên 20% thì có thể đóng góp thêm 0,3% cho tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Năm 2009, UBND TP Cần Thơ trình Bộ KH-ĐT đăng ký 8 danh mục dự án yêu cầu tài trợ vốn ODA, tổng vốn khoảng 677 triệu USD (vốn ODA khoảng 582 triệu USD). Để tiếp cận, sử dụng nguồn vốn ODA một có hiệu quả trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Mến, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng: “Vấn đề cốt lõi nhất chính là giải bài toán nhân sự. Bởi, cán bộ giỏi mới thể hiện vai trò kết nối giữa các ngành, các đối tác thật chặt chẽ. Chính vì thế, cán bộ quản lý phải được học tập, đào tạo một cách bài bản, việc tuyển dụng nhân sự mới của các ban quản lý dự án phải chú trọng trình độ ngoại ngữ, biết quy chế sử dụng vốn ODA của các đối tác”.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Các sở, ngành, cán bộ quản lý phải nhận thức rõ vốn ODA là một nguồn lực bên ngoài có ý nghĩa quan trọng. Đó là một chất xúc tác, một nguồn lực bổ sung cho quá trình phát triển và cách tiếp cận lựa chọn trong sử dụng nguồn vốn ODA phải được chú trọng. Bản chất của nguồn vốn ODA gắn với mục tiêu chính trị và lợi ích kinh tế của nhà tài trợ. Do vậy, thành hay bại của việc tiếp cận, sử dụng vốn ODA tùy thuộc chủ yếu vào vai trò làm chủ của các cơ quan thực hiện, từ khâu hình thành dự án cho đến quá trình tổ chức thực hiện và duy trì tính bền vững của dự án sau này. Trên cơ sở đó, cần gắn kết và lồng ghép một cách đồng bộ chiến lược và kế hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA với các chiến lược phát triển, các chính sách và quy hoạch phát triển của từng ngành, cũng như các kế hoạch dài hạn và hàng năm. Song song đó, việc lập danh mục dự án yêu cầu tài trợ vốn ODA cần chú trọng nâng cấp đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội... thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông, văn hóa – xã hội... Đây là một trong những tiền đề bảo đảm cho sự thành công cho việc vận động và thu hút nguồn vốn ODA trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: Hà Triều

Ngày 15-8-2008, UBND TP Cần Thơ, ban hành Quyết định số 70/2008/QĐ-UBND Về việc ban hành Quy chế hoạt động thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn thành phố. Theo Quy chế này, định kỳ 5 năm và tùy theo từng thời kỳ cần thiết, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở KH – ĐT hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng vốn ODA đề xuất danh mục và xây dựng đề cương sơ bộ, vận động vốn ODA giai đoạn 5 năm căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển của Nhà nước, ngành, lĩnh vực, của địa phương, định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA từng thời kỳ của Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng đề cương chi tiết chương trình, dự án sử dụng vốn ODA trên cơ sở danh mục các dự án ưu tiên vận động vốn ODA giai đoạn 5 năm được duyệt và gửi về Sở KH-ĐT để tiến hành vận động... Sở KH-ĐT là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố quản lý Nhà nước về các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố...

Chia sẻ bài viết