22/03/2008 - 22:12

Tiếng gà trưa trong khách sạn

Truyện ngắn: TÔN THẤT LANG

Vào một sáng khi hừng đông mờ rạng, Ba Gà giựt mình lóng tai nghe tiếng gà gáy vòng vọng từng hồi. Mặc dù tiếng gáy còn non nhưng âm thanh khác hẳn tiếng gáy con gà thường. Ba tiếng ò ó o cuối ngân lên không dài không ngắn mà dân chơi gà thường gọi là “âm minh trung”. Sáng ra, Ba Gà thức dậy đi về phía sau vườn nơi phát ra tiếng gáy để tìm “thủ phạm”. Gã thoáng giật mình rồi trân trân nhìn vào con gà trống “chân xanh mắt ếch”, đang ăn. Đây là loại gà nổi tiếng dữ dằn, hung tợn, hiếu chiến, đôi khi quá hăng đá ngay cả chủ. Dân chơi gà thường trầm trồ: “Chân xanh, mắt ếch. Đá chết không chạy”.

Ba Gà nhìn con gà trống nòi mà nuốt nước miếng ực... ực. Gã vỗ đùi cái bốp lẩm bẩm: “Thì ra con gà của bà Lụa, nó mới lớn lên đây nên mình không biết”. Bà Lụa là hàng xóm của Ba Gà lâu nay, nhưng ít khi qua lại, sống một mình ở cạnh vườn Ba Gà từ khi đứa con trai hy sinh ở chiến trường K.

 

Ba Gà đi lòng vòng tìm bà Lụa. Vừa gặp bà, sau vài câu thăm hỏi lấy lệ, gã xuống giọng năn nỉ:

- Bà bán con gà cho cháu đi, mua lại năm ba con mái về đổ giống cho đẻ, bán có nhiều tiền hơn, bà nuôi nó có lợi lộc gì đâu...

Bà Lụa dáng người thấp, khuôn mặt thật hiền hậu. Sáng nào cũng vậy, bà ra làm vườn rồi mới đi chợ. Bà ngừng tay đứng dậy dùng tay áo lau mồ hôi chậm rãi nói:

- Chú Ba ơi, tôi sống đạm bạc, chỉ có một mình với con gà là bạn. Hôm trước, tôi nuôi một con gà mái, đẻ được tám trứng, đến khi ấp bảy trứng bị hư, chỉ nở ra môt con trống là nó. Con gà mẹ đã bị ăn cắp, nghe đâu tụi nó nuôi để làm giống. Tội nghiệp con gà con côi cút suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Ngày càng lớn, hình như nó hiểu được tiếng, quen hơi, nhiều lúc tôi ngồi ở bếp nấu ăn, nó quấn quít bên chân tôi, tôi vuốt bộ lông mượt nó vẫn để yên. Tối thì bay lên ngủ trên cây vú sữa, nó mới biết gáy gần đây thôi, tôi không bán nó được...

Bà Lụa từ chối. Mặt Ba Gà sầm xuống. Nhưng tự dưng như nghĩ ra điều gì đó, gã lại chuyển sang tươi vui.

* * *


Tên thật của gã là Ba Thế, dáng người thấp đậm, da ngăm đen, hơn bốn mươi tuổi đầu, chẳng thấy nghề ngỗng gì chính thức. Từ hồi còn trẻ, gã quanh năm suốt tháng chỉ ôm con gà đi đá, mê đá gà riết rồi thành danh Ba Gà. Hễ ở đâu có độ gà là có mặt gã. Chơi gà lâu, thông minh, chịu khó tìm tòi, có kinh nghiệm nên Ba Gà được dân chơi gà tôn là “thầy gà”. Gã nhớ lại chuyện mấy tháng trước...

... Hai người khách sang trọng ở xa đến, ghé uống nước quán cô Tám. Một người hỏi:

- Cô có biết nhà ông Ba Thế?

- Phải anh Ba Thế còn có tên Ba Gà?

- Vâng, đúng rồi.

- Kế đây thôi. Tôi cho cháu nó gọi anh Ba lại cho hai cậu gặp...

Ba Gà đến, gật đầu chào hai người khách lạ.

- Tui là Ba Thế...

Một trong hai người thanh niên vào chuyện:

- Em là Minh còn đây là Lai, tụi em khoái đá gà lắm. Mà đá thua nhiều độ quá rồi. Nghe danh tiếng của anh nên tìm đến anh, hy vọng phục hận cho tụi em.

- Đường xa, hai em nghe danh “qua” mà đến, qua vui lắm...

- Mời anh đi Sài Gòn, tụi em lo từ A đến Z, chỉ việc anh xem tướng gà, trồng cựa cho tụi em là được rồi. Tụi em cũng đang cần một con gà chiến, anh tìm mua giùm tụi em.

Trong lòng Ba Gà như được vuốt ve. Gã mỉm cười đưa tay chỉ con gà nhốt trong bội nói:

- Con gà của qua họ trả 5 chỉ vàng mà không bán, nó ăn 6 độ rồi. Trong nghề chơi gà người ta nói: “Gà ô chân trắng - Mẹ mắng cũng mua” Huống hồ gà anh là: “Gà ô chân trắng, mỏ ngà. Đá đâu thắng đấy gọi là thần kê”.

- Tụi em mê gà thì chơi, đâu có biết xem tướng gà gì. Thôi anh để con gà đó cho tụi em, bao nhiêu cũng được. Rồi “quá bộ” với tụi em một chuyến lên Sài Gòn đi...

- Mấy em bỏ công đi tìm qua. Thôi cứ coi như “ duyên kỳ ngộ”. Qua cũng thử thời vận một chuyến đáp lại tấm thạnh tình của mấy em.

Ba Gà thu xếp hành lý giở bội ôm con “gà ô” đi theo Minh và Lai. Ba ngày sau gã trở về. Cọng dây chuyền cả lượng vàng lấp lánh ở cổ Ba Gà. Vai gã mang, tay xách đồ đạc, áo quần lũ khũ. Mọi người nhìn gã với ánh mắt ngưỡng mộ.

Ba Gà mở tiệc nhậu ăn mừng. Bạn bè đến chia vui, xúm xít hỏi thăm, Ba Gà tợp một miếng hết ly bia, khuôn mặt bạnh ra, vênh lên, nói:

- Con gà của mình đá ăn độ này, trả mối nhục cho anh em, họ vui lắm... vui lắm... Lúc nào có độ lớn sẽ gọi mình.

Mọi người tặc lưỡi hít hà nhìn cọng dây chuyền ở cổ gã. Ba Gà nói tiếp:

- Từ đây tui có nhiều việc phải làm, anh em có gà hay, gà chiến đem lại tui mua giá cao, giao lại cho anh em ở thành phố.

Họ cười nói ồn ào, cụng ly côm cốp, mọi người trong tiệc nhậu đều vui vẻ và hứa hẹn tương lai sẽ sản xuất cung ứng những con gà linh, gà chiến làm “rạng danh” giới đá gà địa phương.


* * *

Những ngày cuối năm đến thật nhanh. Mọi người sửa soạn nhà cửa đón Tết. Riêng Ba Gà chỉ còn hai hôm nữa là đúng hẹn đem gà lên Sài Gòn. Nghe nói lần này độ lớn, dân cá độ toàn là “đại gia có máu mặt”. Ba Gà nôn nao cả ruột. Nhưng gã linh cảm chuyến đi này không chắc ăn cho lắm bởi số gà định mang theo, so với con gà Ô trước đây thì thua xa.

Đêm về khuya. Ba Gà vẫn trằn trọc, lăn lộn không tài nào ngủ được. Gã nghĩ độ gà quá lớn mà thành bại phần lớn do mình quyết định, lỡ thua thì còn gì uy tín, lại mất chỗ kiếm tiền. Gần sáng, tiếng gáy ò... ó... o của con gà trống hàng xóm lanh lảnh vang lên. Phải rồi, con gà trống của bà Lụa, nó sẽ là cứu tinh.

Đêm hôm sau, trời vừa tối, Ba Gà qua vườn bà Lụa rình xem con gà ngủ hướng nào trên cây vú sữa. Sau một hồi tìm kiếm, gã phát hiện con gà nằm thật “hóc búa” trên mé bìa chiếc nhánh con, cao hơn 3 mét. Ba Gà nuốt nước bọt, thở dài, lẩm bẩm “nan giải!”. Ba Gà trở về nhà. Thằng Đồng cũng loại “dân đá cá lăn dưa” trong xóm bước vào:

- Anh Ba mai đi sớm hở? Thấy anh mà tui ham quá, nôn nao cả người, như mình đi không bằng.

Đồng có tiếng là lanh lẹ, mưu mô. Nay nó tới đúng lúc -Ba Gà nghĩ quả là trời giúp mình. Gã kề tai Đồng bàn tính. Ngẫm nghĩ một hồi, thằng Đồng nói:

- Dễ ợt không khó khăn gì đâu!? Anh rọi đèn tôi leo lên ẵm nó xuống, “nghề của chàng mà”.

Ba Gà và Đồng về, xách theo giỏ đệm đựng con gà. Gã mở tủ lấy tiền đưa Đồng:

- Em cầm chút đỉnh xài đi. Giấu kín chuyện này đừng tiết lộ cho ai hay, hôm nào anh về gặp em sẽ có bồi dưỡng thêm ...

* * *

Ba Gà mang túi hành lý, xách 2 túi đệm đi vào khách sạn vừa đúng trưa. Mở vòi nước rửa mặt, nước mát lạnh tạo cho gã cảm giác thật dễ chịu. Gã mở túi đệm đưa con gà bà Lụa ra, nhìn kỹ con gà “chân xanh mắt ếch”, tiếng gáy “âm minh trung” bằng xương bằng thịt mà gã hằng mơ ước. Mắt gã sáng lên, lẩm bẩm: “cứu tinh của ta”.

Gặp các chiến hữu xong. Mọi việc thu xếp ổn thỏa, Ba Gà quày về khách sạn. Vừa đến cửa gã giật mình nghe tiếng gà gáy phát ra từ khách sạn, gã rủa thầm : “Gà gáy trưa xui tận mạng, không tai nạn thì cũng chữa hoang”. Ba Gà tức tốc chạy vào phòng, mở cửa ra. Một cảnh tượng diễn ra khiến Ba Gà hoảng hốt: con gà đang xù lông tức giận đá với “bóng” con gà trong tấm kính tủ. Chân, móng trầy xước, lông cánh tả tơi. Lập tức, gã chạy lại, ngồi xuống dang hai tay ôm gà. Chú gà trong cơn say chiến đấu và tức giận, phóng lên dùng mỏ cắn vào tóc gã, hai bộ móng bấu lấy mặt, chân xỉa luôn chiếc cựa bén ngót vào mắt gã. Ba Gà la thất thanh “Trời ơi... chết tui, bà con ơi... cứu tui”. Mọi người trong khách sạn nghe la, đến thì thấy máu ướt cả bàn tay Ba Gà bụm ở mắt. Người ta vội vã đưa gã đi bệnh viện. Con gà thấy đông người hoảng sợ phóng ra cửa tẩu thoát mất dạng.

Ở bệnh viện, bác sĩ phải múc bỏ tròng mắt trái của Ba Gà. Nằm viện, đêm nằm mê man miệng gã ú ớ: ò, ó , o, Chân xanh mắt ếch, đá chết không chạy. Hai tay gã đập giường xình xịch, khiến y tá, bác sĩ trực chạy lại mấy lần.

Một tuần sau, Ba Gà xuất viện trở về. Gã chỉ còn một con mắt phải. Tay xách túi hành lý xẹp lép, Ba Gà vội vã đi thẳng vào nhà. Chưa kịp thay quần áo, vợ con chưa kịp hỏi thăm, Ba Gà đã sai con phóng thích hết mấy con gà đang nhốt trong lồng. Sau đó, gã kể lại mọi chuyện, nói với vợ con thề giải nghệ đá gà.

Bà Lụa hay tin Ba Gà bị tai nạn, mua thuốc đỏ, bông, băng cùng đường sữa qua chia buồn cùng Ba Gà.

Chia sẻ bài viết