07/07/2013 - 21:10

Đầu tư sản phẩm chất lượng cao:

Tiến hay lùi?

Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Sóc Trăng.

Ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa hè thu. Dự báo từ nay tới tháng 8 sẽ có khoảng 9,3 triệu tấn, tương đương 4,65 triệu tấn gạo. Trong đó có 3,1 triệu tấn gạo hàng hóa. Mùa này, nông dân gặt lúa thường gặp mưa bất thường nên rủi ro cao. Song, trong lúc này điều lo lắng lớn hơn của nhà nông là làm sao tiêu thụ được lúa. Lúa đang khó tiêu thụ, rớt giá, lo toan chồng chất. Vậy mà một nhóm nông dân ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai vẫn miệt mài gieo sạ tiếp vụ lúa thu đông với giống lúa IR50404 - đang có giá thấp nhất trong thời điểm hiện thời. Không ít người ngạc nhiên, tự hỏi - có nên sản xuất hàng chất lượng cao nữa hay không?

Một số bà con nông dân vỡ ra bài tính: Trồng lúa chất lượng cao bán cao giá hơn lúa thường chỉ có 200 đồng/kg, lại cực công. Trồng lúa theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global GAP (Global Good Agricultural Practices – Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) là một bước tiến từng được khẳng định tại nhiều hội nghị nhằm chuyển hướng nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam, tiến tới xây dựng thương hiệu có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường gạo và giảm sự đối đầu với gạo phẩm cấp thấp đang gặp nhiều đối thủ mới. Đường còn dài, thế nhưng chỉ sau một “hiệp” đầu, vụ lúa đông xuân (2012-2013) vừa qua vẫn còn nông dân xu hướng quay về làm lúa IR50404 cho vụ hè thu. Hệ quả, khi lúa hè thu rớt giá, nông dân làm giống lúa này “lâm nạn” trước tiên, mức giá thấp nhất. Tại TP Cần Thơ 3.700-3.800 đồng/kg, trong khi nông dân thừa nhận giá thành đã lên 3.500 đồng/kg. Thậm chí trong lúc lúa rớt giá thương lái không muốn mua, chê bai rằng lúa xấu mua… để cho vịt ăn. Điều này có  phải là một bước lùi?

Không riêng gì hạt lúa, con cá tra sau “hai năm lận đận” dự đoán đến  cuối năm nay sẽ “sống lại”, hai nông dân nuôi cá tra ở Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cam đoan như vậy. Vì sao? Trật tự vùng nuôi đang “tự” sắp xếp lại. Duy có điều hai nông dân nuôi cá tra ngày nào từng đạt tiêu chuẩn Global GAP thì nay không còn mặn mà với danh hiệu này nữa. Hai nông dân nuôi cá lý giải: Muốn nuôi đạt tiêu chuẩn không khó, nông dân mình làm theo đạt hết. Nhưng hiện nay nuôi cá tra liên kết với doanh nghiệp (DN). DN không yêu cầu thì nông dân mình trở về với “bổn cũ”, nghĩa là nuôi cá sạch và không phải kê khai sổ sách, ghi chép tỉ mỉ từng điều theo bộ tiêu chuẩn như trước kia nữa. Phía nhà máy thủy sản yêu cầu chất lượng cá không nhiễm chất kháng sinh cấm, thịt trắng… bảo đảm thu mua 22.500 đồng/kg, người nuôi có lãi 2.000 đồng/kg. Như vậy từ tiến rồi quay trở lại…  lùi?

Chuyện thứ ba, ở vùng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Lần đầu tiên ở Vĩnh Châu có 6 DN trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng tự nguyện hỗ trợ chi phí cùng với nông dân thực hành sản xuất sản phẩm hành tím đạt chứng nhận Global GAP. Vì sao DN tự bỏ tiền ra đầu tư tổng chi phí các DN đầu tư trên 2 tỉ đồng? Vì đó là điều kiện tiên quyết nếu muốn xuất khẩu hành tím sang Indonesia. Mặt được lớn hơn nhiều là thành công ban đầu với 1.000/7.000 ha trồng hành tím Vĩnh Châu đạt chứng nhận Global GAP. Kết quả, vụ hành tím năm 2013 Vĩnh Châu vừa kết thúc, tuy giá bán chưa hết thăng trầm. Vào vụ thu hoạch rộ nông dân bán 5.000-6.000 đồng/kg. Nhưng gần về cuối vụ hiện nay củ hành tím đạt chứng nhận Global GAP các DN thu mua đỉnh điểm 17.000-18.000 đồng/kg. Nông dân trúng mùa, năng suất đạt 2,3 tấn/công (1.000 m2), trừ chi phí sản xuất khoảng 5.000 đồng/kg nên nông dân có lãi khá cao, so giá trị cao hơn lúa gấp 3 lần. Lúc này nhiều nông dân trồng hành tím đã thấy hướng sản xuất bền vững. Sản phẩm đạt phẩm chất tốt. Điều đó khẳng định là một bước tiến để nâng cao giá trị.

Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước chủ trương cổ súy nông dân liên kết hợp tác sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn, sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng theo qui trình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hành sổ tay ghi chép… Bước tiến đó khẳng định hướng đi đúng. Còn lại chuyện riêng lẻ của một vài nơi, một số mặt hàng nông sản từng đạt chứng nhận Global GAP và sau đó không còn tiếp tục nữa do nhà tài trợ kinh phí rút lui. Điều đó không phải là chuyện phổ biến. Mặt khác thị trường tiêu thụ gặp khó có thể do khó khăn khách quan, nhất thời; cần thấy rằng nông dân biết cách thực hành sản tốt là một xu hướng phát triển tất yếu để không lùi bước, chạy theo vòng lẩn quẩn.

                             HỮU ĐỨC

 

Chia sẻ bài viết