26/06/2019 - 17:31

Tiền điện tử của Facebook liệu sẽ được tin tưởng? 

Facebook cuối cùng đã sẵn sàng để nói về kế hoạch tiền điện tử của mình. Sau nhiều báo cáo, công ty tuần rồi cho biết tiền điện tử toàn cầu đang phát triển được gọi là Libra, sẽ chính thức ra mắt vào năm 2020.

Tiền điện tử Libra sẽ như thế nào?

Theo thông báo của Facebook, Libra được thiết kế không phải là một thứ tài sản đầu cơ, như Bitcoin (một loại tiền điện tử phát hành năm 2009), mà là một dạng tiền kỹ thuật số được hỗ trợ bởi một lượng dự trữ tài sản. Khi sở hữu tiền Libra, bạn có thể gởi tiền cho người khác qua các ứng dụng nhắn tin của Facebook, như Messenger và WhatsApp. Mục đích chủ yếu là giúp tiện lợi hơn trong chuyển giao tiền tệ truyền thống, có thể trao đổi trực tiếp trên mạng Internet mà không thông qua một tổ chức tài chính trung gian. Facebook hy vọng Libra sẽ được chấp nhận như một hình thức thanh toán và các dịch vụ tài chính khác sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) của nó.

Bước đầu, công ty dự kiến tiền Libra sẽ được sử dụng chủ yếu để chuyển tiền giữa các cá nhân ở các nước đang phát triển, những người ít có tiếp cận với các ngân hàng truyền thống. Bước tiếp theo là tạo ra loại tiền điện tử thực sự chính thống đầu tiên, một loại tiền có khả năng dùng để thanh toán toàn cầu như đồng đô-la, có thể được sử dụng để mua hầu hết mọi thứ và có thể hỗ trợ toàn bộ các sản phẩm tài chính - từ ngân hàng đến cho vay tín dụng.

Để bảo đảm sự ủng hộ đối với tiền điện tử của mình, Facebook đã thành lập Hiệp hội Libra với 27 đối tác khác để giám sát đồng tiền và sự phát triển của nó. Sự hợp tác bao gồm các công ty đầu tư mạo hiểm, các tổ chức phi lợi nhuận, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, viễn thông và công nghệ lớn, bao gồm Coinbase, Mastercard, Visa, eBay, PayPal, Stripe, Spotify, Uber, Lyft và Vodafone... Mỗi tổ chức thành viên sẽ đóng góp khoảng 10 triệu đô la vào quỹ Dự trữ Libra. Quỹ sẽ đảm bảo mọi đơn vị tiền tệ Libra được hỗ trợ bởi một thứ có giá trị nội tại thay vì khan hiếm như Bitcoin.

Tiền điện tử của Facebook có vấn đề?

Vấn đề cốt lõi đối với tiền tệ thông thường (tiền pháp định) là niềm tin cần thiết để nó có thể hoạt động. Ngân hàng trung ương phải được tin tưởng không được hạ giá tiền tệ, nhưng lịch sử của tiền tệ đầy những vi phạm. Ngay từ đầu, khi nói đến tiền điện tử người ta đã nói về niềm tin. Hầu hết những gì chúng ta biết đến với tiền điện tử là công nghệ dày đặc, cơn sốt khai thác bằng cách đào tiền, sự dao động giá… đó là hệ quả trực tiếp từ sự mất niềm tin vào một cơ quan tài chính trung ương.

Bây giờ, sức mạnh của Libra nằm trong tay Facebook. Về cơ bản, Facebook sẽ đảm nhận một blockchain tài chính toàn cầu. Ở cấp độ kỹ thuật, Libra tương tự như Bitcoin và Ethereum (hai loại tiền điện tử ra mắt trước đây), tức nó có cùng tính chất ẩn danh và hỗ trợ cho các hợp đồng thông minh và ứng dụng độc lập, không thông qua các tổ chức tài chính trung gian. Về lý thuyết, mọi thứ có vẻ tốt đối với Libra, nó được sử dụng trong phạm vi rộng hơn và giao dịch nhanh hơn. Tuy nhiên, trong khi Libra hoạt động ở sự phân cấp, về cơ bản, nó vẫn là một dự án riêng của Facebook. Nhân viên của Facebook thiết kế blockchain và tuyển dụng các đối tác sẽ quản lý nó. Ví tiền Libra sẽ được “nhúng” trong các ứng dụng Messenger và WhatsApp của Facebook. Điều đó có nghĩa là các sản phẩm của Facebook sẽ là cách chính mà mọi người trải nghiệm. Sử dụng Libra có nghĩa là tin tưởng Facebook, một việc không phải dễ đối với bất kỳ ai.  

Trong khi đó, bất cứ ai lo lắng về Facebook đều đánh giá Libra là mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống tài chính. Các nhà quản lý châu Âu đang tìm cách kiềm chế đồng tiền mới. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết tiền điện tử của Facebook không được trở thành một loại tiền tệ có chủ quyền. Không thể xảy ra và không được xảy ra. Ông kêu gọi các quan chức ngân hàng G7 đưa ra một báo cáo cụ thể về kế hoạch của Facebook vào tháng tới.

Một thành viên người Đức của Nghị viện châu Âu cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự, theo Bloomberg, nói rằng Facebook có nguy cơ trở thành một ngân hàng ảo và các công ty không được phép hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý ảo như vậy.

Mạng xã hội đã phải đối mặt với sự giám sát mạnh mẽ trên toàn thế giới về các hoạt động bảo mật, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các nhà quản lý có lập trường cứng rắn đối với ngành công nghệ. Việc tạo ra một loại tiền kỹ thuật số thay thế có thể sẽ gây ra mối lo ngại mới cho các chính phủ, trong khi Facebook cố gắng thuyết phục hàng tỉ người dùng chấp nhận Libra. Liệu ai có thể biết được đồng tiền này sẽ như thế nào?

HOÀNG THY (Theo Theverge)

Chia sẻ bài viết